GS. Hoàng Tụy: Nhà toán học lỗi lạc, niềm tự hào của những người con Xứ Quảng!


Thứ 5, 18/07/2019 | 13:01


Sự ra đi của một cây đại thụ trong làng toán học Việt Nam như Giáo sư Hoàng Tụy đã để một khoảng trống khó có thể khỏa lấp được trên bầu trời toán học.

(ĐS&PL) Nhớ dịp Quốc khánh 2/9 năm 2017, tôi có chuyến hành hương về Gò Nổi, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cùng vợ chồng doanh nhân Trần Công Cảnh, hậu duệ của nhà chí sĩ cách mạng Trần Cao Vân, hiện là Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng khu vực phía Nam. Chuyến đi giúp tôi hiểu thêm về vùng đất Gò Nổi địa linh nhân kiệt, quê hương của nhà toán học lỗi lạc: Giáo sư Hoàng Tụy.

Từ vùng đất địa linh nhân kiệt...

Vừa đặt chân đến Điện Bàn, chúng tôi được đồng chí Lê Thân, Bí thư Thị ủy Điện Bàn cởi mở đón tiếp thân tình. Biết tôi về Gò Nổi để tìm hiểu và viết bài về một vùng đất có nhiều duyên nợ với những người con Xứ Quảng xa quê, đồng chí Bí thư Thị ủy đã tặng cuốn sách “Danh nhân Điện Bàn” làm tư liệu.

Khi trao đổi với ông về đề tài này để còn kịp về Gò Nổi ngay buổi trưa, ông tươi cười nói: “Nhà báo đã về đây thì không nên vội vã. Vùng đất Gò Nổi – nơi xuất thân của nhiều bậc nhân tài anh kiệt, lương tướng năng thần, anh hùng lưu danh trong sử sách. Nhà báo vội vã sẽ không thể không thể có được nhiều tư liệu quý, phải sống ở vùng đất này một thời gian mới cảm nhận rõ về đất và người nơi đây. Chỉ riêng những tư liệu về chí sĩ Trần Cao Vân rồi họ Hoàng ở Điện Bàn thì nhà báo cũng phải mất vài ngày để tìm hiểu rồi!”.

Giáo sư Hoàng Tụy niềm tự hào của những người con Xứ Quảng anh hùng

Nghe lời khuyên của ông Bí thư Thị ủy Điện Bàn, tôi quyết định ở lại Quảng Nam thêm một tuần nữa. Ban ngày, tôi cùng vợ chồng doanh nhân Trần Công Cảnh đi thực tế các địa danh, ban đêm về lật mở từng trang sách “Danh nhân Điện Bàn” và “Người Điện Quang”. Từng trang sách như dẫn tôi vào vùng đất của các danh nhân lịch sử mà tôi đã được học từ thời phổ thông.

Là chiến trường xưa, Gò Nổi còn ghi bao chiến công của quân và dân Quảng Nam thắng giặc xâm lăng; là hành lang và là chiếc nôi của cách mạng Khu V, nơi in bao dấu tích bi hùng của những vụ thảm sát: Kho Muối, Lò Gạch Trừng Giang mà giờ đây đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Người dân đất Quảng vẫn truyền tụng câu ca: “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi” để nói lên mức độ ác liệt của chiến tranh và phẩm chất anh hùng của những người con quyết “một tấc không đi, một li không rời…

Ông Lê Thân, Bí thư Thị ủy Điện Bàn trao đổi với PV về truyền thống cách mạng của quê hương và niềm tự hào về Giáo sư toán học lỗi lạc Hoàng Tụy

Gò Nổi vốn đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIV do người Việt từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào khai cơ, lập nghiệp. Họ theo lệnh triều đình trong quá trình Nam tiến đã vào Nam bằng đường biển. Khi đến Cửa Đại (Hội An), họ nhận thấy đây là một cửa biển rộng lớn, nhìn về hướng tây là dòng sông Thu Bồn hiền hòa trải dài trên vùng đồng bằng phì nhiêu vào loại bậc nhất của miền Trung. Những cư dân này đã ngược chèo dòng Thu Bồn thì bắt gặp vùng Gò Nổi vùng đất được bao bọc bởi 3 con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn và Bến Giá; cũng là nơi bắt đầu của sông Vĩnh Điện và sông Bà Rén với tứ bề sông nước bao quanh một cù lao phù sa màu mỡ. Do vậy, họ quyết định dừng lại ở đây để khai cơ lập nghiệp. Từ vùng đất này đã sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước.

