Thực hư chuyện "thần đá" phù hộ người phụ nữ nghèo trúng độc đắc


Thứ 3, 08/07/2014 | 12:04


(ĐSPL)- Nhiều người dân xôn xao bàn luận về hòn đá "thần" tại chùa Hiệp Thiên đã ban lộc cho một phụ nữ nghèo trúng số độc đắc và nhiều tiểu thương khác làm ăn thuận lợi.

(ĐSPL)- Nhiều người dân xôn xao bàn luận về hòn đá "thần" tại chùa Hiệp Thiên, tọa lạc trong khu phố cổ Gia Hội, TP Huế, đã ban lộc cho một phụ nữ nghèo trúng số độc đắc và nhiều tiểu thương khác làm ăn thuận lợi khi thành tâm thắp hương cầu khấn.
Câu chuyện
Ngôi chùa Hiệp Thiên cổ kính hướng ra bờ Sông Hương thơ mộng.
"Ngài đá thiên" hình Phật lớn lên mỗi ngày?
Trên chuyến xe khách đến Huế mới đây, chúng tôi được nghe nhiều người kháo nhau về chuyện vừa xuất hiện một vị "thần đá" án ngữ trong khuôn viên chùa Hiệp Thiên, tọa lạc ở số 203/1 Bờ Sông Hương, thuộc phường Phú Cát (TP. Huế). Vị "thần đá" này đã ban lộc cho một phụ nữ không may vỡ nợ, bị chủ nợ cùng với nhóm giang hồ đòi nợ thuê truy đuổi để khống chế thu hồi số tiền. Trong lúc hoảng loạn, người phụ nữ ấy đã được "thần đá" chỉ đường dẫn lối rẽ vào chùa để lánh nạn (?!).
Lúc đó, tại chùa vừa cúng lễ xong nên người phụ nữ này may mắn được rất nhiều phật tử tốt bụng cho tiền. Số tiền này chị ta dành để mua vé số rồi đến trước hòn đá cầu khấn liên tục: "Thần linh giúp con vượt qua cơn hoạn nạn và mong được thoát nghèo". Thật bất ngờ, sau những lời khấn nguyện, người phụ nữ đã may mắn trúng giải đặc biệt trị giá gần 300 triệu đồng. 
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, cụ Hồ Văn Diệp (79 tuổi), trú tại số nhà 203/4 Bờ Sông Hương cho biết: "Tôi về đây sinh sống từ năm 1963 và đã thấy hòn đá này. Nó được các bậc tiền bối đặt ngay tại am âm hồn của xóm, cách miếu Giáp Gia Thọ (có tuổi thọ trên 100 năm- PV), nay là chùa Hiệp Thiên, hướng ra bờ Sông Hương. Vào thời điểm đó, am chỉ rộng chưa đầy hai mét vuông và xung quanh toàn đất đá. Tuy nhiên, vào năm 1985, UBND TP. Huế ra chỉ thị giải tỏa hàng loạt am miếu trong đó có am âm hồn xóm Bờ Sông Hương. Lúc ấy, người dân chúng tôi nhận thấy hòn đá có hình thù giống tượng Phật đang ngồi thiền nên bà con trong xóm xuống rước "thần đá" lên đặt vào trước mặt ngôi chùa Hiệp Thiên để thờ phụng và cúng tế. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng đường thôn xóm, sợ "hòn đá thiên" bị lẫn uế tạp nên chúng tôi dịch chuyển hòn đá vào bên trái của ngôi chùa và thờ phụng một cách trang nghiêm, tiện cho bà con phật tử thắp hương nguyện cầu".
Theo quan sát của chúng tôi, hòn đá này có chiều cao 1m, bề rộng hơn 0,6m và màu xanh đen. Thoạt nhìn, bề ngoài của hòn đá có vẻ được hợp thành bởi hai hòn đá nhỏ kết dính vào nhau nhưng thực chất là một khối liên kết mang hình dáng đức Phật ngồi khoanh tròn hai bàn chân, bàn tay chắp lại niệm chú. Đặc biệt, điểm khác lạ ở trên thân đá là có nhiều vết đục đẽo như thể có ai đó tác động vào, nhưng mọi người nơi đây đều khẳng định "ngài đá" hoàn toàn là do thiên nhiên "ban tặng" cho người dân nơi đây.
Cũng theo cụ Diệp, từ hồi cụ mới về ở đây, nhìn thấy hòn đá rất nhỏ, tuy nhiên không có chuyện giống hình hài đứa trẻ sơ sinh như người dân đồn thổi, thêu dệt. Nhưng cụ thừa nhận, càng ngày khối đá ấy càng "lớn lên" (?!). Còn chuyện hòn đá phát ra âm vọng lớn khi chạm và gõ vào như bà con vẫn truyền tai nhau, cụ hoàn toàn chưa từng nghe thấy. Trước đây, cụ thường xuyên lau chùi, thay lư hương và "tắm" cho hòn đá, nhưng bây giờ nó đã an vị trong khuôn viên chùa nên những việc này đều được các chú tiểu làm.
 
