Ly kỳ giai thoại nữ thần sông hiển linh được tôn sùng “Mẹ xứ sở"


Chủ nhật, 20/07/2014 | 09:34


(ĐSPL) - Họ tin bà linh thiêng nên không thể làm điều xằng bậy được. Bà mà nổi giận thì cầm chắc cái chết.

(ĐSPL) - Thu Bồn vốn được nhiều người biết đến là dòng sông có lưu vực lớn của Việt Nam với rất nhiều nhà máy thủy điện trên sông. Nhưng ít ai biết rằng tên gọi của dòng sông gắn liền với một nữ thần người Chăm được nhân dân tôn sùng. Trải qua những biến thiên của lịch sử, dòng sông Thu Bồn như một chiếc nôi lưu giữ những văn hóa độc đáo, những giai thoại kỳ lạ vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

Nữ thần sông hiển linh được tôn sùng mang tên dòng Thu Bồn
Phần mộ bà Thu Bồn vẫn còn nguyên vẹn trong lăng Bà dù trải qua bao nhiêu biến cố thời gian.

Những tích lạ bên dòng sông Mẹ

Ngược dòng sông Thu Bồn, chúng tôi đến với ngôi làng mang tên dòng sông, làng Thu Bồn để được nghe các vị cao niên trong làng kể về Bô Bô phu nhân (bà Thu Bồn). Xung quanh nhân vật này có nhiều chuyện lạ, thậm chí ngay đến  gốc tích của bà cũng gây nhiều tranh cãi trong dân gian. Có người cho rằng, bà là con một phú hộ. Khi mới lọt lòng, bà đã có mái tóc dài ngang lưng, hai hàm răng ngọc ngà. Mới lên năm tuổi, bà biết dùng các loại lá, rễ cây trong vườn để chữa bệnh cho người, gia súc và bà mất khi 50 tuổi. Nhưng bà rất hiển linh, nhiều lần ra tay cứu nhân độ thế. Bà cai quản một vùng đất rộng lớn dọc theo sông Thu Bồn, từ huyện Duy Xuyên đến huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam.

Người xưa kể lại, hình dáng bà lúc ấy như dải lụa, mềm mại uyển chuyển, thoắt ẩn, thoắt hiện. Có người cho rằng bà là con gái rượu của ông vua Mây, cháu bà chúa Lồi. Khi bị giặc bao vây, nhà vua và bà cưỡi ngựa chạy lên Phường Rạnh (Địa danh thuộc huyện Duy Xuyên - PV) và ngã ngựa rồi mất, xác bà trôi về làng Thu Bồn. Nhưng có lẽ thuyết phục người dân hơn cả là giai thoại bà là một vị tướng của người Chăm, bị vua Lê truy đuổi đến làng Thu Bồn, thì ngã ngựa do mái tóc dài quấn vào chân ngựa nên bà bị giặc giết. Bà được các vua triều Nguyễn sắc phong là Bô Bô phu nhân, là Thượng đẳng thần.

Ông Thái Văn Lịch (84 tuổi), là người duy nhất phụ trách nghi lễ của lễ tế Bô Bô phu nhân từ sau giải phóng đến nay kể: Ngày ấy, ở kinh đô, có phu nhân của vị quan nọ bị bệnh đã lâu, chữa hoài không khỏi. Nghe tiếng lệnh bà linh thiêng liền sai gia nhân vào xin thuốc, bà mách rằng: “Muốn xin thuốc thì người uống tới xin mới thiêng”, gia nhân trong nhà về nói lại. Vị phu nhân kia liền lặn lội vào xin thuốc và kỳ lạ thay, chưa uống hết ba thang thuốc bà đã khỏi. Vị quan kia mừng quá, đem đôi xuyến vàng vào cúng lăng Bà. Thường thường, khi làm lễ, trên bàn thờ người ta mới đem cặp xuyến ra treo để cúng. Còn những ngày khác, họ đục lỗ trong cây gỗ trên bàn thờ để cất cặp xuyến.

Trong làng không ai giữ đôi xuyến vàng này. Cũng không ai dám lấy trộm. Họ tin bà linh thiêng nên không thể làm điều xằng bậy được. Bà mà nổi giận thì cầm chắc cái chết. Dân ta sợ, nhưng Tây không sợ. Thế cho nên năm nọ, có hai tên Tây lên Thu Bồn cùng với một thông ngôn. Cả ba đi bằng ca-nô. Hai tên Tây đậu ca-nô ngoài gành rồi vào lăng Bà, lén lấy cặp xuyến vàng. Kỳ lạ thay, khi ra gành, không hiểu sao tự nhiên cả hai như bị ai đó kéo mạnh và khiến hai tên nhào đầu xuống nước mà chết. Làng báo lên quan trên. Lúc đó, cũng không ai biết hai tên này lấy trộm cặp xuyến trong Lăng. Sau này, khi thắp hương ở lăng Bà, người ta mới rõ mọi chuyện.

