Dương Chí Dũng ngồi tù vẫn nhận lương: "Tôi cũng muốn ở tù!"


Thứ 7, 28/06/2014 | 11:07


(ĐSPL) – “Ở tù không phải làm việc mà được hưởng lương như Dương Chí Dũng tôi cũng muốn ở tù quá!”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phải thốt lên như vậy.

(ĐSPL)– “Ở tù không phải làm việc mà được hưởng lương như Dương Chí Dũng tôi cũng muốn ở tù quá!”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thốt lên như vậy khi đón nhận thông tin Dương Chí Dũng vẫn được trả lương trong thời gian ngồi tù.

Trước đó, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GTVT xác nhận, từ khi bị khởi tố (tháng 5/2012), bắt giam (tháng 9/2012) đến khi bị TAND Tối cao kết án tử hình, ông Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch Vinalines, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn được trả lương, ít nhất là trên 5 triệu đồng/tháng.

Tin tức - Dương Chí Dũng ngồi tù vẫn nhận lương: 'Tôi cũng muốn ở tù!'
Dương Chí Dũng bị bắt vào ngày 4/9/2012 sau gần 4 tháng trốn truy nã.

Việc trả lương cho cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn duy trì được giải thích là căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 34 năm 2011 quy định, trong thời gian tạm giữ tạm giam để thực hiện công tác điều tra truy tố xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xét kỷ luật thì cán bộ được hưởng 50\% lương theo ngạch, bậc cộng với phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có).

Như vậy, tính toán sơ bộ, ít nhất mỗi tháng Dương Chí Dũng vẫn nhận được trên 5 triệu đồng tiền lương, trong suốt hơn 2 năm qua.

Ngoài ra, sau khi bị buộc thôi việc, chế độ bảo hiểm của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải cũng vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định.

Đến ngày 10/6, Bộ GTVT mới ban hành Quyết định số 2191/QĐ-BGTVT có hiệu lực từ ngày 10/6 buộc thôi việc đối với Dương Chí Dũng do vi phạm pháp luật và bị tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Trước thông tin này, dư luận cho rằng với trường hợp này, Bộ GTVT đang vận dụng các quy định của pháp luật một cách quá cứng nhắc.

Ai quyết định trả lương cho Dương Chí Dũng phải bỏ tiền túi ra đền

“Ở tù không phải làm việc mà được hưởng lương như Dương Chí Dũng tôi cũng muốn ở tù quá”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phải thốt lên như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về sự việc trên.

Bà Thu nói: "Tôi được biết sự việc qua báo chí và thấy buồn cười quá, càng không thể thông cảm được cách lập luận của đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GTVT. Cách giải thích của đồng chí kia là khi tòa chưa tuyên thì đương nhiên thì chưa thể coi là tội phạm được.

Tin tức - Dương Chí Dũng ngồi tù vẫn nhận lương: 'Tôi cũng muốn ở tù!' (Hình 2).
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu.

Bây giờ phải lật lại vấn đề là không đình chỉ công tác thì làm sao bị bắt, mà đã đình chỉ công tác người ta rồi thì làm sao có lương được? Cho nên cái lý luận tòa chưa tuyên thì người ta chưa bị tội cái đó rất đúng, nhưng mà ai gọi ông là tội phạm lúc đó đâu? Còn khi anh bị bắt thì mọi chức vụ của anh phải đình chỉ chứ? Cho nên người ta mới gọi là “nguyên” chứ không ai gọi đủ chức vụ ở trong nhà giam. Từ cái quyết định đình chỉ đó thì cũng phải đình chỉ lương chứ? Làm gì có chuyện đi tù mà vẫn được hưởng lương, đây có lẽ là chuyện hy hữu trên thế giới".

Theo bà Thu, lẽ ra Dương Chí Dũng phải bị đình chỉ kể từ khi bỏ trốn truy nã. Việc Dũng nhận lương 2 năm qua thì ai là người trả lương, người ấy phải đền. "Việc lấy tiền do nhân dân đóng góp để trả lương như vậy là phải đòi bằng được dù chỉ là một đồng xu, đó là mồ hôi xương máu của nhân dân", bà Thu nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Hào, Vụ Phó vụ Tiền lương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng nói rõ: “Làm gì có chuyện tù mà được hưởng lương!? Cần xem lại thông tin trên báo chí đó như thế nào? Trường hợp đã bị giam rồi thì lấy đâu ra việc có lương, nếu đúng có chuyện đó thì cơ quan chức năng đó đã làm sai quy định của nhà nước”.

Quyết định “buộc thôi việc” của Bộ GTVT không trái luật?

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đắc Thực, Giám đốc Công ty Luật Minh Thư, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội lại cho rằng, Quyết định 2191/QĐ-BGTVT về kỷ luật công chức, Bộ GTVT thi hành kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi việc” đối với Dương Chí Dũng do vi phạm pháp luật là không trái các quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 (Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật) Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì hành vi vi phạm pháp luật của Dương Chí Dũng sẽ được xem xét xử lý kỷ luật sau khi có kết quả giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng.

Vì vậy, sau khi có bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì Bộ GTVT mới tiến hành xem xét xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với Dương Chí Dũng là đúng quy định. Căn cứ quy định tại Điều 6 về Thời hiệu xử lý kỷ luật và Điều 7 về Thời hạn xử lý kỷ luật thì thấy việc ban hành Quyết định 2191/QĐ-BGTVT là đúng về thời hạn và thời hiệu .

Việc Dương Chí Dũng được hưởng lương (50\%) trong những ngày bị tạm giữ, tạm giam phục vụ điều tra, truy tố, xét xử là đúng theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, theo đó: “Trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50\% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)”.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc Bộ GTVT vẫn trả lương cho Dương Chí Dũng từ khi khởi tố vụ án cho đến khi bị kết án tử hình xét về góc độ pháp lí có thể thấy cơ quan chủ quản đã căn cứ vào qui định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật" và qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 như sau: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật".

Như vậy căn cứ vào toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án thì Dương Chí Dũng chính thức bị y án tử hình theo bản án của tòa phúc thẩm TANDTC vào ngày 7/5/2014. Đến thời điểm đó thì Dương Chí Dũng mới chính thức bị xem là có tội và cơ quan chủ quản mới ra quyết định buộc thôi việc.

Việc trả lương cho Dương Chí Dũng trong 2 năm qua cũng được căn cứ trên quy định của Điều 81 Luật Cán bộ, Công chức có hiệu lực từ ngày 1/1/2010: Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.

Luật sư Thảo cho biết thêm: "Thực ra, do đây là vụ án trọng điểm được nhiều sự quan tâm của người dân cả nước nên việc xử lý buộc thôi việc của cơ quan chủ quản vừa rồi nghe có vẻ "buồn cười" và "vô duyên". Tuy nhiên việc đó tuân theo nguyên tắc tối thiểu của pháp luật là: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật".

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-chi-dung-ngoi-tu-van-nhan-luong-toi-cung-muon-o-tu-a38544.html