Đồng Nai: Trắng trợn lấy đất dự án bán "bao nhiêu cũng có" kiếm lời


Thứ 2, 12/01/2015 | 01:02


(ĐSPL) - “Tại Đồng Nai chỉ có một số hầm đất được cấp phép để tận thu đất mặt phục vụ cho dự án cao tốc”.

(ĐSPL) - “Tại Đồng Nai chỉ có một số hầm đất được cấp phép để tận thu đất mặt phục vụ cho dự án cao tốc, ngoài ra không có hầm đất nào được cấp phép để tận thu đất sử dụng mục đích khác”, đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Thường, PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai khi trao đổi với ĐSPL.

Dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là công trình trọng điểm quốc gia theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác đầu năm 2015. Trong quá trình thi công, dự án cần có một khối lượng đất dùng làm vật liệu san lấp khoảng 1,1 triệu m3.

Để đáp ứng đủ số vật liệu nói trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho các đơn vị là nhà thầu phụ của Công ty Posco E&C thực hiện cải tạo kết hợp tận thu đất dùng làm vật liệu san lấp cung cấp thi công đường cao tốc, hoàn thành dự án theo tiến độ.

Theo đó, có 14 vị trí tận thu đất, tổng diện tích khoảng 24,0 ha, khối lượng đất tận thu khoảng 758.000m3 (nguyên khối) tương đương khoảng 01,0 triệu m3 nguyên khai, về độ sâu tùy theo địa hình từng khu vực cụ thể.

Lợi dụng để bán đất ra ngoài

Tuy nhiên một số công ty đã lợi dụng việc được cấp phép này để sử dụng đất phục vụ cho cao tốc bán ra bên ngoài san lấp các dự án khu dân cư lớn và bán cho dân san lấp các mặt bằng nhỏ lẻ.

PV Báo Đời sống & Pháp luật đã đến các hầm đất tại xã Lộc An và xã Long An (huyện Long Thành) để ghi nhận tình hình.

Tại hầm đất ở ấp Thanh Bình, khi chúng tôi đến với vai trò người đi mua đất thì một trong những người quản lý hầm đất giới thiệu tên là Hùng cho biết là muốn mua bao nhiêu đều có. Theo ông Hùng, hầm đất này đang ký hợp đồng cung cấp đất cho bên công ty thực hiện dự án đường cao tốc.

Đất mặt là giá 250 ngàn/ xe còn đất bên dưới vì có sỏi nên giá 600 ngàn/xe. Chi phí vận chuyển thì bên mua đất tự lo nhưng phía Hùng có thể giới thiệu đội xe hộ. Mỗi ngày múc được hàng trăm chuyến xe đất, nếu nắng thì thuận lợi hơn, mưa đất bết lại xe khó vào với lại lấy đất không được.

Những chiếc xe chở đất. 

Chúng tôi yêu cầu được đi xuống hầm xem đất tận mắt thì người đàn ông này ra hiệu cho một cậu tên Học dẫn chúng tôi đi xem. Học giới thiệu rằng không lo hết đất, vì hết hầm này còn hầm khác rộng hơn 5 hecta ở cạnh bên sắp được khai thác.

Xem đất xong, khoảng 8 người trong nhóm Hùng đề nghị chúng tôi gặp trực tiếp chủ hầm đất và cũng là giám đốc tên là T. để bàn bạc trực tiếp về giá cả. Khi chúng tôi liên hệ thì ông T. nói là mua bao nhiêu cũng bán được và giá thì như các anh em đã nói nhưng nếu mà lấy nhiều, lấy lâu dài thì ông T. sẽ bớt giá. Còn khó khăn về xe vận chuyển thì phía ông T. có thể liên hệ giúp.

Sau đó chúng tôi tiếp tục đến khu vực hầm đất tại xã Long An huyện Long Thành thì một người đàn ông tự giới thiệu tên Trung là quản lý ở hầm đất này. Trung cho biết hầm đất này đang khai thác để phục vụ cho cao tốc nhưng chủ của Trung là ông T.L. có rất nhiều hầm nên nếu chúng tôi cần với số lượng lớn thì phía Trung cũng sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu.