Đó là, Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ Tiến sỹ; Chí sĩ Trần Cao Vân, với thuyết Trung Thiên Dịch nổi tiếng, một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân vang động trong cả nước; Danh thần triều Nguyễn - Lê Đình Đỉnh, nhà ngoại giao tài ba và là thân sinh của y sỹ, liệt sỹ Lê Đình Dương cùng bác sỹ, cư sỹ Lê Đình Thám; Lê Đình Dương (1884 - 1916) là đảng viên Việt Nam Quang phục hội. Ông bị thực dân Pháp bắt, lưu đày ở Khánh Hòa rồi Buôn Mê Thuột và mất tại đây.

Rồi đồng chí Phạm Thâm là người đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở Điện Quang vào những năm trước 1930, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam năm 1930; Trần Công Chương là người học cao, hiểu rộng, người có tinh thần yêu nước, yêu dân, được nhân dân kính trọng; Phan Thành Tài là một trong những nhân vật quan trọng của phong trào cải cách Duy Tân vào những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời là một nhân vật trọng yếu trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Huế năm 1916…

Nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc Phan Thanh. Ông là đại biểu lỗi lạc của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Viện Dân biểu Trung kỳ khóa III (1938-1939); Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công An) đầu tiên của Việt Nam; Nguyễn Thị Bình - nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992 - 2002); Nữ Anh hùng Trần Thị Lý - người con gái Việt Nam; Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân dân; Nguyễn Trọng Nghĩa - một Phan Đình Giót của miền Nam; Hay Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà phê bình văn học nổi tiếng Lê Đình Kỵ; Mẹ Việt Nam Anh Hùng của cả nước Nguyễn Thị Thứ...

Đền thờ Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu tại quê hương Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam

Đặc biệt, nói đến Gò Nổi, Điện Bàn không thể không nhắc đến họ Hoàng ở nơi đây. Từ Hoàng Diệu, vị Phó Bảng học rộng tài cao, vị Tổng đốc thành Hà Nội nêu gương trung liệt thề quyết sống chết giữ thành; Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Phê; các nhà toán học Hoàng Tụy, Hoàng Chúng...suốt đời tận tụy vì sự nghiệp trồng người...

Đến nhà toán học lỗi lạc, niềm tự hào quê hương

Người viết bài này, rất xúc động khi được đặt chân đến vùng đất địa linh nhân kiệt Gò Nổi, một trong những vùng đất được biết đến "Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi" trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, được trở về với quê hương của nhà toán học lỗi lạc Hoàng Tụy mà chúng tôi hết mực ngưỡng mộ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ngồi trên quê hương của ông, ăn bữa cơm chiều thân mật cùng Bí thư xã Điện Quang Trần Công Tin và một số người con Xứ Quảng xa quê, được nghe những người con Xứ Quảng tự hào về dòng họ Hoàng ở Điện Bàn và vị Giáo sư lỗi lạc Hoàng Tụy.

Giáo sư Hoàng Tụy sinh ngày 17 tháng 12 năm 1927 tại làng Xuân Đài, xã Điện Quang thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, đỗ Cử nhân và từng giữ chức Án sát sứ nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh. Cụ Hoàng Văn Bảng chính là em ruột của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Cha của ông là ông Hoàng Kỵ, từng làm quan dưới thời Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị Giảng học sĩ. Các anh em ông có bảy người đỗ đạt thì 5 người làm giáo sư đại học như Hoàng Phê (ngôn ngữ học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (toán học)…

