Độc đáo lễ rước hồn trong Tết ngã rạ cầu no đủ của người Cor


Thứ 7, 21/02/2015 | 12:56


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Tết ngã rạ theo tiếng Cor là Xa-a-ní. Với tín ngưỡng "vạn vật hữu linh", người Cor tin rằng tất cả mọi thứ trong cuộc sống xung quanh họ đều có linh hồn. Sau khi

(ĐSPL) - Tết ngã rạ theo tiếng Cor là Xa-a-ní. Với tín ngưỡng "vạn vật hữu linh", người Cor tin rằng tất cả mọi thứ trong cuộc sống xung quanh họ đều có linh hồn. Sau khi cúng thần lúa, hồn lúa, người ta còn phải cúng các loại ma khác: Ma cho hàng, ma quế, ma trầu, ma trâu,...

Nghi thức rước “hồn lúa”

Tết ngã rạ của người Cor thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Mười Một âm lịch hàng năm, khi công việc nương rẫy đã vơi, lúa, bắp đã về kho...

Già làng Hồ Văn Đi (83 tuổi, ngụ xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) giải thích: “Hạt lúa, hạt nếp làm ra thật lắm gian nan. Làm ra được cái ăn nhọc nhằn như thế, nên tâm tưởng người Cor luôn biết ơn thần lúa đã cho cái rẫy mình nhiều hạt. Lễ hội Tết ngã rạ chính là hình thức tỏ lòng biết ơn và cũng là dịp để ăn mừng sau một mùa rẫy bội thu".

Lễ cúng Nam thần.

Ngày cận Tết, chủ nhà lấy ít lúa trên rẫy gói vào lá chuối rừng, đặt ở chòi và một ít mang về nhà gọi là rước “hồn lúa". Để tổ chức Tết ngã rạ được trang nghiêm, đầy đủ các lễ vật dâng lên cúng "thần lúa", ngay từ tháng trước, ngoài các vật nuôi có sẵn trong nhà như heo, gà, vịt, người dân trong làng đã tranh thủ làm bẫy, đi bắt chim, thú, đặc biệt là những loài chuyên phá hoại cây lúa, phá hoại mùa màng như chuột, sóc... để dành dâng cúng thần lúa. Những người phụ nữ tập trung gói bánh la cót, bánh la - tốp, ngâm nếp dồn vào ống nứa làm bánh la- hlót hay bánh rông (PV - loại bánh tựa như cơm lam ở miền núi phía Bắc).

Già làng Hồ Văn Đi cho biết, khâu quan trọng nhất trong Tết ngã rạ là dân làng tổ chức đi lấy lúa thiêng trên rẫy về làm lễ cúng thần.

Già làng là người đi lấy lúa thiêng đầu tiên, lưng mang gùi, vai vác rựa, mặc trang phục truyền thống, leo núi đến rẫy của làng mình. Già làng đi một vòng cầu nguyện rồi nhặt những bông lúa còn sót lại trên rẫy bỏ vào gùi và chặt hai cây đót cao nhất ở bên bìa rẫy, rồi xuống núi.

Trên đường về nếu có suối thì già làng nhẹ nhàng đặt hai cây đót dùng làm cầu cho "hồn lúa" đi qua. Về tới nhà, già làng sẽ đặt nắm lúa thiêng lên bàn thờ rồi báo hiệu cho các gia đình trong bản tiếp tục tiến hành lên rẫy lấy lúa thiêng.

Già Hồ Văn Đi kể cho chúng tôi về Tết ngã rạ của đồng bào Cor.

Trong lễ ngã rạ, già làng phải cúng trước, sau đó mới tới lượt dân làng. Trước kia, người Cor lần lượt ăn Tết ngã rạ hết nhà này đến nhà khác, nên tết kéo dài cả tháng trời mới xong.

Ngày nay, với tinh thần tiết kiệm, các gia đình trong làng ăn Tết đồng loạt nhưng vẫn đảm bảo lễ hội trang trọng, vui tươi. "Tết ngã rạ của người Cor diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên, từ sáng sớm, ông chủ nhà đứng vái gọi hồn các vị thần và ông bà về dự. Lễ vật được bày biện trên lá chuối rừng. Mỗi mâm đều có một con hoặc nửa con chuột, bánh lá đót và ly rượu", già Đi cho biết.

Sáng sớm ngày chính Tết, nghi thức là cúng các Nữ thần đã cho lúa. Người Cor tin rằng, các Nữ thần cũng bận bịu từ lúc sáng sớm như người phụ nữ Cor, nên đúng 4h sáng phải cúng để các Nữ thần còn lo công việc của mình. Chủ nhà và người con trai cả ngồi trước bàn thờ, thắp nến vái cúng 3 lần: "Mo Huýt âm ba", "Mo Rít âm ba", "Mo Crai âm ba" (bà Huýt cho lúa, bà Rít cho lúa, bà Crai cho lúa - PV). Đọc xong, người cúng lấy lúa lần lượt bỏ lên đầu từng người trong gia đình gọi là giữ "hồn lúa". Lễ cúng mang đầy sự hàm ơn các Nữ thần đã phù hộ cho cây lúa tốt, mùa màng bội thu.

