Doanh nghiệp Tây Ban Nha lấy Việt Nam làm động lực để tiến vào thị trường Đông Nam Á


Thứ 3, 12/11/2019 | 07:41


(ĐS&PL) ACCIONA, doanh nghiệp chuyên về cơ sở hạ tầng và tái tạo năng lượng bền vững từ Tây Ban Nha, vừa bước vào Việt Nam.

(ĐS&PL) ACCIONA, doanh nghiệp chuyên về cơ sở hạ tầng và tái tạo năng lượng bền vững từ Tây Ban Nha, vừa bước vào Việt Nam. Nhân chuyến công tác sang Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Rubén Camba, Giám đốc Khối Cơ sở Hạ tầng khu vực Đông Nam Á và Singapore của ACCIONA.  

Ông vui lòng giới thiệu đôi nét về tập đoàn Acciona?

Rubén Camba: ACCIONA là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về những giải pháp cơ sở hạ tầng bền vững cùng những dự án tái tạo năng lượng. Với hơn 100 năm kinh nghiệm, công ty chúng tôi ứng dụng những giải pháp bền vững vào những lĩnh vực chúng tôi đang hoạt động, giúp phát triển tương lai cũng như cải tạo môi trường thế giới. Sự đổi mới kết hợp với công nghệ dẫn đầu được chúng tôi đưa vào các dự án của mình trong 2 ngành kinh doanh chính là Năng lượng và Cơ sở hạ tầng.

Đến nay ACCIONA đã vươn mình ra hơn 35 quốc gia trên khắp 5 châu lục. Ở đó chúng tôi đưa ra các giải pháp phù hợp cho từng dự án của mình, đảm bảo chuỗi giá trị tích hợp từ khâu phát triển, kỹ thuật, xây dựng cho đến vận hành, bảo trì trong các lĩnh vực xây dựng, nhượng quyền, nước, công nghiệp và dịch vụ.

Ông có thể kể tên một vài dự án thành công mà ACCIONA đã và đang có được?

Cầu Cebu ở Philippines là công trình quan trọng vì sau khi hoàn thành vào năm 2021, nó sẽ là biểu tượng của người Kitô giáo đã đặt chân đến quốc gia này 500 năm trước, kể từ năm 1521. Tổng chiều dài con đường cao tốc là 8,25 km. Cây cầu có dây văng dài 650 mét, với nhịp chính dài gần 400 mét giữa các trụ. Cơ sở hạ tầng mới này cũng sẽ bao gồm một số cầu cạn, cũng như một phần của con đường trên bờ kè dài 5 km. Cầu Cebu sẽ giúp giảm tải tắc nghẽn giao thông tại các cây cầu hiện tại vì nó nối thành phố Cebu với đảo Mactan và đô thị Cordova.

Cầu Cebu có tổng vốn đầu tư 400 triệu đô la Mỹ hứu hẹn sẽ mang lại lợi ích cho người dân khi di chuyển, giúp tắc nghẽn giao thông ở các cây cầu hiện tại

Nhà máy xử lý nước thải Putatan số 2 ở Philippines với công suất lên đến 150.000 m3/ngày là một trong những thử thách của chúng tôi khi phải qua nhiều quá trình xử lý nước thô từ hồ Laguna để cung cấp nước sạch cho gần 6 triệu dân cư địa phương.

Với tổng diện tích bề mặt là 3,5 ha, nhà máy xử lý rác tái tạo năng lượng Kwinana đầu tiên ở Úc có công suất xử lý lên đến 400.000 tấn/năm và có khả năng tạo ra 36 megawatt điện, đủ dùng cho 50.000 hộ dân. Nhà máy Kwinana đặt cột mốc quan trọng trong việc phát triển công nghệ xử lý rác tái tạo năng lượng khi giảm thiểu lưu trữ rác thải và khai thác chúng để tạo ra nguồn năng lượng có thể tái sử dụng. 

Ngoài ra, ACCIONA còn thực hiện một số dự án nổi bật khác như hệ thống tàu điện ngầm Dubai ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, đường Cao tốc Puhoi-Warkworth ở New Zealand…

Trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một miếng bánh ngon cho các nhà đầu tư nước ngoài, vì thế mà áp lực cạnh tranh cũng không hề nhỏ. Điều gì khiến ACCIONA khác biệt so với những đối thủ khác?

Tại ACCIONA, chúng tôi có nhiều giải pháp phù hợp với sự phát triển của Việt Nam như những công nghệ tiên tiến về cơ sở hạ tầng, năng lượng và nước. Chúng tôi cũng hợp tác với các công ty địa phương có cùng giá trị gia tăng như ACCIONA để đáp ứng nhu cầu cụ thể, như sức mạnh tài chính, lợi thế kỹ thuật, dự án tham chiếu… Đây là những điểm mạnh nhất nổi bật hơn so với các đối thủ khác.

