Kiềm chế của Việt Nam đã đến giới hạn hay chưa?


Chủ nhật, 29/06/2014 | 15:10


Cùng sự kiện

(ĐSPL) – Sau một loạt các hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiên trì kiềm chế. Nhưng, liệu sự kiềm chế của Việt Nam đã đến giới hạn hay chưa?

(ĐSPL) – Sau một loạt các hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiên trì kiềm chế. Nhưng, liệu sự kiềm chế của Việt Nam đã đến giới hạn hay chưa?

Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về giới hạn kiềm chế của Việt Nam trước việc Trung Quốc liên tiếp có các động thái làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân cho rằng: “Dù cho Trung Quốc đang hành xử thô bạo, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, công khai đơn phương sử dụng vũ lực để thực hiện các bước đi trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông, chúng ta nhất định vẫn phải bình tĩnh, phải kiên trì, kiềm chế”.

Mới đây, Trung Quốc đưa thêm giàn khoan thứ hai mang tên Nam Hải số 9 ra Biển Đông, sau đó, đến ngày 24/6, giàn khoan này bắt đầu hoạt động khoan thăm dò, khai thác trái phép ngoài vùng cửa Vịnh Bắc Bộ. Ông có bình luận gì về động thái này của Trung Quốc?

Tin tức - Kiềm chế của Việt Nam đã đến giới hạn hay chưa?

Giàn khoan Nam Hải 9 được đặt trong vùng đang phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Nam Hải 9 đến đặt cách đảo Hải Nam 60 hải lý, nếu xét về bên kia đường trung tuyến, nó có thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nhưng cái sai chính của Trung Quốc là kéo giàn khoan đến cửa Vịnh Bắc Bộ, nơi đang nằm trong vùng phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà đã trải qua rất nhiều cuộc đàm phán nhưng vẫn chưa phân định rõ ràng. Trong khi đó, Trung Quốc đơn phương hành động mà lại không có bất cứ thông báo nào với phía Việt Nam, chỉ đăng tin trên trang của Cục Hải sự nước này.

Theo quan điểm của tôi, lẽ ra, nếu là một nước lớn mà biết tự trọng thì không nên làm việc đó, hành xử của Trung Quốc là hành xử của một đất nước không có trách nhiệm.

Trên thực địa, tàu Trung Quốc luôn chủ động tấn công và đâm hỏng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam nhưng họ lại lớn tiếng vụ vạ cho Việt Nam ở Liên Hợp Quốc. Ông nghĩ sao về điều này?

Điều này, thế giới đã biết cả rồi, dư luận thế giới cũng đã thấy rõ.

Đây có thể nói là “kiểu” của Trung Quốc từ xưa đến nay, chuyên đổi trắng thay đen, luôn muốn giành phần thắng cho mình, và sau khi làm xong thì sẵn sàng chối bay tất cả mọi chuyện.

Đó là kiểu hành xử của kẻ tiêu nhân chứ không phải hành xử của một nước quân tử, một nước biết tôn trọng chính nghĩa và luật pháp.

Trung Quốc đã dùng xảo thuật để lừa bịp Việt Nam và cả nhân dân thế giới.

Thực tế thì thế giới đều biết, thậm chí, các phóng viên báo chí của các hãng thông tấn quốc tế tác nghiệp trực tiếp trên các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam bị Trung Quốc tấn công cũng đã được chứng kiến tận mắt sự hung hăng vô lối của Trung Quốc.

Tin tức - Kiềm chế của Việt Nam đã đến giới hạn hay chưa? (Hình 2).

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân: "Chúng ta nhất định vẫn phải bình tĩnh, phải kiên trì, kiềm chế".

Việt Nam luôn kiên trì dùng mọi biện pháp hòa bình, nhưng càng ngày Trung Quốc càng lấn tới, liên tiếp có những hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Vậy theo ông, Việt Nam nên có những bước đi tiếp theo như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, dù cho Trung Quốc đang hành xử thô bạo, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, công khai đơn phương sử dụng vũ lực để thực hiện các bước đi trong kế hoạch độc chiếm Biển Đông, chúng ta nhất định vẫn phải bình tĩnh, phải kiên trì, kiềm chế.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là quá trình đấu tranh lâu dài chứ không thể trong một sớm một chiều mà giải quyết được. Bản thân Việt Nam cũng cần góp phần giữ lấy ổn định chung của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, còn tất nhiên, nếu hình thức này không được thì chúng ta sẽ sử dụng hình thức khác, và chuyển sự việc lên tòa án quốc tế cũng là một giải pháp cần tính tới.

