Nghịch cảnh quanh “dinh thự tiền tỉ” của ông Trần Văn Truyền


Thứ 4, 26/11/2014 | 11:32


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Người ta càng ngỡ ngàng hơn khi bên cạnh căn "dinh thự" được mệnh danh là "hoa hậu" xứ Dừa của ông Truyền lại tồn tại căn nhà lụp xụp, rách nát của một người dân nghèo.

(ĐSPL) - Ngay khi những thông tin thu hồi nhà đất của ông Trần Văn Truyền được ủy ban Kiểm tra Trung ương phản ánh công khai, dư luận không khỏi hoài nghi về tư cách của nguyên cán bộ cấp cao này.

Bức xúc trước những sai phạm của ông Truyền, nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao vụ việc sau nhiều năm mới được đưa ra ánh sáng? Người ta càng ngỡ ngàng hơn khi bên cạnh căn "dinh thự" được mệnh danh là "hoa hậu" xứ Dừa của ông Truyền lại tồn tại căn nhà lụp xụp, rách nát của một người dân nghèo.

Tâm sự của chủ nhân ngôi nhà rách nát cạnh biệt thự bạc tỉ

Những ngày qua, dư luận cả nước, đặc biệt là người dân tại tỉnh Bến Tre không khỏi ngỡ ngàng về những căn biệt thự tiền tỉ của ông Trần Văn Truyền, nguyên là ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo thông cáo báo chí ngày 21/11 của ủy ban Kiểm tra Trung ương: "Trong giai đoạn đương chức và nghỉ hưu, ông Truyền có một số khuyết điểm vi phạm thực hiện chính sách nhà đất". Ngay khi những sai phạm của ông Truyền được phản ánh, không ít người đặt ra câu hỏi về tư cách, đạo đức của một người cán bộ như ông Truyền.

Tin tức - Nghịch cảnh quanh “dinh thự tiền tỉ” của ông Trần Văn Truyền

Căn "dinh thự" của ông Truyền được mệnh danh là "hoa hậu" xứ Dừa (ảnh Thanh Lâm).

Để làm rõ thêm thông tin, ngày 24/11, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc tìm hiểu thực tế tại căn "dinh thự" (tọa lạc tại ấp 3, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre), nơi ông Truyền thường xuyên lui tới. Tại đây, khi PV chỉ vừa cất tiếng hỏi thăm đường vào nhà ông Truyền thì hàng chục người dân lắc đầu và nói: "Vào nhà ông Truyền ấy hả, gian nan lắm".

Chưa hết băn khoăn về những câu nói nửa thật nửa đùa nói trên, PV lại tiếp tục ngỡ ngàng khi đặt chân đến trước cửa "dinh thự" của ông Truyền. Không ít người tỏ ra bức xúc và đặt ra câu hỏi vì sao ngay bên cạnh căn biệt thự tiền tỉ, bề thế của ông Truyền lại tồn tại một căn nhà lá lụp xụp, rách nát của một người dân nghèo. Hình ảnh này đã gây phản cảm và bức xúc nhiều năm nay.

Tin tức - Nghịch cảnh quanh “dinh thự tiền tỉ” của ông Trần Văn Truyền (Hình 2).

Căn nhà lụp xụp, rách nát của một người dân nghèo ngay bên cạnh "dinh thự" của ông Truyền.

Trao đổi với PV, bà Huỳnh Thị D. (SN 1964, hiện cư ngụ tại căn nhà lá rách nát và cũng là hàng xóm của ông Truyền) cho hay: "Tôi vô cùng ngạc nhiên bởi từ trước giờ không hề biết ông Truyền là cán bộ cấp cao như thế. Và càng không dám tin ông Truyền lại có khối tài sản khổng lồ đến thế. Bấy lâu nay, tôi chỉ nghĩ rằng ông ấy là một đại gia nào đó về đây sinh sống. Cho đến khi nghe thông tin báo đài phản ánh thì người dân địa phương mới bàng hoàng về vị cán bộ cấp cao này. Tôi sống ở đây hơn một năm nay nhưng chỉ gặp vợ chồng ông ấy duy nhất một lần. Thậm chí, nhiều người còn không biết được ông ấy là ai, ở đâu đến và tên tuổi là gì".

Theo sự quan sát hàng giờ của PV tại căn "dinh thự", hàng trăm người dân đi lại qua đây đều ngó nhìn căn biệt thự của ông Truyền với vẻ tò mò, khó chịu. Một số người bán hàng rong quanh khu vực căn biệt thự này cho hay: "Nơi đây toàn là dân nghèo. Vậy mà, một cán bộ cấp cao như ông Truyền lại xây dựng một căn nhà lộng lẫy, bề thế. Trong khi, một người dân nghèo như chúng tôi thì có lao động vất vả cả đời cũng không mua nổi một cánh cửa trong căn nhà của ông ấy".

Nhiều người dân ngụ tại xã Sơn Đông bất ngờ chia sẻ: "Nhà ông Truyền được lắp đặt tổng cộng 170 cánh cửa gỗ. Thợ điêu khắc được thuê từ Đà Nẵng vào để trang trí nội thất "dinh thự". Đa phần, việc trang trí đều được làm bằng tay".

Video tham khảo: 

Thu hồi quyết định công nhận sử dụng đất của ông Trần Văn Truyền

Làm ngược lại với sự mong mỏi của người dân?