Trung ra giá đất mặt 400 ngàn/xe còn đất sỏi là 650 ngàn/xe, Trung còn quảng cáo thêm là đất ở hầm này chất lượng vì sỏi nhiều nên bán giá cao hơn bình thường. Sau đó Trung còn "quảng cáo" thêm là nếu ký hợp đồng với số lượng lớn thì giá cả có thể thương lượng.

Theo chúng tôi quan sát tại các hầm đất này, các xe cuốc, máy múc,… hoạt động với công suất mạnh để tận thu đất cho các xe tải chở đến giao nhận.

Tại hầm đất ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An có đến 4 máy múc hoạt động và có khoảng gần chục chiếc xe ben loại lớn và xe tải loại nhỏ biển số 60V – 96…, 60C – 128…, 60C – 122…, 60P – 29…, 60M – 06…, 60C – 078… ra vào tấp nập.

Hầu hết xe lớn đều có tên công ty là N.M, những xe này lấy đất tại hầm cấp phép phục vụ cao tốc nhưng lại mang đất đến một khu đất rộng gần 5000m2 cách đường cao tốc chừng 300m để bán cho một hộ dân tên M.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết mặt bằng đã được san lấp phần lớn đều mua đất từ hầm đất của ông T. và đã đổ gần 300 xe nhưng vẫn chưa đủ.

Trong vai cần mua đất để san lấp mặt bằng, chúng tôi tiếp cận với lái xe ủi đang tiến hành san lấp mặt bằng cho ông M. thì được anh này cho biết đoàn xe chở đất trên ghi là N.M nhưng là của ông B.

Theo tài xế lái xe ủi thì đoàn xe của ông B. có tám chiếc chuyên chở đất san lấp mặt bằng. Cũng theo tài xế xe xúc thì toàn bộ đất được ông B. lấy tại hầm đất ở ấp Thanh Bình, xã Lộc An.

“Anh muốn mua đất san lấp thì cứ gọi cho ông B. Đoàn xe của ông B. chỉ có 8 chiếc nhưng anh muốn lấy nhiều thì ông ấy sẽ gọi thêm bạn đến chở nữa nên không cần phải lo”, tài xế xe ủi nói và cho chúng tôi số điện thoại của ông B.

Chúng tôi gọi điện thoại cho ông B. nói cần khoảng 400 xe đất để san lấp khoảng 9 sào mặt bằng tại ấp 2, xã Long An. Không một chút nghi ngờ, ông B. ra giá một triệu đồng/xe. Chúng tôi hỏi lấy đất ở đâu thì ông B. cho biết toàn bộ lấy đất tại hầm đất ở xã Lộc An.

Chúng tôi nói từ hầm đất Lộc An chở đất qua ấp 2, xã Long An chỉ dài khoảng hơn 10km mà giá đến một triệu đồng/xe thì hơi đắt nên ông B. nói đó là tôi báo giá như vậy, còn anh cứ xuống xem thực tế đã rồi thỏa thuận, nếu được thì ký hợp đồng.

Vào một ngày khác chúng tôi tiếp tục trở lại hầm đất bên cạnh hầm đất cũ nằm cạnh lô cao su cũng thuộc ấp Thanh Bình, xã Lộc An thì thấy có khoảng 4 xe ủi, 1 xe ủi đầu hầm, một xe đang phá cây để lấy thêm đất, 1 xe đang lấy đất để chất lên các xe tải chờ sẵn.

Lúc này chúng tôi nhìn thấy có khoảng 7 chiếc xe, 5 tải lớn, 2 tải nhỏ liên tiếp lấy đất đi xong về lấy thêm đất, cứ chỉ trong 3 tiếng đồng hồ nhưng mỗi xe chạy được khoảng 5 chuyến.

Thấy lạ chúng tôi liền theo sát chiếc xe 60C – 15038 và 30L – 2215 thì nhận thấy hai xe này không chạy theo hướng ra cao tốc mà lại chạy ngược lên quốc lộ 51 rồi rẽ hướng Nhơn Trạch đến đổ đất tại 1 dự án khu dân cư tại ấp Xóm Gốc, xã Long Thành.

Tại đây chúng tôi còn nhận thấy hầu hết cả 7 chiếc xe đều đổ đất san lấp ở đây chứ không phải ở cao tốc. Theo người dân ở đây cho biết thì khu dân cư này vừa là khu tái định cư vừa là khu dân cư cao cấp, thấy các xe đất nhiều ngày hoạt động đổ đất để san lấp liên tục.

