Số phận viên phi công Đức trong hàng ngũ Việt Minh


Chủ nhật, 31/08/2014 | 03:13


Cùng sự kiện

Ông tên là SieGfried WenZel, sinh ngày 3/11/1920. Vốn là phi công lái máy bay trinh sát của Đức bị quân Pháp bắt làm tù binh, đẩy vào đội quân lê dương sang tham chiến.

Ông tên là SieGfried WenZel, sinh ngày 3/11/1920. Vốn là phi công lái máy bay trinh sát của Đức bị quân Pháp bắt làm tù binh, đẩy vào đội quân lê dương sang tham chiến tại chiến trường Việt Nam từ năm 1945. Là người có tư tưởng tiến bộ, sớm nhận ra cuộc chiến phi nghĩa, ông đã tìm cách liên lạc với Việt Minh và vận động được 5 binh sĩ chủ động bỏ hàng ngũ quân đội Pháp.

Năm 1947, ông đã kết hôm với bà Hoàng Thị Thành, dân tộc Tày quê ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) và đám cưới được tổ chức tại sân bay Sơn Tây. Từ đó, ông đã có một gia đình ở Việt Nam và gắn bó đất nước Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử quan trọng.

Một năm sau, họ sinh đứa con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Việt Hoa. Sau đó sinh ra một cậu con trai là Nguyễn Đức Hồng. Ông bảo Hoa Hồng là loài hoa mà ông yêu thích đều có ở nước Đức và Việt Nam.

Cũng trong năm 1947, ông WenZel được điều về Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng) trực tiếp tham gia sản xuất vũ khí. Bằng kiến thức và kinh nghiệm về kỹ thuật quân sự, ông đã chế tạo thành công đạn AT - một loại đạn chống tăng mà quân đội Việt Nam đang rất cần. Với thành tích đó, ông được gặp Bác Hồ. Bác tặng ông một bộ quần áo lụa, đặt tên Nguyễn Đức Việt với ý nghĩa xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia Việt - Đức. Bốn người bạn của ông cũng được đặt tên Việt Nam là: Dân, Chủ, Cộng, Hòa.

Tin tức - Số phận viên phi công Đức trong hàng ngũ Việt Minh
 Ông Nguyễn Đức Việt.

Đầu năm 1948, Đức Việt đã cùng ông Hà Đổng vào Thanh Chương (Nghệ An), tìm địa điểm xây dựng sân bay để đón máy bay từ Thái Lan chở linh kiện, máy móc thông tin do cán bộ của đài phát thanh mua từ bên đó chuyển về.

Ông Hà Đổng kể: Từ Việt Bắc đến miền tây Nghệ An chúng tôi phải đi bộ mất nửa tháng, tới nơi, khi làm xong sân bay thì chủ hàng bên Thái không cho thuê máy bay nữa, anh em tôi lại quay trở ra. Qua chuyến đi dài, tôi học được từ anh Đức Việt những kiến thức cơ bản về hàng không, từ yêu cầu của một sân bay đến các thiết bị cần có trên một máy bay.... lối dạy và học kiểu truyền khẩu giản đơn về thứ khoa học hiện đại.

Tháng 3/1949, khi Ban nghiên cứu không quân được thành lập, Đức Việt được giao chức trưởng ban huấn luyện phi công. Ngay lập tức ông tiến hành kiểm tra, xem xét hai máy bay Morane và Tiger Morth, là những máy bay của cưu hoàng Bảo Đại tặng lại Chính phủ, được tháo rời, chuyển từ Huế ra Gia Lâm đến Sơn Tây, Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Tin tức - Số phận viên phi công Đức trong hàng ngũ Việt Minh (Hình 2).
 

Do tháo rời, vận chuyển đường quá xa, để quá lâu nên một số thiết bị có phần hư hại, cần phải được lắp ráp, bảo dưỡng lại, ông Đức Việt cùng với ông Hà Đổng lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang) kết hợp với ông Lê Thạch Liên ở tiểu ban khí tượng và một số đồng chí ở tổ bảo dưỡng kiểm tra kỹ thuật để lắp ráp.

Sau đó, chính ông Đức Việt cùng một đồng chí ở tổ bảo dưỡng thực hiện chuyến bay thử. Máy bay cất cánh lên bầu trời Việt Bắc nhưng khi chuẩn bị hạ cánh thì gặp sự cố. Nguyễn Đức Việt đã chủ động tiếp đất lệch theo bờ sông Gâm, may mắn thoát chết trong gang tấc.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đã khen ngợi "Với chiếc máy bay cất trong kho bốn năm, điều kiện bảo quản không tốt, vậy mà ông Việt đã lắp ráp, phục chế và bay thử. Đó là hành động thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của một phi công".

Với vốn kiến thức được học cơ bản tại trường của quân đội Đức, lại có kinh nghiệm trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II, nên những bài giảng của ông về lý thuyết, kỹ thuật hàng không, tổ chức sân bay hết sức sinh động, dễ hiểu.

Không những giảng dạy, Nguyễn Đức Việt còn tham ra dịch và viết nhiều cuốn sách nhận diện máy bay ta và địch; kỹ thuật bắn máy bay bằng súng trường tập trung. Đó là những tài liệu quý, thật hữu ích cho quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày gian khó.

Kháng chiến chống Pháp thành công, năm 1955, Nguyễn Đức Việt hồi hương về nước Đức. Vì nhiều lý do bà Thành và hai người con không thể đi cùng.

Đầu năm 1968, vợ con ông vui mừng nhận được bức điện của Bộ Ngoại giao thông báo Đức Việt sẽ sang Việt Nam dự lễ khánh thành triển lãm quân đội. Hồi hộp trông chờ, nhưng ngày đó đã không đến.

Ngày 31/6/1968, ông đột ngột từ trần trong chuyến công tác tại Bỉ khi đang giữ chức Thanh tra đường bay quân sự của CHDC Đức. Nguyễn Đức Việt ra đi, trước chuyến đi trở lại với vợ con, trở lại nước Việt Nam mà ông đã có nhiều đóng góp.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phan-vien-phi-cong-duc-trong-hang-ngu-viet-minh-a48865.html