Chất cấm vừa phát hiện trong Trà thảo mộc Vy &Tea độc hại như thế nào?


Thứ 3, 05/03/2019 | 09:04


Trà thảo mộc Vy &Tea của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy vừa bị cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện có chứa chất cấm Sibutramin

Như chúng tôi đã thông tin, Trà thảo mộc Vy &Tea của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy vừa bị cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphthaleine. 

Chất cấm có trong trà thảo mộc Vy & Tea có thể gây tử vong?

Mặc dù được quảng cáo bằng những lời "có cánh" của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy và các đại lý của công ty này trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang website (http://tragiamcanvytea.com).

Theo đó, những sản phẩm mang thương hiệu Vy&Tea được quảng cáo có các tính năng vượt trội, nguồn gốc từ thiên nhiên và an toàn hơn các loại sản phẩm khác trên thị trường. Đặc biệt, đoạn quảng cáo còn khẳng định: "Với thành phần "lành tính" từ thiên nhiên, trà Vy & Tea hoàn toàn không có tác dụng phụ, ngược lại còn mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho sức khỏe và làm đẹp cho người sử dụng".

Sản phẩm cũng được Cục An toàn thực phẩm và nhiều cơ quan chuyên môn cấp đầy đủ các giấy tờ chứng minh chất lượng, tuy nhiên sản phẩm này khi xuất khẩu vào Hàn Quốc đã bị cơ quan chức năng của nước này phát hiện có chất Sibutramine và Phenolphthaleine bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Đây là hai loại chất cấm vì nó nguy hiểm đến tính mạng con người.

Các tài liệu y khoa trong và ngoài nước cho thấy, Sibutramine là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, được sử dụng từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên ngay sau đó, ở Ý xuất hiện 2 ca tử vong do tim mạch có liên quan tới sibutramine và chất này bị cấm bán từ năm 2002. Tại Pháp, thuốc bị cấm bán từ năm 2007. Tại Singapore thuốc cấm lưu hành từ tháng 10/2010.

Tiếp đó, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (AMEA), cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới đã liệt kê Sibutramine là chất cấm. Các cơ quan đưa ra khuyến cáo làm tăng nguy cơ tim mạch đối với các thuốc chứa hoạt chất này.

Sibutramine là một hoạt chất ức chế có tác động đến hệ thần kinh trung ương. Sibutramine làm tăng lượng sérotonine và noradrénaline trong não, ức chế trung khu điều khiển cảm giác thèm ăn ở vùng đồi dưới của não. Từ đó, tạo cho người dùng cảm giác no và không thèm ăn. Ngoài ra, sibutramine còn có khả năng tác động lên các mô mỡ làm tăng phân hủy mỡ và do đó làm tăng mức tiêu hao năng lượng.

Tác hại lớn nhất mà sibutramine gây ra là ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Chất này có thể làm tăng nhịp tim hoặc tăng huyết áp. Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu, Mỹ và một số nước khuyến cáo về khả năng làm tăng nguy cơ tim mạch. Sibutramine đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch và cao huyết áp.

Ở Việt Nam, chất Sibutramine đã bị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cấm sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14/4/2011 do có tác dụng không mong muốn. Sibutramine làm tăng đáng kể huyết áp hoặc nhịp tim ở một số bệnh nhân và có thể gây nguy cơ đáng kể cho bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể gây tương tác bất lợi cho cơ thể, có thể đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, Sibutramine còn có nguy cơ gây tử vong. Các tác dụng không mong muốn của Sibutramine đã được viết lại thành một danh sách dài trên trang web của chính phủ Mỹ NIH và AFSSAPS Pháp. Sản phẩm chứa chất này có thể gây hại cho người tiêu dùng vì có thể gây nên nguy cơ tăng huyết áp, tăng nhịp tim cho người bình thường và nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà người dùng đang sử dụng, có thể dẫn đến nguy hiểm chết người.

Chất cấm vừa được phát hiện trong Trà thảo mộc Vy & Tea tại Hàn Quốc

Còn chất cấm Phenolphthalein là một hóa chất thường được sử dụng trong việc đo độ kiềm/axit (pH) của dung dịch dựa vào khả năng đổi màu của nó. Chất này đã từng được sử dụng trong điều trị táo bón nhưng do các nghiên cứu cho thấy nó có khả năng là chất gây ung thư (carcinogen). Vì vậy, chúng đã được hạn chế và FDA cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này mà bán không cần toa bác sĩ từ năm 1999. Theo thông tin từ FDA, hiện nay Phenolphthalein không có trong thành phần hoạt tính của bất cứ thuốc nào đang được sử dụng ở Mỹ.

Người tiêu dùng hoang mang, doanh nghiệp chưa nhận lỗi

Sau khi nhận được thông tin Trà thảo mộc Vy&Tea của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy vừa bị phát hiện có chất cấm Sibutramine và Phenolphthaleine, ông Trương Việt Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thương mại Hà Vy giải thích trên báo chí rằng sản phẩm trà thảo mộc Vy&Tea mà phía ĐSQ Hàn Quốc phản ánh là sản phẩm nhái, không phải sản phẩm của Công ty Hà Vy.

Vị đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thương mại Hà Vy cho biết, việc Trà thảo mộc Vy & Tea bị làm giả, làm nhái đã từng xảy ra nhiều lần ở thị trường trong nước và công ty đã xúc tiến hợp tác với các công ty luật và cơ quan chức năng để xử lý, chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sản phẩm trà thảo mộc Vy & Tea bị làm giả và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của công ty, cũng như chiến lược mở rộng, phát triển thị trường.

Những thông tin trên làm người tiêu dùng càng hoang mang lo lắng về việc họ đã tin dùng sản phẩm này trong một thời gian dài nên không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Một sản phẩm thực phẩm mà dễ dàng "bị làm nhái" làm giả như chia sẻ của ông Trương Việt Anh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thương mại Hà Vy thì người tiêu dùng càng dễ gặp rủi ro. Dư luận băn khoăn và hoài nghi về các sản phẩm khác của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy như: Trà Thảo mộc tăng cân Vy Tea, Gel gừng quế Vy & Body, Sắc Mộc Nương...

Một luồng thông tin khác từ dư luận lại cho rằng, những chia sẻ trên của vị đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thương mại Hà Vy là chưa trung thực có biểu hiện né trách trách nhiệm chăng?

Vì Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế không thể không dựa vào kết quả kiểm tra thực tế đối với sản phẩm này mà lại ra các văn bản cảnh báo và thu hồi đối. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 92/QĐ-ATTP ngày 25/02/2019 tại Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy và căn cứ Biên bản kiểm tra số 02/BB-KT ngày 28/02/2019 của Đoàn kiểm tra, ngày 01/3/2019 Cục An toàn thực phẩm đã có Thông báo số 571/TB-ATTP và Quyết định số 102/QĐ-ATTP về tạm dừng lưu thông và thu hồi đối với lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà thảo mộc Vy & Tea (NSX 20/12/2018, HSD 20/12/2019) của tổ chức công bố, sản xuất sản phẩm là Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy.

Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã giao Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh và các Chi cục ATVSTP các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để giám sát về việc dừng lưu thông sản phẩm nêu trên trên địa bàn.

Chuyên trang Sức Khỏe - Báo điện tử Người Đưa Tin (khoe365.net.vn) sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nguyên Anh/ Khỏe 365

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chat-cam-vua-phat-hien-trong-tra-thao-moc-vy-tea-doc-hai-nhu-the-nao-a265315.html