Chiều 27/6, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã yêu cầu Chính phủ nhanh chóng khởi kiện Trung Quốc. Chuẩn đô đốc có đồng tình với quan điểm này hay không?

Tôi đồng tình ở chỗ là nhất định phải kiện, nhưng kiện vào lúc nào, vào thời điểm nào thì đó là do Chính phủ cân nhắc.

Nhưng tôi nhắc lại, nhất định phải kiện chứ không thể không kiện.

Việt Nam chủ trương đấu tranh hòa bình, vì vậy chúng ta phải kiềm chế trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Nhưng mọi sự kiềm chế đều có giới hạn, theo ông, sự kiềm chế của Việt Nam đã đến giới hạn hay chưa?

Điều này cũng rất khó nói, vì giới hạn phụ thuộc vào sức chịu đựng.

Trên thực tế, tôi thấy không chỉ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, mà nhân dân cả nước ta cũng đang kiên trì chịu đựng, mặc dù Trung Quốc bắt nạt, chèn ép mình, cậy thế nước lớn ăn hiếp nước nhỏ, dùng lực cơ bắp đe dọa người yếu hơn, nhưng chúng ta vẫn phải kiên trì, và rồi phải tìm một cách khác để có thể bảo vệ chủ quyền của mình.

Vụ tàu kéo Trung Quốc đâm hỏng tàu KN-951 của chúng ta là một vụ việc gây bức xúc vô cùng, cú đâm ấy chắc chắn nhằm đâm chìm tàu của chúng ta, nhưng do các lực lượng của chúng ta nhanh trí, khôn khéo nên không để sự việc đáng tiếc xảy ra. Sự việc ấy cũng là một minh chứng rõ ràng cho sự kiềm chế của Việt Nam trong thời điểm này.

Tin tức - Kiềm chế của Việt Nam đã đến giới hạn hay chưa? (Hình 3).

Các tàu Trung Quốc vây ép, đâm tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trên thực địa.

Nhiều người cứ đặt câu hỏi tại sao Việt Nam chưa sử dụng lực lượng hải quân, tôi khẳng định rằng, chưa đưa hải quân vào là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Bởi nếu sử dụng hải quân vào lúc này thì tôi e chúng ta sẽ rơi vào trường hợp giống như Philippines ở bãi cạn Scarborough. Lúc đó, khi Philippines đưa ra 2 tàu lực lượng hải quân nhỏ thì Trung Quốc đưa sang 4 tàu lớn, quây ép cho đến khi Philippines phải rút quân về, từ đó Trung Quốc coi như làm chủ bãi cạn Scarborough.

Còn đối với trường hợp của Việt Nam chúng ta, khi đưa hải quân ra thì khả năng nổ súng là rất cao, vì Trung Quốc đang chủ động khiêu khích nên họ sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào.

Theo Chuẩn đô đốc, hiện nay, sức mạnh lớn nhất của Việt Nam là gì?

Sức mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện nay là chính nghĩa, là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và dư luận quốc tế.

Chúng ta cũng đang có một bộ máy lãnh đạo sáng suốt, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép đến nay, trong tất cả các phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhất quán một quan điểm là phản đối hành vi của Trung Quốc, khẳng định Việt Nam bằng mọi cách sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.

Bên cạnh đó, 90 triệu người dân Việt Nam cũng đang một lòng hướng về biển đảo yêu thương, ai ai cũng sục sôi tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ đất nước.

Có câu “con giun xéo lắm cũng quằn”, nếu Trung Quốc vẫn cố tình ngang ngược, tiếp tục làm quá nhất định nhân dân ta sẽ không chịu đựng và chấp nhận thêm nữa.

"Nhiều người cứ đặt câu hỏi tại sao Việt Nam chưa sử dụng lực lượng hải quân, tôi khẳng định rằng, chưa đưa hải quân vào là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Bởi nếu sử dụng hải quân vào lúc này thì tôi e chúng ta sẽ rơi vào trường hợp giống như Philippines ở bãi cạn Scarborough. Lúc đó, khi Philippines đưa ra 2 tàu lực lượng hải quân nhỏ thì Trung Quốc đưa sang 4 tàu lớn, quây ép cho đến khi Philippines phải rút quân về, từ đó Trung Quốc coi như làm chủ bãi cạn Scarborough".

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kiem-che-cua-viet-nam-da-den-gioi-han-hay-chua-a38670.html