Năm ông lên bốn tuổi thì cha qua đời. Cha làm quan thanh liêm, nên gia đình túng bấn lại đông anh em nên tuổi thơ của ông rất vất vả, tuy nhiên đều giữ nếp nhà trong việc học hành. Giỏi văn học Pháp, nhưng ngay từ thời trung học, Hoàng Tụy đã bộc lộ thiên hướng toán học. "Nhảy cóc" hai lớp, là thí sinh tự do, tháng 5 năm 1946, ông đỗ kỳ thi tú tài phần một và bốn tháng sau đó, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán tại Huế. Ông theo học Đại học Khoa học ở Hà Nội nhưng bỏ dở. Sau đó ông được mời dạy toán tại trường trung học Lê Khiết ở Liên khu V.

Ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở quê rồi dạy học ở Quảng Ngãi. Từ năm 1951, ông tự học chương trình đại học toán của Liên Xô và nghiên cứu những vấn đề tổng quát về giáo dục.

Đầu năm 1955, ông Hoàng Tụy được Bộ Giáo dục giao phụ trách chuẩn bị cải cách giáo dục phổ thông để thống nhất hệ phổ thông 9 năm ở vùng tự do với hệ 12 năm ở vùng mới giải phóng thành hệ 10 năm. Sau đó, ông phụ trách tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa tất cả môn học của giáo dục phổ thông.

Năm 1956, ông giảng dạy tại khoa Toán chung của Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Một năm sau, ông cùng 8 cán bộ khác được cử sang Liên Xô tu nghiệp ở Đại học Tổng hợp Lomonosov và đã hoàn thành luận án tiến sĩ Toán - Lý tại đây.

Giáo sư Hoàng Tụy cha đẻ của toán ứng dụng Tối ưu toàn cục

Những năm 60 của thế kỷ XX, lý thuyết tối ưu trở thành một hướng toán học mới có nhiều ứng dụng. Nhưng khi ấy, các nhà toán học chỉ mới chú ý tới tối ưu địa phương, còn những bài toán tối ưu toàn cục thì được coi là quá khó! D. Dantzig, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, coi đó là những bài toán “khó về bản chất” (intrinsically difficult). Bởi thế, trước năm 1964, chưa ai trên thế giới thu được một kết quả nào đáng kể.

Thế rồi, Giáo sư Hoàng Tụy đến Phân viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô ở Novosibirsk, trình bày tại hội thảo của L. V. Kontorovitch cách giải một trong những bài toán cơ bản nhất của tối ưu toàn cục: Bài toán tìm cực tiểu một hàm lõm trên một tập đa diện lồi giới nội. L. V. Kontorovitch là nhà toán học Liên Xô được tặng giải thưởng Nobel Kinh tế.

Kết quả ấy của Giáo sư Hoàng Tụy được công bố trên tạp chí Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Công trình đưa ra một lát cắt độc đáo. Lát cắt thật giản dị nhưng lại có khả năng ứng dụng rộng, không chỉ đối với nhiều bài toán tối ưu toàn cục mà còn đối với những bài toán quy hoạch tổ hợp. Phát minh ấy, về sau, được giới toán học thế giới gọi là “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut), trở thành một kết quả kinh điển.

Giáo sư Hoàng Tụy được coi là nhà toán học khai sơn phá thạch mở đường cho một chuyên ngành toán học mới, là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”. Tháng 8 năm 1997, Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển) đã tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục", được tổ chức để tôn vinh Giáo sư Hoàng Tụy, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát" và nhân dịp giáo sư tròn 70 tuổi.

Với 140 công trình khoa học và ba chuyên khảo về lĩnh vực này giáo sư Hoàng Tụy được cộng đồng quốc tế coi là người dẫn đầu trong lĩnh vực Tối ưu toàn cục. Ba chuyên khảo đã được xuất bản là: "Global Optimization - Deterministic approaches" R.Horst & H.Tuy - Springer Verlag 1990 (Tối ưu toàn cục tất định), "Optimzation on Low Rank Nonconvex Structures" H.Konno, P.T.Thach & H.Tuy - Kluwer - 1997 (Tối ưu hóa trên những cấu trúc không lồi bậc thấp) và "Convex Analysis and Global Optimization" H.Tuy - Kluwer Academic Publishers 1998 - giáo trình cho nghiên cứu sinh toán Tối ưu. Lý thuyết Tối ưu DC còn có hạn chế vì chỉ mới khai thác tính chất lồi hoặc lồi đảo trong khi đó tính đơn điệu lại rất phổ biến. Trong đó, cuốn sách tối ưu toàn cục tiếp cận xác định mà ông viết chung với GS Reiner Horst được đánh giá là "kinh thánh" của chuyên ngành tối ưu toàn cục.

