Chùa Bồ Đề nhận nuôi trẻ: Đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo


Thứ 7, 09/08/2014 | 09:05


Cùng sự kiện

(ĐSPL)- "Hà Nội rất nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn thủ tục xin cấp phép nhưng nhà chùa vẫn không thực hiện", lãnh đạo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nói về chùa Bồ Đề, nơi liên quan đến nghi án mua bán trẻ em.

(ĐSPL) – Trước đây, thành phố Hà Nội cũng đã rất nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn nhà chùa về việc làm các thủ tục xin cấp phép nhưng nhà chùa vẫn không thực hiện.
Một lãnh đạo của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật về việc chùa Bồ Đề- nơi liên quan đến nghi án mua bán trẻ em, đã và đang nuôi dưỡng rất nhiều trẻ nhỏ.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin về nghi án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề. Ngay sau khi sự việc xảy ra, rất nhiều vấn đề khúc mắc xung quanh ngôi chùa này cũng bắt đầu được làm sáng tỏ.
Tin tức - Chùa Bồ Đề nhận nuôi trẻ: Đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo
Trẻ đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề- nơi liên quan đến nghi án mua bán trẻ em gây rúng động.
Theo quy định, việc cho - nhận con nuôi là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, đối với ngành lao động thương binh xã hội quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội, thì chỉ những cơ sở tôn giáo thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định mới được phép xem xét cho con nuôi. Đối với trường hợp chùa Bồ Đề, đây lại là một cơ sở không được phép cho - nhận con nuôi.
Sau khi vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị phanh phui, Cục Bảo trợ Xã hội đã yêu cầu chùa Bồ Đề tạm dừng tiếp nhận những em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi. Trước sự việc này, nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi: “Nếu như chùa Bồ Đề không được phép tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ coi nữa, thì những em bé này sẽ đi về đâu?”.
Trả lời câu hỏi trên, một lãnh đạo của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định: “Không có chùa Bồ Đề, thì những trẻ em bị bỏ rơi sẽ được nhà nước nuôi và chăm sóc, bởi những trẻ em này đều thuộc đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các cơ sở từ thiện, các ngôi chùa được cấp giấy phép về việc tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi, chứ đâu chỉ có riêng chùa Bồ Đề. Bởi vậy, tôi nghĩ, đặt ra câu hỏi như trên là không hiểu chính sách của Nhà nước”.
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định, việc yêu cầu dừng tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề là hoàn toàn hợp lý, bởi chùa Bồ Đề đang là cơ sở hoạt động không có giấy phép.
Trước đây, thành phố Hà Nội cũng đã rất nhiều lần nhắc nhở, hướng dẫn nhà chùa về việc làm các thủ tục xin cấp phép nhưng nhà chùa vẫn không thực hiện.
Các cơ quan quản lý, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã nhiều lần cảnh báo nhà chùa về việc quá tải khi tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi, khiến các cháu không được chăm sóc chu đáo khi ốm đau, hoặc có những khi, có trẻ bị bệnh nặng quá mới được nhà chùa cho đi viện… Các cơ quan chức năng đã yêu cầu chùa Bồ Đề chuyển bớt trẻ sang các Trung tâm Bảo trợ Xã hội để các bé được chăm sóc tốt hơn nhưng nhà chùa lại không đồng ý.
“Dù nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo nhà chùa, nhưng vì đây là một cơ sở tôn giáo nên thành phố đã không mạnh tay xử lý. Có lẽ chính vì lẽ này, mà hiện nay, nhiều cơ sở tôn giáo đang cho mình cái quyền “đứng ngoài Nhà nước” – lãnh đạo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nhận định.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho hay, đến thời điểm hiện tại, sau khi những sai phạm tại chùa Bồ Đề bị phát giác thì cơ quan điều tra đã vào cuộc. Bởi vậy mà ai làm sai chắc chắn cũng sẽ bị xử lý, người nào làm sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó.
“Sau khi sự việc này qua đi, nếu như chùa Bồ Đề còn muốn tiếp nhận các trường hợp trẻ bị bỏ rơi, thì hoàn toàn có thể làm các thủ tục để xin cấp giấy phép. Và đương nhiên, khi được cấp giấy phép hoạt động, thì chùa Bồ Đề phải chịu sự quản lý, kiểm tra và giám sát của các cơ quan Nhà nước” – lãnh đạo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nhấn mạnh.
Như tin tức báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, chiều 4/8, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an Hà Nội cho biết đã chính thức khởi tố vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề.

Trung tá Nguyễn Cao Khải, Phó đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an Hà Nội cho biết, ngày 1/8 PC45 nhận được đơn của gia đình cháu Cù Nguyên Công mất tích. Ngày 3/8, bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi mua bán trẻ em.

Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978) là người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, quê quán tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng triệu tập 3 nghi phạm khác để điều tra, trong đó có sư trụ trì Thích Đàm Lan.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định việc hai nghi phạm bị bắt đã thực hiện việc mua bán bé Cù Nguyên Công (trẻ sơ sinh được nuôi tại chùa Bồ Đề vào cuối năm 2013) với giá 35 triệu đồng.

Ngay sau khi bị bắt, Nguyễn Thị Thanh Trang đã khai nhận hành vi “mua bán trẻ em” được nuôi tại chùa Bồ Đề của mình.

Chiều 5/8, UBND quận Long Biên đã triệu tập cuộc họp bất thường, quyết định thành lập đoàn thanh tra gồm 5 tổ công tác để thanh tra toàn diện hoạt động nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề.

 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chua-bo-de-nhan-nuoi-tre-da-nhieu-lan-nhac-nho-canh-bao-a45301.html