Kỳ nhân mù làm ảo thuật quyên tiền giúp trẻ nghèo


Thứ 4, 30/07/2014 | 23:02


(ĐSPL)- Tuy mắt ông không còn nhìn thấy được nữa, nhưng tấm lòng ông vẫn trong sáng, vẫn hướng về những mảnh đời bất hạnh trên cuộc đời này.

(ĐSPL)- Tuy mắt ông không còn nhìn thấy được nữa, nhưng tấm lòng ông vẫn trong sáng, vẫn hướng về những mảnh đời bất hạnh trên cuộc đời này.
Sinh ra trong một gia đình có đến bảy anh chị em, tuổi thơ ông là chuỗi ngày mưu sinh vất vả, lang bạt kỳ hồ. Số phận bất hạnh không chịu buông tha cho ông, khi suốt hơn mười năm nay ông phải sống trong bóng tối.
Thế nhưng ông vẫn miệt mài làm thơ, miệt mài đi biểu diễn ảo thuật khắp nơi, quyên tiền ủng hộ cho trẻ em nghèo, mồ côi. Niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống, giúp ông vượt qua bóng tối, sống và mỉm cười để cuộc đời này có thêm ý nghĩa...
Tấm lòng của kỳ nhân mù làm ảo thuật quyên tiền giúp trẻ em nghèo
Hai vợ chồng “kỳ nhân phố Hội" luôn sống trong niềm lạc quan lúc cuối đời.
Tuổi thơ lang bạt kỳ hồ
Trong một căn nhà nhỏ trên đường Trần Cao Vân của phố Hội (TP.Hội An, Quảng Nam), lão nghệ sỹ già Nguyễn Minh Sinh (SN 1947, ngụ phường Minh An, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang cặm cụi ngồi bên bàn viết, đeo cặp kính đen để che đi đôi mắt đã không còn nhìn thấy gì. ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng suốt cuộc trò chuyện nụ cười luôn thường trực trên môi người đàn ông ở cái tuổi "xưa nay hiếm". ông cười, giọng cười đầy sảng khoái, mãn nguyện và thanh thản. Cả cuộc đời ông đã sống và cháy hết mình cho những điều ông mơ ước.
Trò chuyện với ông trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa phố Hội, chúng tôi mới hiểu vì sao người ta thường nhắc đến ông, với biệt danh "kỳ nhân phố Hội" một cách thân thương, trìu mến như thế.
Là anh cả trong một gia đình có đến bảy anh chị em, gia cảnh lại khó khăn, nên khi mới biết đọc biết viết, ông Sinh đã nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi các em. Mẹ ông là bà Trần Thị Hương từng tham gia "Đội quân tóc dài" cùng bà Phan Thị Nể (phu nhân của đồng chí Võ Chí Công). Cha ông là Nguyễn Soái (liệt sỹ) còn mải rong ruổi chinh chiến nơi chiến trường rừng núi, với lý tưởng của người cộng sản kiên trung, rồi bị bắt và xử tử năm 1956. Mẹ ông sau đó cũng bị bắt nhốt vào nhà lao Hội An, nhưng vì không khai thác được gì, nên ít lâu sau địch phải thả bà về.
Những năm trước giải phóng, ông chỉ là một cậu bé gầy gò, thường lặn ngụp bên dòng sông Hoài đặt lờ, nhủi hến, bắt cá cho mẹ mang ra chợ đổi lấy cái ăn. ông bảo: "Tuổi thơ tôi nhọc nhằn như con sông trước nhà vậy. Những mùa lụt tôi vẫn thường còng lưng chèo ghe đi bắt ốc, mùa nắng thì lặn ngụp dưới đáy sông mưu sinh. Mỗi con sóng sông Hoài ào lên, cũng như là một nỗi niềm trong lòng tôi vậy!". Mười tuổi, ông cùng chiếc xe đạp cọc cạch và chiếc thùng kem lớn hơn người, rong ruổi khắp vùng Quảng Nam để kiếm tiền. Ngày ấy là những ngày khó nhọc với ông, vì mỗi ngày ông phải đạp xe trên 100km để mưu sinh. Và rồi đến những ngày đầu sau giải phóng, cuộc đời ông sang một ngã rẽ khác, bắt đầu cuộc lang bạt kỳ hồ, mà mỗi khi nhớ lại ông vẫn không tin rằng mình đã trải qua.
Hôm ấy cũng như mọi lần, ông vượt qua quãng đường gần 60km, lên đến thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) bán kem như mọi lần. Đúng lúc ấy mọi người đang tập trung lại để nghe người bán thuốc Đông y chữa bệnh giữa chợ. Dù không hiểu nhiều, nhưng khi lại gần đó ông cũng bị hút hồn bởi những luân lý của nghề y mà vị lương y đang giảng.
Ông tự nhủ: "Làm thuốc chữa bệnh cũng hay, lại được đến những nơi mà mình chưa từng được đến!", và rồi chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ông quyết định xin bái sư học đạo. ông bảo: "Sau gần 10 năm theo thầy, tôi đã học được rất nhiều điều, từ chuyện thuốc đến chuyện đời. Thầy thường bảo tôi rằng người ta khen cũng đừng tự mãn, người ta chê cũng đừng buồn nản, quan trọng là cái tâm mình phải giữ thật tĩnh, thật thanh thản mới có thể theo được lâu dài. Đến giờ những điều ấy tôi vẫn nhớ như in trong lòng mình!".
Tấm lòng của kỳ nhân mù làm ảo thuật quyên tiền giúp trẻ em nghèo
Ông Sinh miệt mài biểu diễn ảo thuật quyên tiền giúp trẻ em nghèo, bất hạnh.
