Màn kịch cuối cùng của kẻ mượn danh miếu thiêng diễn trò ma mị


Thứ 6, 26/12/2014 | 06:12


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Mặc dù khoác lên mình lớp vỏ tu hành tạo vỏ bọc kín kẽ, "thần y" dỏm Ba Bảo vẫn không thoát khỏi con mắt tinh tường của người đời.

(ĐSPL) - Mặc dù khoác lên mình lớp vỏ tu hành tạo vỏ bọc kín kẽ, "thần y" dỏm Ba Bảo vẫn không thoát khỏi con mắt tinh tường của người đời. Bằng nhiều "biện pháp nghiệp vụ", PV tiếp xúc, lần theo dấu vết, vạch trần sự giả dối, bịp bợm của tên cò giấy tờ, đề huề vợ con, vì lười lao động đã chọn con đường lừa lọc kiếm sống.

Miếu bà Chúa xứ Nguyên Nhung nơi Đặng Quốc Bảo có một thời gian ẩn thân, hành nghề mê tín dị đoan (ảnh: Hà Nguyễn).

Lần theo hành tung bí hiểm

Sau nhiều lần tìm hiểu, PV nắm được thông tin, người được người dân gọi là “thầy” Ba Bảo chính là Đặng Quốc Bảo (ngụ tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM). Thông qua nhiều kênh thông tin, bộ mặt thật của vị thần y có hành tung bí ẩn này dần lộ diện. Ông N.T.M., một cán bộ xã Phú Hòa Đông cho biết: "Theo tôi biết, “thầy” Ba Bảo tên thật là Đặng Quốc Bảo trước đây ngụ ở xã Phú Hòa Đông, nhưng đã bỏ đi từ lâu, nghe đâu về sống ở ấp Thạnh An, xã Trung An (huyện Củ Chi). Không như người này từng nói, dứt nghiệp chồng vợ, lánh đời tu tập, sự thực hắn có vợ con đề huề. Bảo đã ly hôn với người vợ có quê ở miền Tây và chuyển sang cặp kè với một cô khác. Gia đình, cuộc sống vợ chồng của người này nhiều chuyện lùm xùm lắm".

Cũng theo ông M., Bảo là một người có trình độ văn hóa thấp, thậm chí chưa tốt nghiệp tiểu học, chứ đừng nói đến việc có học qua ngành y. Theo vị cán bộ này, nghề nghiệp của Bảo trước khi trở thành ông thầy có khả năng cho số đề, trục vong, chữa bệnh bằng thuốc tiên,... là một tay cò "thập cẩm". "Gọi là cò thập cẩm, vì người này thường lảng vảng trước ủy ban xã để làm cò giấy tờ, cò nhà đất, cò xe,... Nói chung, ai cần gì người này đều có thể giới thiệu. Trước đây, khi còn làm việc, ngày nào tôi cũng gặp nên không lạ gì người này. Không hiểu bằng cách nào mà y lại trở thành thần y chữa bệnh lừa đảo, bịp bợm đến vậy", ông M. giải thích.

Cùng nhận định trên, ông Châu Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Hòa Đông cho biết: "Theo như tôi biết, anh này là người địa phương. Mặc dù không thuộc thành phần bất hảo, nhưng chuyện gia đình vợ chồng lại khá lình xình. Sau khi nghe báo cáo, tôi được biết anh này có một đời vợ và đang có mối quan hệ lăng nhăng với một người phụ nữ khác. Tuy nhiên, sau đó, anh ta cũng bỏ người tình và bỏ địa phương đi. Đời sống anh này khá phức tạp, nay đây mai đó chứ không ở một nơi cố định".

Thông qua nhiều nguồn tin, PV được biết, trước khi bị các nạn nhân tại ấp Phú Thuận phản ánh, Bảo đã bị nhiều người vạch mặt lừa đảo. Theo đó, sau khi công việc cò "thập cẩm" bị vỡ nợ, Bảo tìm cách trốn khỏi địa phương tìm đường mưu sinh. Vốn không có thực tài, thiếu trình độ học vấn lại lười lao động, để trú thân, Bảo tìm cách xin vào ở nhờ trong chùa, miếu và biến nơi đây thành nơi manh nha ý đồ lừa đảo bằng các trò đồng bóng.

Theo ông M., sau khi vỡ nợ, Bảo rời bỏ gia đình đến ẩn mình dưới miếu bà Chúa xứ Nguyên Nhung tại ấp Thạnh An, xã Trung An. Tại đây, Bảo tỏ vẻ người sa cơ lỡ vận, y xin ban quản lý miếu cho mình một góc để tránh mưa tránh gió. Thương người, ban quản lý miếu cho phép Bảo ở lại làm công quả, chu cấp cho y nơi ăn, chốn ở. Tuy nhiên, không như mong đợi, Bảo không những không công quả cho miếu, mà liên tục đi đi về về không rõ hành tung. Vỏ bọc lừa đảo của y chỉ được ban quản lý miếu phát giác khi liên tục có người đến hỏi “thầy” Ba Bảo trong nhiều ngày liền.

Sự thật về "thuốc tiên" và rễ cây chữa ung thư

Sự xuất hiện danh xưng “thầy” Ba Bảo tại miếu bà Chúa xứ Nguyên Nhung khiến ban quản lý bất ngờ. Ông Đặng Văn Đồn (SN 1933, ngụ xã Trung An), Trưởng ban quản lý miếu bà Chúa xứ Nguyên Nhung cho biết: "Mấy năm về trước người này có đến xin ở nhờ. Tôi thấy người không có chỗ đi, chỗ ở thì cho ở thôi, miễn là không làm gì tổn hại đến miếu. ở được vài tháng, tôi thấy anh này có gì đó rất lạ. Thường thì anh ta chỉ về đây ngủ vào ban đêm thôi, còn ban ngày thì ra ngoài làm gì đó tôi không được rõ. Anh ta cứ đi đi về về và không giúp công quả gì cho miếu cả".

