"Cuộc chiến" lò mổ ở Hải Phòng chưa có hồi kết


Thứ 2, 01/12/2014 | 03:28


(ĐSPL) - Cơ sở giết mổ tập trung quy mô, theo chất lượng tiêu chuẩn lifsap đầu tiên của Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ chết yểu sau một năm hoạt động.

(ĐSPL) - Cơ sở giết mổ tập trung quy mô, theo chất lượng tiêu chuẩn lifsap đầu tiên của Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ chết yểu sau một năm hoạt động. Mặc dù thành phố đã tích cực vận động những người làm nghề giết mổ tập trung vào một địa điểm để đảm bảo vệ sinh môi trường, thú y có thể kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra sản phẩm nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn trây ỳ không thực hiện.

Tin tức - 'Cuộc chiến' lò mổ ở Hải Phòng chưa có hồi kết

Nhiều hộ giết mổ không thích vào những nơi sạch sẽ để giết mổ vì... mất phí và đường xa.

Cơ sở giết mổ lớn nhất quận Kiến An gây ô nhiễm nặng

3h30 sáng 21/11, PV báo Đời sống và Pháp luật có mặt tại chợ Bến Phà, quận Kiến An, TP.Hải Phòng. Trong chợ có hai cơ sở giết mổ lợn quy mô của bà Phạm Thị Hậu (với công suất từ 80 đến 120 con lợn một ngày) và của ông Nguyễn Đình Sản (công suất khoảng 10 con một ngày). Trong không khí huyên náo của tiếng người buôn thịt lợn, tiếng gia súc giãy chết, từng con lợn sau khi bị "trảm" nằm ngổn ngang dưới nền xi măng.

Dẫn PV ra cống ở cổng chợ Bến Phà, ông Bùi Văn Luyện, Chi cục phó Chi cục Thú y Hải Phòng soi đèn pin về phía khúc sông đục ngầu cho biết: "Vì không có hệ thống xử lý nước thải nên toàn bộ chất thải lỏng của hai cơ sở giết mổ này đều xả trực tiếp ra sông Lạch Tray, nguồn nước ngọt lớn của thành phố. Gia súc của các cơ sở này được giết theo phương pháp thủ công, địa điểm không đảm bảo, không phân khu sạch, khu bẩn". ông Luyện cũng khẳng định, hai cơ sở này không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, không đủ điều kiện trở thành cơ sở giết mổ có điều kiện.

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hậu cho biết, gia đình bà đã xây dựng cơ sở giết mổ tập trung ở lô 1, khu công nghiệp Quán Trữ. Bà Hậu cam kết hết tháng 12 sẽ dời khỏi chợ Bến Phà để hoạt động trong cơ sở mới. PV đã phải cất công đi khảo sát khu công nghiệp Quán Trữ như bà Hậu mô tả để xác minh. Tuy nhiên, đó hiện là một khu đất trống, đầy cỏ của một công ty nhựa trước đây!

Trong đơn đề nghị gửi UBND thành phố Hải Phòng ngày 2/10/2014 về việc đề nghị được duy trì hoạt động kinh doanh giết mổ trên địa bàn quận Kiến An, bà Hậu mới chỉ nêu là đang tìm địa điểm để xây dựng. Bà Hậu đưa ra lý do không vào cơ sở giết mổ tập trung như các hộ giết mổ khác: "Cơ sở giết mổ nhà tôi chủ yếu phục vụ người buôn ở quận Kiến An và các vùng ngoại thành. Khu mổ tập trung của thành phố ở quận Lê Chân thì quá xa. Chúng tôi làm xong, mang thịt về đến nơi thịt "chín" hết rồi, rất khó khăn trong việc làm giò, chả (!)".

Theo báo cáo của ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật quận Kiến An, trên địa bàn quận có 19 điểm giết mổ. Qua công tác tuyền truyền vận động thì đã có 18/19 hộ kinh doanh ký cam kết di chuyển vào cơ sở giết mổ tập trung, trừ bà Phạm Thị Hậu. Đến nay, các hộ mới đang nghe ngóng tình hình nhà bà Hậu có vào khu giết mổ tập trung hay không thì họ mới vào.