Ông Lịch cho biết: “Những câu chuyện về sự linh thiêng của Bô Bô phu nhân không chỉ được lưu truyền từ xa xưa mà cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ người ta vẫn thường nhắc đến bà với những điều phi thường, khó giải thích. Chuyện là trong những năm giặc Mỹ xâm lược, bên kia sông Thu là vùng ta, bên này nơi có lăng Bà là vùng tranh chấp. Một hôm, Đại tá Nguyễn Văn Lai, Quận Trưởng quận Đức Dục (Địa danh hành chính của tỉnh Quảng Nam thời Việt Nam Cộng hòa- PV) bấy giờ, dẫn một tiểu đoàn đi từ quận Quế Sơn xuống. Khi đi ngang qua lăng Bà liền gặp một trận mưa to không dứt gây ngập lụt cả một vùng rộng lớn. Khi ngớt mưa đoàn quân chuẩn bị lên đường thì chiếc xe jeep của ông Đại tá Lai không thể nào đi được, cả một sư đoàn hì hục đẩy, kéo  cũng không có tác dụng.

Lúc này, anh ấp trưởng mới bảo ông Đại tá mua lễ vật tới cúng Bà, mong Bà cứu giúp mà cho xe qua khỏi. Nghe lời anh ấp trưởng, ông Đại tá liền cho người sắm đồ gà, mâm ngũ quả  cúng vái cẩn thận thì ngay sau đó chiếc xe liền nổ được máy. Cảm kích sự giúp đỡ của Bô Bô phu nhân, Đại tá Nguyễn Văn Lai cho người xây lại lăng Bà, mặc dù được xây đơn giản trên ngói, dưới vôi nhưng đầy uy nghiêm”.

Nữ thần sông hiển linh được tôn sùng mang tên dòng Thu Bồn
Ông Thái Văn Lịch, người đã có gần 40 năm làm chủ bái lễ tế bên lăng Bà.

Độc đáo đại lễ “Mẹ xứ sở” trên dòng sông huyền thoại

Được coi là “Bà Mẹ xứ sở”, là vị thần quan trọng nhất đối với cư dân sống dọc hai bên sông, nên lễ tế Bà Thu Bồn được coi là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất, đình đám nhất của Quảng Nam. Hàng năm, cứ đến ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch, lễ hội Bà Thu Bồn gọi tắt là Lệ Bà lại diễn ra tại làng Thu Bồn Đông, xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên). Là người đã có thâm niên gần 40 năm làm chủ bái trong đại lễ tế Bà, ông Thái Văn Lịch cho biết: Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã diễn ra từ mấy tháng trước. Trong những ngày diễn ra lễ hội, từ đường làng, sân vận động, lăng Bà Thu Bồn đến bãi sông đều tấp nập rừng người kéo về đây trẩy hội.

Ông Lịch cho hay: “Xung quanh lễ sắc phong của vua cũng có nhiều câu chuyện hấp dẫn. Lần sắc phong đầu tiên dưới triều Khải Định, Bà Thu Bồn không có tên. Bà nhập đồng ở giữa kinh thành Huế để chất vấn. Quan phụ trách hỏi rằng làm thế nào để tin bà thiêng? Bà bảo: Sẽ làm cháy chợ Đông Ba! Một lúc sau có người chạy vào báo chợ đang cháy. Quan xin đừng cháy nữa, lập tức có một trận mưa như trút nước. Tờ sắc phong của triều đình nhà Nguyễn cho Bà Thu Bồn ghi: "Thiên Y A Na diễn phi chu ngọc tôn thần, hộ quốc túy dân, hiển hữu công đức tiết mộng ban cấp tôn thần". Và vào những ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch thường có mưa cũng vì lẽ đó”.

Sáng sớm 12/2, lễ rước nước là nghi thức bắt đầu cho đại lễ tế Bà. Thuyền rước nước được trang trí cờ hoa, đúng 6h30 sáng đi ngược lên thượng nguồn lấy một bình nước trong vắt nơi này để mang về lăng làm lễ tế bà. Khi thuyền rước nước về đến bến sông, đội hình cờ ngũ hành, lọng, kiệu ngũ hành tiên nương bắt đầu nghi thức tế lễ từ bến sông về đến lăng Bà. Đại lễ xem như kết thúc khi lọng, kiệu, cờ hoa về đến Lăng. Dân làng vào hội đua thuyền truyền thống, cùng nhau làm nên một lễ hội dòng sông rạng rỡ từ thuở xưa. Trong lễ hội, ngoài phần lễ tế chính còn có nhiều hoạt động như hội thi nấu cơm, làm bánh, têm trầu, ẩm thực dân gian, hát bội, biểu diễn nghệ thuật, thả bong bóng, thả chim bồ câu, đua thuyền và các hoạt động thể thao sôi nổi.

Theo lời những người dân làng Thu Bồn Đông, hàng năm vào dịp diễn ra lễ hội không chỉ có người dân địa phương, người Duy Xuyên xa quê mà còn rất nhiều người tin tưởng vào sự linh thiêng của “Bà Mẹ xứ sở”, trên khắp mọi miền đất nước. Họ mang lễ đến cúng và cầu mong Bô Bô phu nhân phù hộ cho một năm an lành.               

Di tích văn hóa cấp tỉnh

Ông Trần Văn Diêu, Trưởng thôn Thu Bồn Đông cho biết: “Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết của cư dân sống dọc hai bên dòng sông Thu Bồn. Đến nay, lăng Bà Thu Bồn đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Chính quyền luôn cố gắng lưu giữ những giá trị truyền thống của địa phương.


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-ky-giai-thoai-nu-than-song-hien-linh-duoc-ton-sung-me-xu-so-a41735.html