Khác với sự ngỡ ngàng của một người dân nói trên, anh T.N. (ngụ tại xã Sơn Đông) chia sẻ: "Nhiều năm nay, chúng tôi rất tự hào bởi có một cán bộ cấp cao sống tại địa phương xứ Dừa. Bởi mọi người nghĩ rằng, ở đâu có cán bộ cấp cao thì cuộc sống người dân ở đó sẽ ngày càng khấm khá hơn. Tuy nhiên, ông Truyền đã làm những điều ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước, cũng như sự mong mỏi của người dân".

Nói về căn "dinh thự" tại xã Sơn Đông của ông Truyền, anh N.V.H. (ngụ xã Sơn Đông) bất ngờ cho biết: "Điều khiến không ít người thắc mắc là với đồng lương cán bộ nhà nước thì làm cách nào ông Truyền có thể xây dựng được một căn biệt thư nguy nga như thế. Không những thế, người ta còn đặt ra câu hỏi tại sao hàng loạt sai phạm của ông Truyền đến bây giờ mới được phanh phui. Và liệu, nếu không có "sức mạnh" thì ông Truyền có thể làm được những điều đó hay không? Từ đó, người dân rất mong Đảng và Nhà nước tiếp tục làm việc kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa để thanh lọc bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch hơn".

Cũng tại tỉnh Bến Tre, ông Truyền còn có một căn nhà tại số 6 Lê Quý Đôn (phường 1, TP. Bến Tre) có diện tích gồm: nhà chính 118,22m2; nhà phụ 24,48m2; khuôn viên đất 117,69m2. Tại TP.HCM, ông Truyền còn sở hữu hai căn nhà khiến dư luận không khỏi xôn xao. Căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển (phường 15, quận Phú Nhuận) được ông Truyền làm đơn mua của UBND TP.HCM vào năm 2011, thực chất không được ông thường xuyên sử dụng.

Đối với căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu (phường Long Phước, quận 9, TP.HCM) lại là một mối quan hệ khác của ông Truyền. Theo đó, bà Trần Thị L. (SN 1930) là chủ sở hữu của khu đất có căn nhà trên và cũng là mẹ đỡ đầu của ông Truyền. Thời điểm trước khi mất, bà L. có làm di chúc cho người con gái là bà Phạm Thị Kim A. (SN 1967) sở hữu khu đất trên. Vốn là người giàu có, năm 2008, bà A. đã mở di chúc và chia lại tài sản cho một số anh em, con cháu trong đó có người con nuôi là ông Truyền. Căn nhà này có diện tích 211,8m2 và được xây cất ba tầng hoành tráng.

Trước hàng loạt thông tin gây bức xúc nói trên, PV đã cố gắng liên hệ trực tiếp với ông Truyền tại nhà riêng để xác thực những thông tin mà người dân phản ánh. Thế nhưng, sau nhiều giờ bấm chuông cửa căn "dinh thự" của ông Truyền tại xã Sơn Đông, PV đành thất vọng ra về bởi không một ai mở cửa. Tại đây, PV tiếp tục di chuyển đến UBND xã Sơn Đông để liên hệ công tác. Tuy nhiên, PV không gặp được ông Nguyễn Văn Bé Chính, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông. Trò chuyện qua điện thoại, ông Chính cho biết: "Chúng tôi sẽ trao đổi sự việc với báo chí sau, hiện tôi đang đi công tác".

Chiều 24/11, PV liên hệ với UBND TP.HCM, Thành ủy TP.HCM làm rõ các thông tin liên quan đến nhà đất của ông Trần Văn Truyền tại TP.HCM. Đại diện UBND TP.HCM cho biết: "UBND TP.HCM sẽ kiên quyết thực hiện kết luận của cấp trên về việc thu hồi nhà đất của ông Truyền tại TP.HCM. Đồng thời, UBND TP.HCM xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan".

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre: "Trong vài ngày tới sẽ có kết luận sau cùng về vụ việc"

Trao đổi với PV về vụ việc của ông Truyền, ông Huỳnh Văn Cuộn, Chánh văn phòng cơ quan UBKT Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre cho hay: "Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được kết luận cuối cùng của UBKT Trung ương. Nhưng trước đó, Tỉnh ủy đã cử đồng chí Nguyễn Tấn Đạt, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phối hợp với ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia làm rõ những sai phạm mà dư luận xôn xao". Ngay sau đó, PV tiếp tục có cuộc trò chuyện ngắn ngủi qua điện thoại với ông Đạt. ông Đạt cho hay: "Trong vài ngày tới sẽ có kết luận sau cùng về vụ việc. Khi đó, chúng tôi mới có cơ sở thông tin với báo chí".

Ông Đoàn Công Dũng- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre: "Việc làm này rất phù hợp với lòng dân"

Cùng ngày, PV đã liên hệ với ông Đoàn Công Dũng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bến Tre để nắm thêm thông tin về việc thu hồi nhà đất của ông Truyền. ông Dũng cho biết: "Vào ngày 19/11, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi thửa đất số 43 (bản đồ số 31, tọa lạc tại 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP. Bến Tre). Lý do thu hồi là quyết định quyền sử dụng đất không đúng theo quy định pháp luật. Trong vụ việc này, tôi cho rằng Đảng và Nhà nước đã rất minh bạch, hết sức công khai trong việc chỉ ra những sai phạm của cán bộ. Việc làm này rất phù hợp với lòng dân, một lần nữa lấy lại niềm tin cho người dân về sự trong sạch của Đảng, Nhà nước".

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghich-canh-quanh-dinh-thu-tien-ti-cua-ong-tran-van-truyen-a71074.html