Ngoài ra, ACCIONA có khả năng bao quát toàn bộ chuỗi giá trị dự án cơ sở hạ tầng, từ khâu thiết kế đến vận hành và bảo trì, cho phép chúng tôi có tầm nhìn toàn diện và từ đó cung cấp các giải pháp tốt hơn về kinh tế, kỹ thuật và điều kiện xã hội.    

Ông có nghĩ rằng Việt Nam là thị trường quan trọng của ACCIONA tại Đông Nam Á? Vì sao thưa ông?

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc trong khu vực suốt hơn 40 năm qua, với những dự đoán về tăng trưởng GDP luôn trên mức 6% và những chỉ số cạnh tranh tăng dần qua các năm. Thêm vào đó, các số liệu từ Công ty Kiểm toán PriceWaterhouseCoopers cho thấy Việt Nam sẽ nằm trong top 20 nền kinh tế phát triển trên thế giới và top 10 trong khu vực châu Á vào năm 2050. Dựa vào những điều này, chúng tôi đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp nước ngoài như ACCIONA.

Ông có thể tiết lộ những cam kết của ACCIONA khi đặt chân đến thị trường Việt Nam?

Chúng tôi đến Việt Nam với mong muốn trở thành một đối tác chiến lược, có thể có thể đóng góp cho mục tiêu phát triển xã hội, kinh tế và môi trường. Với kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật vượt bậc, ACCIONA đóng vai trò then chốt trong phát triển những dự án kỹ thuật phức tạp dựa trên tiêu chuẩn bền vững vốn sẽ tạo ra giá trị lớn.

Cam kết của ACCIONA ở các quốc gia mà chúng tôi hiện diện rất đơn giản: truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm lâu năm của mình để dần trở thành một công ty bản địa. ACCIONA có đội ngũ chuyên gia với trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm kỹ thuật vượt trội, sẽ mang đến cho Việt Nam dấu ấn đáng chú ý. Trong những năm tiếp theo, ACCIONA sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng dựa vào thế mạnh của tập đoàn, bao gồm xây dựng cầu, sân bay, tàu điện, cảng, bệnh viện, nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo và nhà máy lọc nước.

Phải chăng ACCIONA muốn tăng tốc tiến vào thị trường Đông Nam Á?

Đông Nam Á thể hiện tiềm năng lớn đối với một công ty toàn cầu như ACCIONA. Dân số khổng lồ, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, tăng trưởng GDP và khoảng cách cơ sở hạ tầng lớn. ACCIONA đã phát triển các dự án quốc tế quan trọng ở Hồng Kông, Malaysia và Philippines, và giờ đây, như một phần chiến lược tăng trưởng trong khu vực, chúng tôi đã đến Việt Nam.

Vào tháng 4/2016, ACCIONA đã củng cố vị thế của mình tại Đông Nam Á bằng việc mở văn phòng tại Singapore. Vào tháng 4/2019, chúng tôi cũng đã mở văn phòng đầu tiên tại Manila. Dự án mới nhất mà ACCIONA được giao ở Philippines là Cầu Cebu và gần đây công ty đã hoàn thành Nhà máy xử lý nước Putatan đem lại nguồn nước sạch cho 6 triệu người dân địa phương.

Nhà máy xử lý nước thải Putatan (Philippines) do ACCIONA thiết kế, xây dựng và vận hành, cung cấp nguồn nước sạch cho 6 triệu cư dân địa phương

Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang đối đầu với biến đổi khí hậu vốn gây ra tình trạng sụt lún và nước biển dâng cao… ACCIONA có thể chia sẻ các phương pháp để đối phó với những vấn đề này?

Biến đổi khí hậu đang làm tăng mực nước biển, và điều này sẽ khiến nhiều khu vực trên thế giới biến mất trong tương lai gần. Ở các thành phố như Singapore và New York, chính quyền đang nghiêm túc xem xét việc tăng mực nước biển do biến đổi khí hậu và họ đang nghiên cứu các giải pháp tiềm năng như TetraPots (trụ chắn sóng), seawalls (đập ngăn nước biển) hoặc trồng thảm thực vật quanh các đảo để bảo vệ vùng trũng thấp.

ACCIONA sở hữu 3 bến nổi, đó là những cỗ máy hàng hải tạo ra trong nước những khối bê tông lớn có kích thước dài tới 60 mét, rộng 30 mét và cao 30 mét. Mỗi một khối bê tông, được gọi là Caissons, có thể được xây dựng trong vòng chưa đầy 10 ngày. Với các thiết bị tối tân của ACCIONA, việc xây dựng một công trình đập ngăn nước biển để tránh sự gia tăng mực nước biển quá mức có thể được thực hiện rất nhanh chóng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Thực hiện: Mai Anh

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nghiep-tay-ban-nha-lay-viet-nam-lam-dong-luc-de-tien-vao-thi-truong-dong-nam-a-a300542.html