Hạnh phúc khi giúp đỡ người khác
Tôi đến Hội An gặp gỡ và trò chuyện với ông, cái tình cái nghĩa của những người trải qua nhiều vất vả khốn khó, làm cho khoảng cách về tuổi tác như lùi xa, ông cười hồn nhiên đọc cho tôi mấy câu thơ: "Bạn sống như chàng hát rong/ Ta cũng nửa đời phiêu bạt/ Gặp nhau mái đầu chớm bạc/ Nụ cười sao rất hồn nhiên...". Cuộc trò chuyện của chúng tôi với "kỳ nhân phố Hội" bắt đầu không thể giản dị hơn.
Cả cuộc đời gắn bó với thơ, Nguyễn Minh Sinh với bút danh Nguyễn Miên Thượng được nhiều bạn bè và độc giả yêu quý, không phải bởi cái tài mà chính cái tâm mà ông dành cho nghệ thuật. Không "đao to búa lớn", cũng chẳng màu mè "tô son trát phấn".
Thơ là chốn đi về, để ông gửi gắm nỗi niềm. Cùng với đó, thế giới truyện của ông viết ra như hồi ức của cả quãng đời phiêu bạt. ông bảo: "Cuộc sống phiêu bạt nên tôi chỉ dám mơ ước mình được như một khóm lục bình tự do trôi dạt trên sông, trổ hoa tím". Quá khứ và dấu ấn về những vùng đất mà ông từng đặt chân tới, những mẩu chuyện góp nhặt đây đó, trở lại sống động trong những trang viết của mình.
Hơn 10 năm trở lại đây, căn bệnh đục thủy tinh thể khiến đôi mắt ông bị mù, không nhìn thấy gì. Thế nhưng mỗi lần có chương trình từ thiện nào đó, ông lại nằng nặc đòi đi theo. ông thường nhận lời làm nghệ sỹ khách mời, biểu diễn trong đêm ca nhạc tạp kỹ, các đêm thơ và thường đi quyên góp tiền từ thiện giúp đỡ các trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật và lang thang cơ nhỡ tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam).
Lý giải về hành động của mình, ông tâm sự: "Với tôi, tiền chỉ có tác dụng khi nó được dùng để giúp đỡ cho những người cần tới nó. Mỗi khi đi đâu đó, gặp một hoàn cảnh đáng thương, lòng tôi thấy day dứt lắm, phải cố làm cách gì đó giúp đỡ họ. Mỗi khi giúp đỡ được người khác, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc".
Mỗi khi người hướng dẫn nhắc tên ông trong mỗi tiết mục nào đó, mọi người lại ồ lên kinh ngạc, cảm phục. Bởi một người mù mỗi khi bước ra sân khấu biểu diễn, phải có người dẫn ông lên những bậc cầu thang, dẫn ra sân khấu, lại đi biểu diễn ảo thuật lừa thị giác của người sáng mắt bao giờ.
Nhưng rồi mọi người vẫn xem, xem một cách say mê, mặc dù đó chỉ là những trò ảo thuật rất đơn giản như biến giấy thành tiền, trò đổi lá bài... Mỗi lần biểu diễn như thế, số tiền có được từ sự ủng hộ của mọi người, ông đều dành hết cho trẻ em. ông bảo: "Lũ trẻ trong nhà tình thương tội lắm. Chúng không có tuổi thơ, không được sự chăm sóc của cha mẹ, tình yêu thương của người thân gia đình. Tôi dẫu đã đi qua gần hết cuộc đời, nhưng cứ thấy mấy đứa trẻ mồ côi như thế tôi cũng đau lòng lắm!"...
Trò chuyện với ông, ông nói nhiều về cuộc đời, về con người, về quê hương và dân tộc mình. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để người đọc hiểu vì sao ông được gọi là "kỳ nhân của phố Hội". Chia tay, ông lần mò bước ra đường tiễn chúng tôi về. Và tôi biết, sau đó ông sẽ lại ngồi bên bàn viết, viết lại những điều về cuộc đời giang hồ nhiều gay cấn ly kỳ. Chúng tôi biết rằng, tuy mắt ông không còn nhìn thấy được nữa, nhưng tấm lòng ông vẫn trong sáng, vẫn hướng về những mảnh đời bất hạnh trên cuộc đời này...             

Tạo nên sắc thái văn hóa của một vùng đất

Bắt đầu khởi viết từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, đến nay trải qua hơn 40 năm cầm bút, gia tài thơ của ông cũng khá đồ sộ, với gần 20 ấn phẩm được xuất bản. Cùng nhiều giải thưởng như giải xuất sắc thơ Văn nghệ tinh thần năm 1973 tại Sài Gòn, giải nhất thơ Quân đội nhân dân năm 1982, giải khuyến khích Thơ tứ tuyệt BCH hội VHNT Đồng Nai 2007, và nhiều giải thưởng khác. Nhận xét về tình yêu thơ, yêu văn chương một cách mãnh liệt của con người "lạ lùng" đó, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã phải thốt lên rằng: "Tình yêu đó nếu có sánh với nghìn năm rêu phong mái cổ hay nhỉnh hơn trên dưới thế kỷ của Hoài Phố thì trước sau như một, bền bỉ, âm trầm, hừng hực sức sống. Nó góp phần bồi đắp, làm nên giao diện hay sắc thái văn hóa của một vùng đất nằm êm đềm bên dòng sông Thu".

 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-nhan-mu-lam-ao-thuat-quyen-tien-giup-tre-ngheo-a43699.html