Theo quan niệm, các Nam thần và ông bà tổ tiên thư thả hơn, nên được cúng sau, thường vào khoảng 8h sáng. Các con vật hiến tế gồm heo, gà, vịt đều phải qua hai vòng cúng sống và cúng chín theo quy định, cúng sống heo phải bố trí ở ngoài sân, cúng sống gà, vịt cúng ở trong nhà.

Cúng xong, con vật được mổ thịt và nấu chín để tiếp tục cúng chín. Số lượng mâm cúng không cố định là bao nhiêu, nếu gia chủ trong năm làm ăn khấm khá thì cúng nhiều mâm và ngược lại. Gia chủ đọc lời vái cúng: "Cơi âm ba”, "Cơi pốt xa" (ông thần cho lúa, mời thần xuống ăn - PV). Các lễ vật được lót trên lá chuối rừng và chén đựng rượu cũng được kết bằng lá chuối... để đảm bảo sự tinh khiết, sự trân trọng, sự hàm ơn các thần và ông bà tổ tiên.

"Với quan niệm lúa cũng có hồn nên từ lúc canh tác cho đến khi thu hoạch, người Cor đều có những lễ thức liên quan đến "hồn lúa” rất nghiêm ngặt: Không cắt lúa bằng liềm sợ đau "hồn lúa", giắt lá đót bên mép gùi để giữ "hồn lúa” khi cõng về nhà. Và từ khi phơi xong, trong lễ ngã rạ, “hồn lúa” được rước lên chòi. Lúa giống sẽ lại được rước hồn trong lễ xuống giống vào vụ mùa năm sau", già Đi cho biết thêm.

Người Cor còn tổ chức đấu vật trong Tết ngã rạ.

Vạn vật đều có linh hồn?

Trong tín ngưỡng cổ truyền, người Cor tin rằng sự rủi may ở đời hay trong sản xuất đều liên quan đến ma tốt và ma xấu. Trong số đó ma ga-ru được coi là ma tốt, phù hộ cho đời sống con người. Do vậy mà trong ngày đầu tiên của lễ ngã rạ, về đêm các chủ gia đình cùng tụ tập về nhà chủ làng làm lễ cúng ma ga - ru để cầu mong cho cuộc sống của làng luôn được yên vui, no đủ.

Già Đi cho biết thêm: “Người chủ gia đình sẽ đem theo các loại bánh của nhà mình đến góp vào lễ cúng, mang chân gà đến để già làng xem giúp điềm báo tốt xấu trong năm sau. Sau khi mọi người tề tựu đông đủ, già làng sẽ cúng xin phép thần linh cho làm vụ mùa sau. Sau đó, mọi người kéo nhau về nhà già làng để uống rượu phép”.

Tết ngã rạ của người Cor không chỉ là tổng kết một vụ lúa mà còn có tính chất tổng kết việc làm ăn, vụ mùa với nhiều giống cây trồng vật nuôi của cả một năm. Với tín ngưỡng “vạn vật hữu linh", người Cor tin rằng, không chỉ lúa có linh hồn mà tất cả mọi thứ tồn tại bên cạnh cuộc sống của họ đều có linh hồn.

Cho nên, sau khi cúng thần lúa, hồn lúa, người ta còn phải cúng các loại hồn ma khác. Theo tín ngưỡng của người Cor, "ma hàng" là ma đã cho phép gia đình làm ăn khá giả để mua sắm được nhiều hàng trong năm như các loại chiêng, ché, nồi, quần áo,... Sau đó là lễ cúng ma trầu, ma bò, ma quế, ma heo. Tất cả đều cầu mong vạn vật sang năm mới sinh sôi nảy nở giúp ích cho con người.

Sau đó là lễ cúng thần ma hộ mệnh cho ông bà, hộ mệnh gia đình giữ nóc, giữ quê hương núi rừng bình yên. Ngày thứ ba, dân bản tiếp tục dùng gà, lợn cúng sống ở nhà rồi mang lên rẫy cúng "thần rẫy". Cúng xong mọi người hò reo cùng đuổi con ma xấu, rước con ma tốt về nương rẫy để phù hộ cho dân làng mùa rẫy mới cho thêm nhiều lúa. Tết ngã rạ còn là dịp để người dân vui chơi, nên sau các phần lễ, người Cor thường tổ chức các hoạt động múa kiếm, múa giáo, ném lao, bắn nỏ, vật, nhảy dây, kéo co...

Một nét văn hóa độc đáo

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trà Bồng cho biết: Xa-a-ní hay Tết ngã rạ chính là ngày Tết cổ truyền của người Cor nằm trong hệ thống lễ hội mang đậm nét truyền thống mà người Cor còn lưu giữ được. Từ việc cúng tế đến các môn vui chơi, trò diễn đều toát lên bản sắc văn hóa Cor, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-le-ruoc-hon-trong-tet-nga-ra-cau-no-du-cua-nguoi-cor-a83050.html