+Aa-
    Zalo

    Ngà voi, sừng tê giác tiêu hủy hay tái sử dụng?

    ĐS&PL (ĐSPL) - Việt Nam hiện còn khoảng 100 cá thể voi trong tự nhiên và số lượng voi ở Việt Nam tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng do nạn săn bắn và mất môi trường sống.

    (ĐSPL) - Tại hội nghị bàn tròn đối phó với nạn buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, Thứ trưởng bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Bộ đang cân nhắc việc tiêu hủy kho sừng tê giác, ngà voi và xương hổ bị thu giữ của Việt Nam.

    Trao đổi riêng với PV báo Đời sống và Pháp luật, lãnh đạo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) cho biết: Hiện nay cơ quan quản lý tại Việt Nam đang lưu giữ trên 27 tấn ngà voi và hàng trăm kg sừng tê giác, tang vật của các vụ mua bán, vận chuyển trái phép. Xét về mặt tài nguyên, đây là số tài sản lớn, tuy nhiên cần phải tiêu hủy toàn bộ để nêu cao quyết tâm ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. 

    Ngà voi, sừng tê giác tiêu hủy hay tái sử dụng?
    Tang vật 2,4 tấn ngà voi của vụ án “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” mới được đưa ra xét xử tại TP. HCM.

    Lộ diện nhiều mắt xích trong đường dây buôn bán động vật hoang dã

    Mới đây, bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị bàn tròn nhằm tăng cường khả năng phối hợp các sáng kiến về chính sách và biện pháp can thiệp của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và các nhà tài trợ, từ đó tạo điều kiện để các bên thảo luận về thách thức cũng như các hành động cần ưu tiên để Việt Nam đối phó với nạn buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia.

    Hội nghị có sự tham gia của đại diện đến từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Mozambique, đại diện cho Chính phủ Đức, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các cơ quan Trung ương chủ chốt của Việt Nam như viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lực lượng công an và hải quan.

    Tại hội nghị, tiến sỹ Susan Liebermen, Giám đốc điều hành Chính sách bảo tồn của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã WCS hoan nghênh sáng kiến này của Chính phủ Việt Nam. Còn Cites (cơ quan đại diện Chính phủ thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp) cho rằng nguyên nhân của sự gia tăng các hoạt động vận chuyển, mua bán sừng tê giác chủ yếu là do ở Việt Nam và một số nước châu Á quan niệm sừng tê giác có khả năng chữa bách bệnh. Trong đó, các thành phố lớn như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội thường trở thành địa điểm “nóng” về tệ nạn buôn bán sừng tê giác.

    Trong năm 2013, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ, khởi tố nhiều vụ vận chuyển, buôn bán sừng tê giác, ngà voi với số lượng lớn. Cụ thể, ngày 31/1/2013, khi bộ Công an phối hợp với Trung tâm An ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất kiểm tra 7 kiện hành lý ký gửi của ba hành khách đi chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Hà Nội, phát hiện nhiều vòng đeo tay, đũa làm từ ngà voi với trọng lượng 95,2kg. Tiếp đó, ngày 1/4/2013, khi làm thủ tục nhập cảnh cho một hành khách tên Nguyễn Thế Mạnh Vinh, cơ quan chức năng cũng phát hiện 238 vòng đeo tay và 200 chiếc đũa được làm từ ngà voi. 

    Bảo quản khó, tái chế cũng không xong

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Phạm Văn Lực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bảo tàng Thiên nhiên VN cho biết: Hiện nay bảo tàng đang lưu giữ số lượng lớn ngà voi, sừng tê giác, vảy đồi mồi và nhiều bộ phận của động vật quý hiếm. Chúng tôi chỉ trưng bày một số lượng nhỏ còn tất cả phải cho vào kho bảo quản lưu giữ cẩn thận.

    “Đây là số tài sản có giá trị lớn, chúng tôi đã tính đến phương án xin chế tác vảy đồi mồi, ngà voi làm thành những kỷ vật, tuy nhiên, như vậy sẽ vi phạm công ước quốc tế và quy định của Việt Nam về chống nạn buôn bán động vật hoang dã. Chúng tôi đã bàn về vấn đề này rất nhiều, bởi với số lượng lớn như hàng trăm kg sừng tê giác và hàng nghìn kg ngà voi không phải tiêu hủy một cái là xong. Tuy nhiên, với đề xuất của bộ NN&PTNT vừa qua, chúng tôi cũng rất mong được tham gia một cuộc họp để bàn và đưa ra phương án cuối cùng về việc này”, PGS. Lực nhấn mạnh.