Ông Đặng Văn Đồn lật mặt những chiêu mị dân, mê tín, lừa đảo của “thần y” Ba Bảo.

Mặc dù nhận thấy những dấu hiệu khác thường ở người đàn ông lạ mặt, ông Đồn vẫn tiếp tục cho Bảo tá túc. Tuy nhiên, ít lâu sau, khách đến miếu cúng, viếng bắt đầu hỏi dò về “thầy” Bảo, người được cho là có khả năng chữa bệnh, cho số trúng đề. "Mới đầu khi nghe tin này, tôi cũng chỉ nghĩ là họ đang bàn về người nào đó xa xôi. Mãi cho đến khi có người trực tiếp từ địa phương khác tới hỏi đích danh “thầy” Bảo ở miếu bà Chúa xứ Nguyên Nhung, tôi mới vỡ lẽ", ông Đồn cho biết thêm. Để khẳng định thêm thông tin trên, ông Đồn lặng lẽ tìm hiểu, ghi nhận hành động lừa đảo của người khách ở nhờ.

Sau nhiều lần bắt gặp, chứng kiến những việc làm mang tính mê tín dị đoan của Bảo, ông Đồn quyết định họp ban quản lý miếu. Ông Đồn cho biết: "Sau nhiều lần âm thầm theo dõi, tôi thấy rằng người này lợi dụng miếu để hoạt động mê tín dị đoan, lừa đảo lấy tiền. Đáng nói hơn, y lại mượn danh, mượn sự linh thiêng ở đây để lôi kéo, dụ dỗ khách hàng cho mình. Thấy vậy, tôi họp ban quản lý và quyết định đuổi người này đi, không cho vào miếu nữa. Trước khi hắn đi, tôi còn yêu cầu không được lợi dụng danh tiếng của miếu để lừa đảo nữa, nếu không sẽ báo công an bắt. Ai ngờ, hắn lại ngựa quen đường cũ".

Video tham khảo:

Kỳ bí chuyện "ma lai thuốc thư " chuyên "bay nhảy ăn thịt người"

Cũng theo ông Đồn, sau khi Bảo bị trục xuất khỏi miếu, nhiều người cả tin vẫn đến tìm kiếm, hỏi thăm “thầy” Bảo. "Không biết nó nói gì mà rất nhiều người tin và đến tìm xin chữa bệnh, xin số đề. Để không mang tiếng xấu và thức tỉnh người dân, tôi phải gọi họ lại để nói cho họ nghe những trò lừa đảo của nó. Lúc đó, nhiều người mới hụt hẫng vì đã tin vào những lời ma mị của hắn. Hiện nay, thỉnh thoảng vẫn có người đến hỏi buộc tôi phải ngồi giải thích cả tiếng", ông Đồn kể.

Theo ông Đồn, Bảo không hề biết chút gì về y thuật cũng như Phật học. Hắn chưa hề trải qua bất kỳ khóa đào tạo y thuật nào cũng như chưa học qua kinh kệ. Những câu chuyện về việc chữa bệnh của mình đều do Bảo tự dựng lên. Cái gọi là "thuốc tiên", "rễ cây chữa bệnh ung thư" mà “thầy” Ba Bảo hướng dẫn chúng tôi ra mua tại các tiệm thuốc Nam cũng chỉ là chuyện bịa. Tại các cửa hàng kinh doanh thuốc Nam, cũng như bác sỹ Đông y, đều khẳng định không hề có loại dược thảo nào được gọi là "rễ cây chữa bệnh ung thư" cũng như chưa nghe, chưa biết đến một đơn thuốc Đông y nào có thể chữa hết ung thư, bướu máu, bạch huyết,...

Khẳng định thông tin trên, ông Đồn, người từng nhiều lần chứng kiến hành vi lừa bịp của “thầy” Ba Bảo cho biết: "Thuốc tiên gì đâu, tôi thấy người ta đến nhờ nó chữa bệnh xương khớp thì nó hốt thuốc trị tiêu chảy, người bị ghẻ lở, lang ben thì nó cho thuốc giải cảm,... Còn về việc cho số đề, trước đây, tôi để ý có ba thanh niên hay chạy ba chiếc xe máy đắt tiền đến đây xin. Không biết xin xỏ thế nào mà ba anh này chả còn chiếc xe nào để đi".

Kiên quyết xử lý và kiểm điểm trước dân chúng

Ông Châu Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Hòa Đông cho biết: "Vì người này đã bỏ địa phương đi khá lâu và vừa trở về đây thuê nhà, nên chính quyền chưa nắm rõ. Tuy nhiên, vừa mới đây, tôi cũng được biết ông Tuấn, Trưởng ấp Phú Thuận đã nhắc nhở người này. Nhưng theo phản ánh của báo thì chúng tôi sẽ kiên quyết giải quyết, xử lý ngay. Nếu có hành vi vi phạm như trên, chính quyền sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. Cũng thông qua báo chí, tôi khẳng định người này không có khả năng chữa bệnh. Chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền hành vi lừa đảo trên và có hướng đưa cá nhân trên ra kiểm điểm trước người dân".

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/man-kich-cuoi-cung-cua-ke-muon-danh-mieu-thieng-dien-tro-ma-mi-a76213.html