Quản lý Nhà nước về đầu tư: Góc nhìn từ dự án Gang thép Thái Nguyên?


Thứ 3, 26/03/2019 | 05:55


QL Nhà nước về đầu tư, sản xuất luôn là lĩnh vực phức tạp, khó khăn, tuy nhiên sự khó khăn không chỉ ở vấn đề trình độ mà còn từ rất nhiều lý do khác.

Quản lý Nhà nước về đầu tư, sản xuất luôn là lĩnh vực phức tạp, khó khăn, tuy nhiên sự khó khăn không chỉ ở vấn đề trình độ mà còn từ rất nhiều lý do khác như quy trình, sự phối hợp liên ngành hay hiểu thế nào cho đúng và thống nhất tinh thần chỉ đạo của cấp trên tại một thời điểm, phù hợp với bối cảnh cụ thể...v.v...Vụ việc tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) mới đây có thể coi là câu chuyện điển hình.

Tiến độ tái cơ cấu dự án gang thép Thái Nguyên đang bị chậm so với tiến độ chung đặt ra cho dự án này và cả trong tổng thể 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương.

Từ điều chỉnh vốn hợp phần dự án

Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên (GT Thái Nguyên 2) được khởi động từ năm 2005 với tổng mức đầu tư (TMĐT) ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được chia thành 2 gói thầu, trong đó gói thầu chính là EPC dây chuyền công nghệ luyện kim có giá trị 160,9 triệu USD. Sau khi đấu thầu quốc tế, Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu. Đây là hợp đồng thực hiện theo phương thức EPC (E là tư vấn thiết kế, P là thiết bị và C là xây lắp). Hợp đồng có hiệu lực từ tháng 9/2007, thời gian thực hiện là 30 tháng.

Sau khi ký hợp đồng thì tình hình kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng, điều này khiến giá cả vật liệu đầu vào tăng vọt, cộng với việc biến động tỷ giá quá lớn nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần C (phần xây lắp) để cho bên Việt Nam đảm nhiệm. Song song với đó, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) cũng đề xuất điều chỉnh chi phí hợp phần này thêm 15,57 triệu USD.

Căn cứ vào quy định hiện hành cũng như chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh chi phí khi giá đầu vào biến động, đề xuất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc điều chỉnh chi phí, Văn phòng Chính phủ (VPCP) sau khi tham vấn ý kiến một số cơ quan liên quan đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực “đồng ý về nguyên tắc” để Tisco được tăng chi phí đầu tư phần xây lắp theo đúng các quy định của pháp luật.

Đánh giá về việc này, kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng: “TISCO, VNS, Bộ Công Thương đề nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án và các bộ đều có ý kiến thống nhất tăng chi phí Phần C, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5457/VPCP-KTN ngày 10/8/2009 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh tăng chi phí Phần C 15,57 triệu USD từ nguồn dự phòng của toàn bộ Dự án, không làm tăng tổng mức đầu tư nhưng không đúng Hợp đồng EPC…”.

Văn bản trên của VPCP cho thấy sự thận trọng khi tham vấn các Bộ ngành chức năng để có những đề xuất đúng các quy định của pháp luật. Việc đồng ý cho điều chỉnh chi phí trong trường hợp cụ thể nêu trên là sự đồng ý về mặt chủ trương nguyên tắc còn về quy trình, nội dung, biện pháp, lộ trình và các bước thực hiện cụ thể phải do các cơ quan có liên quan triển khai theo đúng thẩm quyền trách nhiệm và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Mặt khác, văn bản của VPCP cũng đã ghi rất rõ ràng là đồng ý với đề nghị của VNS chứ không có nội dung ghi rõ về mặt định lượng. Vậy sự khác biệt này nên được hiểu thế nào để có sự thống nhất giữa chủ trương nguyên tắc chỉ đạo và kết quả cụ thể triển khai?

Đến tăng tổng mức đầu tư

Năm 2012, trên cơ sở đề xuất của VNS, Bộ Công thương đề nghị tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) lên 8.100 tỷ đồng, tức là hơn 4.200 tỷ đồng so với TMĐT ban đầu. Sau khi tham khảo các yếu tố khách quan như chi phí đầu vào biến động cùng các yếu tố khác tác động đến TMĐT, dựa trên báo cáo của các bộ chức năng như Xây dựng, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính…VPCP ban hành văn bản có nội dung nói rõ “HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh TMĐT dự án theo quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả”.

Nhận xét về việc này, TTCP cho rằng: “Trong khi các bộ, ngành có ý kiến việc điều chỉnh TMĐT là thiếu căn cứ nhưng Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 3136/VPCP-KTN ngày 22/4/2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ “HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm việc điều chỉnh TMĐT Dự án theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả. Nếu vượt hạn mức, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định…” dẫn đến TISCO cho rằng TMĐT điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận”.

Đây là một nhận định rất cần được làm rõ, vì ý kiến các Bộ ngành cũng khá toàn diện, Bộ Tài chính nêu rõ: “Đề nghị Bộ Công Thương xem xét, thẩm định lại sự cần thiết, lý do điều chỉnh TMĐT, khả năng thu xếp nguồn vốn, hiệu quả và khả năng trả nợ của Dự án..; Trong trường hợp Dự án được điều chỉnh TMĐT mới, giao Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả của Dự án”.

Cũng vậy, với nhận định rằng văn bản này “…dẫn đến Tisco cho rằng TMĐT điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận” cũng cần được phân tích thấu đáo hơn khi nhiều ý kiến cho rằng nội dung công văn đã được thể hiện rất rõ ràng nội dung: “HĐQT VNS quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh TMĐT dự án theo quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả”.

Từ 2 khía cạnh trên của 1 dự án cho thấy những khó khăn, hay nói đúng hơn là những vấn đề cần làm rõ từ sự khác biệt quan điểm. Cùng 1 sự việc nhưng xác định ranh giới sai đúng ở đâu, quan điểm nào có cơ sở, có đủ sức thuyết phục cả về luật pháp lẫn thực tiễn không phải là việc không thể nếu đánh giá kỹ lưỡng từng nội dung trong bối cảnh cụ thể.

Trên thực tế những khúc mắc nêu trên không phải hiếm gặp, tuy nhiên việc xử lý sao cho đảm bảo đúng với tình hình thực tiễn, thời điểm, bối cảnh cụ thể và sự thượng tôn pháp luật là vấn đề rất cần thiết. Bởi có như vậy thì công tác quản lý Nhà nước về đầu tư nói chung mới có tiền lệ tốt, và những lo ngại vô hình của đội ngũ những người làm trực tiếp mới được giải tỏa./.

Quyết Tuấn/Khỏe 365

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-ly-nha-nuoc-ve-dau-tu-goc-nhin-tu-du-an-gang-thep-thai-nguyen-a268203.html