Video tham khảo: 

Lò mổ gây ô nhiễm môi trường

Cạnh tranh không lành mạnh

Ông Phạm Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Phòng cho biết: "Cơ sở giết mổ của nhà bà Phạm Thị Hậu gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Để phản đối việc không vào khu giết mổ tập trung, bà Hậu đưa lý do cơ sở nhà mình có đầy đủ giấy phép kinh doanh do UBND quận Kiến An cấp, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của UBND quận Kiến An và cam kết môi trường do Sở Tài nguyên cấp. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép kinh doanh giết mổ cho cơ sở nhà bà Hậu là không đúng với quy định và thực tế. Điều này đã được nêu rõ trong công văn số 1036/BCĐPCDBĐV của ban Phòng chống dịch bệnh động vật thành phố gửi UBND quận Kiến An ngày 6/10/2014. Vấn đề vệ sinh thú y và vệ sinh ATTP thì qua nhiều lần kiểm tra cơ sở nhà bà Hậu hoàn toàn không đủ điều kiện. Do đó, cơ sở giết mổ nhà bà Hậu đã vi phạm quy định giết mổ có điều kiện theo Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT về quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn".

Phóng viên đã đến khu lò mổ tập trung của Công ty CP thực phẩm Hải Phòng để tìm hiểu tâm tư của những người kinh doanh giết mổ đã vào đây theo đúng chủ trương của Chỉ thị 09 của UBND thành phố Hải Phòng. Anh Đoàn Chí Lượng (địa chỉ số 02/01 đường vòng Cầu Niệm, đang sử dụng lô 1, dãy phải khu mổ tập trung) cho biết: "Khi được vận động, tuyên truyền và thấu hiểu chủ trương hợp lý của thành phố, gia đình tôi đã đóng cửa lò mổ ở bờ đê Nghĩa Xá để vào đây. Trong khi chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh, chịu thêm chi phí vận chuyển, phí dịch vụ giết mổ thì bên ngoài vẫn còn nhiều chủ lò mổ không mất một đồng nào, không bị kiểm soát, như thế là quá bất công".

Chị Cáp Thúy Quỳnh (số 109 Hùng Duệ Vương, P.Thượng Lý, Q.Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đang sử dụng lô 1, dãy phải của khu giết mổ phản ánh: "Bao nhiều năm làm trong nghề tôi biết rõ kiểu giết mổ cũ, không có kiểm dịch, kiểm soát, lời lắm. Người ta mua một con lợn bệnh lãi gấp đôi, gấp ba lần một con lợn bình thường". Một chủ lò mổ bên cạnh nói thêm: "Các cô chú cứ tính xem, một con lợn mất 50.000 đồng phí dịch vụ, mỗi ngày nhà bà Hậu giết ít nhất 80 con, không vào đây bà ấy tiết kiệm được 4 triệu đồng, một tháng 120 triệu đồng chứ ít à, lãi như thế làm sao chúng tôi cạnh tranh được với họ?".

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Hải Phòng lo lắng: "Nếu vẫn tồn tại các cơ sở giết mổ trái quy định bên ngoài thì nguy cơ sụp đổ của khu giết mổ tập trung là rất cao. Thời gian qua, nhiều hộ trong khu giết mổ tập trung đã gây sức ép lên công ty, yêu cầu công ty đề nghị các cấp chính quyền nhanh chóng có biện pháp chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nếu không họ sẽ không đóng phí dịch vụ, hoặc sẽ bỏ ra ngoài".

Điều kiện để có thực phẩm sạch

Hiện nay, khu giết mổ tập trung của Công ty CP thực phẩm Hải Phòng có 20 ô giết mổ với công suất 480 con một ngày. Được biết, công ty đã đầu tư khoảng 4 tỉ đồng vào khu lò mổ tập trung xây dựng theo mô hình giết mổ của lifsap, tuân thủ đúng quy trình của Chi cục Thú y thành phố.

Tin tức - 'Cuộc chiến' lò mổ ở Hải Phòng chưa có hồi kết (Hình 2).

Ông Đặng Bá Tùng, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Hải Phòng, đơn vị đầu tư điểm giết mổ tập trung đầu tiên của Hải Phòng than phiền vì đầu tư lớn nhưng "thu bạc lẻ".

Gia súc khi nhập phải có giấy chứng nhận xuất xứ, trước khi giết mổ, cán bộ thú y sẽ kiểm tra dịch bệnh, nếu có vấn đề sẽ yêu cầu tiến hành tiêu hủy, khử trùng. Sau khi giết mổ, nhân viên thú y sẽ tiến hành đóng dấu kiểm dịch mới được đưa đi tiêu thụ. Đặc biệt, công ty đã lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, hệ thống sử dụng phương pháp vi sinh khắc phục triệt để thực trạng xả chất thải trực tiếp ra môi trường theo quy định của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-chien-lo-mo-o-hai-phong-chua-co-hoi-ket-a71712.html