Khiếu nại kéo dài: "Né" đơn thư vì "bệnh" thành tích


Chủ nhật, 01/03/2015 | 03:08


(ĐSPL) - "Cơ chế của ta còn nặng về hình thức nên thường "né", hạn chế tối đa đơn thư khiếu nại để chứng tỏ đơn vị mình trong sạch, vững mạnh"

(ĐSPL) - "Cơ chế của ta còn nặng về hình thức nên thường "né", hạn chế tối đa đơn thư khiếu nại để chứng tỏ đơn vị mình trong sạch, vững mạnh" - ý kiến của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Khi được hỏi về tình trạng bỏ bê, lảng tránh, thậm chí cố tình "dập" đơn, ém lại trong việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo là hiện tượng đang gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, một nguyên ĐBQH cho biết, trên thực tế có tình trạng cán bộ dám báo cáo lên cấp trên sai sự thật để lấy thành tích hoặc che đậy sự thực. Không phải đơn thư khiếu nại nào cũng đúng, cũng dễ giải quyết, tuy nhiên điều đáng buồn có những vụ việc đơn giản, lại để người dân kéo dài nhiều năm, trong khi đó địa phương đủ điều kiện để giải quyết đúng, nhanh. Tất nhiên, có những vụ việc phức tạp dẫn đến kéo dài, cơ quan lúng túng, nhưng số này ít.

Về vấn đề trên, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bày tỏ: "Thực tế bây giờ hiếm có lãnh đạo nào đi tận nơi, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Phải nói, một bộ phận cán bộ chỉ ngồi nghe cấp dưới báo cáo lên thì làm sao thấy được những bức xúc của người dân. Đây cũng một phần do cơ chế của ta còn nặng về hình thức nên thường "né", hạn chế tối đa đơn thư khiếu nại để chứng tỏ đơn vị mình trong sạch, vững mạnh".

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, người cán bộ tiếp dân phải xem xét lại, đặc biệt đây là vị trí cần những người đáp ứng được cả năng lực và phẩm chất đạo đức. Tiếp dân bằng cái tâm, nội dung công việc chứ đừng vì hình thức, làm để cho có. Cần phải phân loại đơn thư nào cần giải quyết ngay, đơn thư cần giải thích, đơn thư nào kính chuyển, chứ không thể kính chuyển hết thì cần tiếp dân làm gì, chuyển bưu điện cho xong.

Đặc biệt, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần thiết phải đổi cơ chế, bỏ ngay "bệnh" chạy theo thành tích, không thể dựa vào tiêu chí càng ít khiếu kiện, khiếu nại làm thước đo đánh giá năng lực của lãnh đạo địa phương. Chính vì suy nghĩ cố hữu đó, những bức xúc của người dân không được giải quyết kịp thời.

Nguyên ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu.

Một ĐBQH cho biết, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài có một nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu công tâm trong hoạt động xét xử. Trên thực tế, mặc dù cơ chế toà án độc lập xét xử nhưng hiện nay, toà vẫn có quan hệ với cơ quan hành chính.

Bây giờ, một ông chánh án, thẩm phán xử quyết định của ông chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện là khó. Chúng ta đang tiến hành cải cách tư pháp nhưng hiện vẫn chưa được như ý muốn. Do đó, việc để kiện thắng quyết định hành chính là rất khó. Người ta vẫn hay nói "con kiến kiện củ khoai". Các bên của quan hệ hành chính không có sự cân bằng, không có cân bằng thẩm quyền, nghĩa vụ hai bên chủ thể. Quan hệ hành chính một bên là cơ quan công quyền có quyền lực còn bên kia là người dân, bên chấp hành.

Gần như số đông người dân người khiếu nại, khiếu kiện đúng vì người ta không dại gì thấy chính quyền làm đúng mà lại mất công đi kiện, nhưng nhiều oan sai vẫn thuộc về người dân. Chúng ta chưa từng thấy oan sai thuộc về cơ quan công quyền.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khieu-nai-keo-dai-ne-don-thu-vi-benh-thanh-tich-a83766.html