Di dời cầu Long Biên: Đừng biến cây cầu thành "bảo tàng chết"


Thứ 4, 26/02/2014 | 03:48


(ĐSPL) - Trong chiến tranh, cầu Thăng Long từng bị phá hủy, nhưng đó cũng là một chứng tích của lịch sử. Phải làm sao giữ và phục hồi lại để ý nghĩa càng cao hơn.

(ĐSPL) - Trong chiến tranh, cầu Thăng Long từng bị phá hủy, nhưng đó cũng là một chứng tích của lịch sử. Phải làm sao giữ và phục hồi lại để ý nghĩa càng cao hơn. 

 
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đưa ra phương án di dời cầu Long Biên về phía thượng lưu để bảo tồn, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng ngay trên tim cầu cũ. Như vậy, sau không ít lần đề xuất, một lần nữa số phận của cây cầu hơn 100 năm tuổi vốn được mệnh danh là biểu tượng vô giá của Thủ đô lại được đặt lên bàn cân để đong đếm. Mối tương quan giữa bảo tồn và tôn tạo, lịch sử và hiện đại lại được các chuyên gia đầu ngành nhắc đến trong ý tưởng phản biện của mình.
Tin tức - Di dời cầu Long Biên: Đừng biến cây cầu thành 'bảo tàng chết'
Bộ GTVT nghiêng về phương án di dời 9 nhịp cũ cầu Long Biên để bảo tồn, đồng thời xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu cũ.

Tôn tạo hay thay thế?

Một nhà sử học nổi tiếng từng nói, mỗi cây cầu vắt ngang sông Hồng là một dấu mốc trong tiến trình lịch sử, trở thành một phần máu thịt của Thủ đô Hà Nội. Từ cây cầu Long Biên trăm tuổi đến cầu Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy... dù khá non trẻ nhưng đều trở thành một phần biểu trưng của Thủ đô văn hiến, hiện đại.

Cầu Long Biên - cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng do người Pháp xây dựng từ năm 1898 - 1902, qua thời gian đã trở thành chính tâm tư, tình cảm của người Hà Nội. Để rồi "Dù có đi bốn phương trời - Lòng vẫn nhớ về Hà Nội" với "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây - Đây lắng hồn núi sông ngàn năm". Trên sóng nước sông Hồng đỏ lặng phù sa, không thể thiếu vắng dáng hình cây cầu ghi dấu ấn bao nhiêu kỷ niệm, hồi ức, tình yêu và nỗi nhớ. Có lẽ chính vì thế mà cứ mỗi lần phương án tôn tạo cầu Long Biên được đưa ra là dư luận lại một lần xôn xao.

Còn nhớ, cách đây gần 2 năm, một kiến trúc sư người Pháp gốc Việt đã đưa ra một "siêu ý tưởng", biến cầu Long Biên thành bảo tàng, bãi giữa sông Hồng thành công viên. Thời điểm đó, rất nhiều các chuyên gia đầu ngành đã cùng lên tiếng phản biện về ý tưởng kể trên. Vẫn còn những băn khoăn, lo ngại nhưng không thể phủ nhận đề xuất táo bạo này đã đóng góp rất nhiều cho các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu và định hướng trong việc tôn tạo, gìn giữ cây cầu mang dấu ấn lịch sử.

Mới đây nhất, Bộ GTVT đã đưa ra 3 phương án để lấy ý kiến các ngành chức năng và nhân dân. Phương án 1 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời 9 nhịp cầu đầu Hà Nội về phía thượng lưu cách tim cầu cũ 85m để bảo tồn. Phương án 2, dỡ cầu cũ, xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại với kết cấu nhịp dàn thép và hình dáng tương tự với thiết kế ban đầu của cầu Long Biên. Phương án 3, xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

Trên cơ sở so sánh các phương án, Bộ GTVT cho rằng, phương án 1 có ưu điểm vượt trội về kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc và bảo tồn cầu Long Biên cũ cũng như giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội và các Bộ, ngành xem xét, có ý kiến thống nhất phương án lựa chọn làm cơ sở để Bộ chỉ đạo Đường sắt Việt Nam tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.

