Cấp xã, huyện không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật


Thứ 3, 10/03/2015 | 16:47


(ĐSPL) - "Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ nên từ cấp tỉnh trở lên, còn cấp xã, huyện không được thẩm quyền này".

(ĐSPL) - Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ nên từ cấp tỉnh trở lên, còn cấp xã, huyện không được thẩm quyền này, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nêu quan điểm. 

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh phát biểu ý kiến (Ảnh TTXVN).

Chiều ngày 9/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật và dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) .

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số ý kiến khác đề nghị chỉ giao cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến khác đề nghị không giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thảo luận về vấn đề này, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng,  việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ nên từ cấp tỉnh trở lên, còn cấp xã, huyện không được thẩm quyền này.

Theo ông Khánh, mặc dù không được quyền ban hành, song chính quyền cấp huyện, xã vẫn có thể thực hiện quản lý được theo đúng chức năng nhiệm vụ.

“Trình tự trong xây dựng luật pháp cần có đổi mới. Muốn có hiệu quả pháp luật thì thẩm định chính sách phải đi trước một bước. Chính sách không đạt yêu cầu, không khả thi thì dứt khoát phải loại bỏ”, ông Khánh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, việc các đơn vị trên được quyền ra văn bản đang gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhiều trường hợp văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh cũng không rõ ràng là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản pháp luật.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng việc bớt đầu mối có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, không nên để cấp huyện, xã ra văn bản quy phạm pháp luật.

Thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), TTXVN dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý cho biết, theo dự thảo luật, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước nhằm kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

“Kết quả giám sát được thể hiện thông qua kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống,” Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý nói.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lo ngại nếu không nêu rõ phạm vi giám sát trong dự thảo Luật sẽ xảy ra tình trạng chồng chéo. Đại biểu cho rằng tuy giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân, tính chất khác hẳn giám sát quyền lực, nhưng nội dung giám sát lại giống nhau.

Bày tỏ băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, quy định giám sát của Mặt trận chỉ để “hỗ trợ” cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, như vậy đúng không? Theo dự thảo, “giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang tính nhân dân, vì vậy, giám sát của Mặt trận phải mang tính độc lập, đại diện cho nhân dân. Cho nên giám sát phải là đại diện cho dân, chứ không phải hỗ trợ cho nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra,” bà Mai phát biểu.

Lý giải nội dung này, tham gia phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân nhưng không phải vấn đề gì cũng giám sát.

Dự thảo quy định như vậy là để Mặt trận Tổ quốc kịp thời phát hiện, tham gia giám sát, tránh chồng chéo, chứ không phải “né tránh” vai trò giám sát của mình. Như trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ làm tốt rồi thì Mặt trận hỗ trợ để làm tốt hơn. Nhưng nếu có vấn đề thì Mặt trận sẽ không né tránh mà sẽ tham gia giám sát, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cap-xa-huyen-khong-duoc-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-a86784.html