    Ủng hộ việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác, bà Nguyễn Phương Dung – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiêu hủy ngà voi của các nước vì đây là thông điệp vô cùng mạnh mẽ tới các đối tượng buôn bán ngà voi bất hợp pháp trên toàn thế giới. Nếu các quốc gia không tiêu hủy ngà voi mà lại đem bán đấu giá thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng vì việc “hợp pháp hóa” và “thương mại hóa” ngà voi trên thị trường sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phân biệt giữa ngà voi hợp pháp và bất hợp pháp”.

    Việt Nam hiện còn khoảng 100 cá thể voi trong tự nhiên và số lượng voi ở Việt Nam tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng do nạn săn bắn và mất môi trường sống. Nếu vấn đề săn bắn và buôn bán ngà voi vẫn tiếp diễn như hiện nay thì quần thể voi trong tự nhiên sẽ sớm bị tuyệt chủng.

    Cùng trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam cho biết, ông đặc biệt quan tâm về vấn đề tiêu hủy hay bán ngà voi, sừng tê giác. Bởi thực tế việc tiêu hủy ngà voi là lãng phí trong khi nó sẽ thực sự có ích khi đem lại nguồn tài chính phục vụ cho công tác bảo tồn.

    “Quan điểm của hội động vật Việt Nam là ủng hộ đề xuất của bộ NN&PTNT. Thế giới đã tiêu hủy các lô hàng bất hợp pháp như ma túy, hàng giả để xóa bỏ đầu ra cho các thị trường tiêu thụ. Cần tiêu hủy hàng hóa bất hợp pháp hoặc sử dụng không vì mục đích thương mại cần phải được tất cả các nước trên thế giới thực thi sau khi hoàn thiện việc giám định và điều tra tội phạm”, GS. Đặng Huy Hùng cho biết.

    Theo số liệu thống kê, buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã trên thế giới ước tính đạt 19 tỷ USD mỗi năm, cao hơn cả buôn bán bất hợp pháp vũ khí thô sơ, kim cương, vàng và dầu thô.

    Trong một diễn biến có liên quan, vào giữa tháng 2/2014, Hoàng gia Anh đã phát đi một video kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã trên toàn cầu, kết thúc với lời kêu gọi: “Chúng ta hãy đoàn kết vì động vật hoang dã” bằng năm thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Mới đây, các nước châu Phi cũng có một thông báo kêu gọi tất cả các nước ở châu Phi cùng nhau tiêu hủy ngà voi sau khi bắt giữ được từ các đối tượng săn lậu và buôn lậu.

    Lạm dụng sừng tê giác có thể bị liệt dương

    Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, hiện có nhiều nghiên cứu nhưng chưa tìm ra được tác dụng chữa hay phòng ngừa bệnh ung thư của sừng tê giác. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp dùng sừng tê giác để chữa ung thư nhưng bệnh nhân vẫn tử vong nhanh chóng. Những lời đồn đại về sừng tê giác như chữa ung thư, giải rượu… đều mới xuất hiện trong vòng 10 năm nay và chỉ có ở Việt Nam.

    Theo lương y Trần Văn Quảng, sừng tê giác mang tính hàn, nam giới thuộc nhiệt tính (tính nóng), khi uống rượu ngâm sừng tê giác, nóng lạnh xung khắc nhau nên có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, việc lạm dụng sừng tê giác cũng có thể gây mất năng lượng tự nhiên, dẫn đến liệt dương.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nga-voi-sung-te-giac-tieu-huy-hay-tai-su-dung-a27344.html
    Nhức nhối nạn săn bắt động vật hoang dã ở U Minh Thượng

    Nhức nhối nạn săn bắt động vật hoang dã ở U Minh Thượng

    Dù các lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát, nhưng tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) vẫn xảy ra. Điều này không chỉ khiến các loài động vật quý hiếm ngày càng ít đi mà nguy cơ cháy rừng vẫn âm ỉ, nhất là vào thời điểm mùa khô như hiện nay.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nhức nhối nạn săn bắt động vật hoang dã ở U Minh Thượng

    Nhức nhối nạn săn bắt động vật hoang dã ở U Minh Thượng

    Dù các lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát, nhưng tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật hoang dã ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) vẫn xảy ra. Điều này không chỉ khiến các loài động vật quý hiếm ngày càng ít đi mà nguy cơ cháy rừng vẫn âm ỉ, nhất là vào thời điểm mùa khô như hiện nay.

    Bắt giữ vụ vận chuyển 16 bộ xương động vật hoang dã

    Bắt giữ vụ vận chuyển 16 bộ xương động vật hoang dã

    (ĐS&PL) - Vừa qua, trên QL1A đoạn qua địa bàn xã Cẩm Trung, đội Cảnh sát Kinh tế Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã phát hiện và bắt giữ một vụ vận chuyển 16 bộ xương động vật đã sấy khô nghi là khỉ đít đỏ và 40 cây thuốc lá ngoại nhập lậu.