Đừng bảo tồn theo kiểu "phản khoa học"

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, GS. Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: "Dù chưa nghiên cứu kỹ 3 phương án này nhưng nghe qua tôi thấy ngay phương án đầu tiên mà bộ GTVT "ưu ái" đã không ổn. Bởi, bảo tồn là phải giữ nguyên gốc, tại chỗ, không ai "vác" 9 nhịp cầu đó đi chỗ khác để bảo tồn. Đó là điều phản khoa học. Cũng giống như bảo tồn phố cổ, chẳng ai đi bê nó sang chỗ khác để bảo tồn. Cũng chẳng ai đưa đình chùa miếu mạo từ chỗ này đến chỗ khác để bảo tồn. Nguyên tắc không ai làm thế cả".

Nhìn nhận về 3 phương án trên, GS. Trần Ngọc Chính nghiêng về phương án thứ 3. Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng, điều này cần nghiên cứu thật kỹ. "Cầu Long Biên đã đi vào lịch sử, nó cũng được xếp vào tốp 1 trong 10 cây cầu thép đẹp nhất thế giới. Nó không chỉ là công trình giao thông mà là di sản văn hóa đã đi vào lòng người cả Việt Nam và thế giới. Tôi được biết, Chính phủ Pháp cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn cây cầu này, họ muốn khôi phục nó lại theo dáng cũ. Trong chiến tranh, cây cầu từng bị phá hủy, thế nhưng đó cũng là một chứng tích của lịch sử. Phải làm sao giữ và phục hồi lại để ý nghĩa càng cao hơn. Quan điểm của tôi, dù tôn tạo cũng cần phục hồi lại giá trị nguyên bản của nó. Không thể nói dỡ bỏ và thay thế hoàn toàn như phương án 2 được. Đó là phương án không chấp nhận được", GS. Chính nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, GS.TS Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cũng nghiêng về phương án 3. GS. Lân phân tích, theo phương án 1, sẽ tách cây cầu cũ làm 2 cầu, một cây cầu mới xây tại vị trí tim cầu cũ, 9 nhịp cầu cũ sẽ được di dời lên thượng lưu để bảo tồn. "Tuy nhiên, với phương án này sẽ phải có đầu tư thích đáng như giải phóng mặt bằng, thiết kế, xây dựng… Đây sẽ là gói đầu tư lớn nên cần cân nhắc. Còn phương án 2 có vẻ hơi "nửa mùa", không ai làm thế bao giờ", GS. Lân nói.

Theo chuyên gia này, xét một cách tổng thể, phương án 3 vẫn có nhiều ưu điểm nhất. Vẫn giữ được một cây cầu lịch sử, vừa bảo tồn được di tích với nguyên hình hài và sử dụng đúng chức năng chứ không phải chỉ dùng làm bảo tàng. "Trước đây, khi chúng tôi đề nghị làm đường quanh hồ Tây bởi để bảo vệ được mặt nước thì phải làm đường và diện tích làm đường lên tới hơn 500 ha. Nhiều người nói ông này ở trên trời rơi xuống. Nhưng chúng tôi vẫn đề nghị để quyết làm bằng được. Và giờ đi xe máy vòng quanh hồ, tôi cảm thấy rất vui và xúc động", GS. Nguyễn Lân nhớ lại kỷ niệm.

Từ thực tế đó, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cho rằng, cầu Long Biên cũng vậy, tôn tạo sao cho vẫn giữ được một di sản nhưng cây cầu không bị biến thành một "bảo tàng chết". Bên cạnh đó, công sức đầu tư vào việc bảo tồn và giải phóng mặt bằng cũng ít hơn so với các phương án khác. Do đó, nếu xét về mặt kinh tế, phương án này dễ được chấp nhận hơn. 

Sao Bộ GTVT không "lắng nghe"?

Nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho rằng, nên sử dụng cầu Long Biên như một cây cầu đi bộ. Với một thành phố lớn như Hà Nội, rất cần có một cây cầu đi bộ. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh còn đang tìm kiếm cầu đi bộ, tại sao Thủ đô lại không có.

"Biến cây cầu thành di sản, bảo tàng như ý tưởng của một kiến trúc sư từ cách đây gần 2 năm là rất đáng lưu tâm. Tại sao bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội không lắng nghe những ý kiến đó? Còn về xây dựng cầu đường sắt, trước đây, tôi cũng từng đề xuất xây đường sắt cách cầu vài trăm mét về phía thượng lưu và giữ lại cầu Long Biên. Lý do gì giờ lại chuyển nó đi?", chuyên gia này băn khoăn.

Anh Văn

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-doi-cau-long-bien-dung-bien-cay-cau-thanh-bao-tang-chet-a22487.html