Ông là giáo sư, nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam. Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học của Việt Nam.Không chỉ là một nhà Toán học, Giáo sư Hoàng Tụy cũng có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Ông cũng là sáng lập viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS mà ông là Chủ tịch Hội đồng Viện.

Nhờ những đóng góp to lớn đối với khoa học nước nhà, Giáo sư Hoàng Tụy được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 1 năm 1996. Ông được coi là nhà toán học khai sơn phá thạch mở đường cho một chuyên ngành toán học mới, là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”. Cho nên, thật là công bằng và hợp lý khi ông là người đầu tiên trên thế giới nhận Giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng năm 2011.

Giáo sư Hoàng Tụy với tư cách một trí thức lỗi lạc, một nhân cách lớn, một kẻ sĩ nặng lòng với tình yêu quê hương Đất nước thiết tha đã thể hiện rõ qua 50 bài viết tâm huyết trong tuyển tập “XIN ĐƯỢC NÓI THẲNG” của ông. 

Ngày 14/7/2019, trái tim của nhà toán học lỗi lạc Giáo sư Hoàng Tụy đã ngừng đập để lại niềm tiếc thương vô hạn cho lớp lớp học trò, bạn bè, đồng nghiệp, quê hương, dòng tộc và cộng đồng người yêu toán học gần xa:

"Chí sĩ Điện Bàn vang danh người Xứ Quảng

Lát cắt Hoàng Tụy lưu truyền thuyết Tối Ưu".

Vợ chồng Doanh nhân Trần Công Cảnh cùng tác giả bài viết lưu niệm trong những ngày ở Gò Nổi, Điện Bàn tìm hiểu truyền thống vàng son của họ Hoàng ở Xứ Quảng

Doanh nhân Trần Công Cảnh, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng khu vực phía Nam bồi hồi xúc động chia sẻ khi được tin Giáo sư Hoàng Tụy đã ra đi về với cõi thiên thu vĩnh hằng: "Gò Nổi quê tôi, vùng đất địa linh nhân kiệt thời nào cũng sinh ra những nhân tài hào kiệt đóng góp tích cực cho quê hương Đất nước trường tồn phát triển. Giáo sư Hoàng Tụy nhà toán học lỗi lạc đã ra đi với tổ tiên nhưng những tình cảm và công tích của ông mãi mãi là niềm tự hào bất diệt của quê hương Xứ Quảng anh hùng...".

Sự ra đi của một cây đại thụ trong làng toán học Việt Nam như Giáo sư Hoàng Tụy đã để một khoảng trống khó có thể khỏa lấp được trên bầu trời toán học và trong lòng triệu triệu người mến mộ tài năng của ông trên toàn thế giới!

Cả cuộc đời và sự nghiệp hoạt động sôi nổi của Giáo sư Hoàng Tụy đã minh chứng: Dù khó khăn, gian khổ và bao thử thách của thiên tai, địch họa, chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu...nhưng chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy vẫn sản sinh, nuôi dưỡng những nhà khoa học lỗi lạc có đủ tư duy, nhiệt huyết, tầm nhìn và khát vọng dân tộc chân chính để cống hiến cho nền tri thức nhân loại. Đúng như trong Bình Ngô Đại Cáo,Nguyễn Trãi đã viết:

"Tuy mạnh yếu tùy lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có".

Vương Xuân Nguyên

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gs-hoang-tuy-nha-toan-hoc-loi-lac-niem-tu-hao-cua-nhung-nguoi-con-xu-quang-a284308.html