Câu chuyện
Cụ Hồ Văn Diệp trao đổi với PV.
"Thần đá" phù hộ trúng độc đắc?
Nói về chuyện "thần đá" phù hộ trúng số độc đắc, anh Nguyễn Gia Lợi, người có nhà cạnh ngôi chùa Hiệp Thiên tâm sự: "Thực hư câu chuyện "thần đá" phù hộ người phụ nữ nghèo trúng số độc đắc tôi đã được nghe qua lời kể của sư thầy Đại đức Thích Đạo Nguyên (nay thầy đã định cư ở Mỹ- PV). Chuyện rằng, ba năm trước, một phụ nữ nghèo khổ do làm ăn thua lỗ đã đến chùa thắp hương rồi khấn vái, xin ngài "thần đá" phù hộ cho trúng số, để có tiền trả nợ và nuôi con ăn học. Sau đó không lâu, lời ước nguyện đã thành hiện thực khi bà ta trúng số độc đắc gần 300 triệu đồng".
Anh Lợi cho biết thêm, chỉ đến khi người phụ nữ kia quay lại chùa xin thầy Đại đức Thích Đạo Nguyên dâng lễ Phật và lễ tạ cho các ngài thì lúc đó nhà chùa mới biết chuyện. Kể từ đó, nhiều người dân và chị em tiểu thương ở chợ Đông Ba kéo nhau nườm nượp về chùa để thắp hương cầu xin những điều tốt lành. Và lạ thay, ai đến đây cầu khấn cũng ăn nên làm ra (?!). Thông tin lan truyền, nhiều người đi làm ăn buôn bán ở tận bên nước bạn Lào cũng tìm về chùa cầu nguyện, xin nhận làm "đệ tử" của "Ngài". Và từ đó "Ngài thần đá" được nhiều người dân làm ăn ở xa quan tâm, may áo để mặc cho ngài và áo được thay mới hàng năm.
Người dân Huế còn truyền nhau một thông tin khác về nguồn gốc hòn đá. Đó là vào một năm lũ lớn, khi nước dâng lên ngập cả vùng này thì bất ngờ xuất hiện bức tượng đá hình giống Phật trôi về địa phương. Sau cơn lũ ấy, hòn đá án ngữ tại đây mang dáng đức Phật đang ngồi thiền. Kể từ đó, "thần đá" được bà con dựng lên rất trang nghiêm để thắp hương tưởng nhớ và từ đó đến nay cũng đã gần 100 năm. Còn theo những người dân ở khu phố cổ Gia Hội, có một điều kỳ diệu là một cụ ông hằng đêm đều nằm mơ thấy hình ảnh Phật Di Lặc luôn mỉm cười và ngồi thiền trước ngôi nhà của mình với ánh hào quang rực sáng. Thấy lạ kỳ, khi tỉnh dậy, ông quyết tìm cho ra vị trí mà hằng đêm thấy "Phật ngồi" trong giấc mơ của mình và lạ thay nơi ấy lại chính là nơi hòn đá án ngự.
Ngoài những đồn thổi rằng, "thần đá" lớn lên từng ngày và xưa nay có ai đó chạm tay vào đá sẽ phát ra âm thanh vọng rất kỳ lạ, người dân Huế còn truyền tai nhau rằng, người lạ nào xuất hiện gần "thần đá" thì sau đó ít hôm sẽ ngã bệnh. Những đồn thổi ấy khiến người dân nơi đây tin vào sự linh thiêng của "thần đá" này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng ngày tại chùa Hiệp Thiên có rất đông khách xa gần tìm đến dâng hương, khấn cầu. Đặc biệt trong số đó, có rất nhiều chị em tiểu thương ở chợ Đông Ba (Huế). Họ thường đến chùa để cầu nguyện xin lộc trước mỗi chuyến đi và trước khi mở hàng mỗi ngày. Và trước mỗi mùa thi, hầu hết người dân trong phố cổ Gia Hội đều đưa con cháu mình tới chùa thắp hương cầu nguyện "thần đá" cho con họ đỗ đạt, học giỏi.                   

Nói về những lời đồn thổi, cụ Hồ Văn Diệp khẳng định: "Không có chuyện khi chạm vào "Ngài thần đá" đặt tại chùa Hiệp Thiên thì sẽ phát ra âm thanh lạ, hay chuyện người lạ ngã bệnh khi gần "thần đá"... Những thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, thêu dệt và không có căn cứ. Chính tay tôi lau chùi cho "Ngài" thường xuyên từ trước đến nay, sao tôi không bị đổ bệnh gì, ngược lại  tôi còn thấy khỏe lên mỗi ngày và con cháu đều đã đỗ đạt thành tài cả".

Về chuyện "Ngài thần đá" ở chùa Hiệp Thiên luôn phù hộ cho những người nghèo khổ thoát cảnh bần cùng và vượt qua cơn hoạn nạn mà người dân Huế cũng như các tỉnh lân cận rỉ tai nhau, cụ Diệp khẳng định đây là vấn đề tâm linh do người đời truyền miệng cũng là để tạo niềm tin cho những người khốn khó vượt qua cơn hoạn nạn.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-chuyen-than-da-phu-ho-nguoi-phu-nu-ngheo-trung-doc-dac-a39936.html