Cơ quan chức năng nói gì

Trao đổi với ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Long An về vấn đề này ông Phương cho biết: “Hiện tại địa bàn xã Long An có 6 hầm đất có phép khai thác, đây là những hầm đất do tỉnh chỉ đạo cho phép để phục vụ cung cấp nguyên liệu hỗ trợ cho xây dựng cao tốc TP.HCM- Long Thành – Dầu Giây.

Việc lưu thông của các xe chở đất làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nên chúng tôi cũng yêu cầu chủ hầm đất thường xuyên cho xe rưới nước trên đường nhằm hạn chế tình trạng trên. Các hầm đất có hầm 1 ha, hầm 1,5 ha, hầm 2 – 3 ha. Mỗi hầm lấy đất xuống 3 mét, lấy đất mặt rồi trả lại mặt bằng.

ông Nguyễn Văn Hải.

Theo quy định thì các hầm đất này là phục vụ cho dự án cao tốc. Các chủ hầm đất không được tự ý bán đất, bán đất là sai phạm nhưng xã không biết được 6 hầm đất này có bán ra bên ngoài không vì xã không có chức năng kiểm tra”.

Còn ông Nguyễn Văn Hải, Chánh văn phòng huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 10 điểm được tỉnh cấp phép cho các công ty thực hiện tận thu đất phục vụ cho cao tốc, nhưng không được sử dụng cho mục đích khác. Đến nay huyện vẫn chưa phát hiện được có công ty nào sai phạm.

Nếu như có tình trạng dùng đất phục vụ cho dự án để bán ra bên ngoài thì chúng tôi sẽ kiến nghị lên trên để đề xuất rút giấy phép khai thác tận thu đất của những công ty vi phạm. Đồng thời chúng tôi sẽ đề nghị được thanh tra kiểm tra về vấn đề này”.

Về vấn đề này ông Nguyễn Ngọc Thường, PGĐ Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Đồng Nai nói: “Trước đây trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 3 mỏ đất được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng sau đó có nhiều vấn đề chưa hợp lý nên chúng tôi đã rút phép, không cho tiếp tục khai thác nữa.

Còn hiện tại có khoảng hơn chục hầm đất được cấp phép khai thác, nhưng chỉ cấp phép trong thời gian ngắn để phục vụ cho dự án Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Nhưng thời gian cấp phép chỉ đến cuối năm 2014 là hết hạn vì thời điểm đầu năm 2015 dự án cao tốc sẽ hoàn thành.

Các hầm đất chỉ được tận thu đất mặt, lấy xuống 3 mét đất rồi trả lại mặt bằng. Và mỗi hầm đều có những quy định về khối lượng khai thác khác nhau.

Nếu hầm đất nào có xảy ra tình trạng khai thác cao lanh thì đó là sai phạm, vì không được phép khai thác cao lanh, nhưng hiện tại chúng tôi cũng không biết được những hầm đất được phép khai thác để phục vụ dự án cao tốc có cao lanh hay không.

Hiện tại hầm đất ở địa phương nào thì địa phương đó trực tiếp quản lý, nếu có sai phạm địa phương sẽ báo cáo lên cấp cao hơn, chúng tôi nhất định kiểm tra xử lý nghiêm nếu nhận thấy có sai phạm.

Các hầm đất được phép khai thác thì đất đó chỉ được sử dụng cho mục đích phục vụ cao tốc, còn nếu xảy ra việc các chủ hầm muốn kinh doanh thêm bằng cách bán ra ngoài hoặc sử dụng vào việc khác thì đó là sai phạm nghiêm trọng. Nếu như có tình trạng đó diễn ra chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đó."

Về thực trạng thì Về kiểm tra xử lý khai thác khoáng sản không phép trong năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Thường, PGĐ Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Đồng Nai cho biết: Tính đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã tiến hành kiểm tra phát hiện 184 vụ, trong đó có 104 trường hợp khai thác cát không phép, 80 trường hợp khai thác đất san lấp không phép, các trường hợp này đã được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền là 3.754.250.00 đồng và tịch thu 123 phương tiện bơm hút cát không phép, 03 xe cần cuốc, 13 xe tải.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dong-nai-trang-tron-lay-dat-du-an-ban-bao-nhieu-cung-co-kiem-loi-a78755.html