Thực hư "dấu chân tiên" và hầm hơi "nước thánh" ở Ma Thiên Lãnh


Thứ 2, 24/11/2014 | 15:17


(ĐSPL) - Trong chuyến công tác tại Tây Ninh, chúng tôi nghe người dân địa phương giới thiệu về Ma Thiên Lãnh, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và ẩn chứa biết bao câu chuyện thần bí.

(ĐSPL) - Trong chuyến công tác tại Tây Ninh, chúng tôi nghe người dân địa phương giới thiệu về Ma Thiên Lãnh, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ và ẩn chứa biết bao câu chuyện thần bí. Mỗi hòn đá, cành cây, dòng suối ở đây đều được người dân tô điểm thêm vẻ kỳ dị bằng những câu chuyện nửa thực nửa hư.

Trong đó, đáng chú ý và gây xôn xao dư luận trong thời gian dài là "dấu chân tiên" và "hầm hơi" chứa "nước thánh" trị bách bệnh. 

"Dấu chân tiên" trên đá

Ma Thiên Lãnh thuộc xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) được bao bọc bởi ba ngọn núi lớn là núi Bà, núi Phụng và núi Heo. Giữa sự hùng vĩ của núi đồi là sự trầm mặc, thanh vắng và hoang dã của thung lũng Ma Thiên Lãnh, được kiến tạo từ nhiều hang, suối, hầm đá, cây cỏ... Rừng thiêng nước độc ẩn chứa bao điều bí ẩn nên vấn đề tâm linh rất được coi trọng. Những ngôi miếu, nhiều tượng Phật ẩn hiện dưới gốc cây cổ thụ, bên dòng suối, trên và trong hang đá... tạo một cảm giác rờn rợn, hồi hộp cho khách lạ.

Chưa đến Ma Thiên Lãnh, nghỉ chân tại các quán cóc ven đường, chúng tôi đã loáng thoáng nghe người dân truyền tai nhau những mẩu chuyện kỳ lạ. Họ cho biết, đó là những điều họ nghe được hoặc chứng kiến khi vào Ma Thiên Lãnh bắt ốc, thằn lằn núi...

Tin tức - Thực hư 'dấu chân tiên' và hầm hơi 'nước thánh' ở Ma Thiên Lãnh

Xung quanh "hầm hơi" có thờ rất nhiều tượng Phật (ảnh Hà Nguyễn).

Từ những câu chuyện chạm mặt rắn hổ mang, cho đến dấu hiệu linh thiêng của từng gốc cây, hang đá khiến người nghe không khỏi rùng mình. Anh Nguyễn Văn Đại (36 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) mỗi ngày đều lên Ma Thiên Lãnh để coi sóc hoa màu, cây ăn trái và bán nước uống, đồ ăn cho du khách. Anh chỉ vào ngôi miếu nhỏ với bát hương đầy nhang và nói: "Ở đây ngày xưa có nhiều chiến sỹ hy sinh, có kiêng có lành nên tôi xin chính quyền cho phép dựng miếu thờ cúng. Mình quanh năm làm vườn và buôn bán giữa rừng, nên kiêng kị cho lành".

Nhìn theo hướng tay anh chỉ dẫn, chúng tôi thấy một ngôi miếu nhỏ dưới gốc đa cổ thụ, mà anh Đại cũng không biết cây có từ bao giờ. Mấy chục năm khai hoang, sống tạm và trồng trọt tại núi rừng Ma Thiên Lãnh, anh Đại cũng như nhiều người dân đã nằm lòng những câu chuyện thần bí. Nhắc đến bàn chân tiên huyền bí, anh Đại nhanh nhảu cho biết: "Mấy dạo, người dân rầm rộ chuyện bàn chân "tiên", rồi đồn đại nó có khả năng trị bệnh nên chính quyền xã lên đập nát và lấy xi măng trát lên. Mê tín dị đoan bài trừ là đúng, nhưng sao tôi vẫn sợ "thần rừng thần núi" nổi giận".

Nói rồi anh Đại chậm rãi kể gốc tích của "bàn chân tiên" cho chúng tôi nghe: "Trước đây, khi mới xuất hiện, dấu chân lớn lắm, có đủ các ngón chân, nhưng từ từ thu hẹp lại rồi mờ dần. Khi bị chính quyền đập, dấu tích ấy chỉ nhỏ như dấu chân em bé".

(bgiay)Thực hư dấu chân tiên và

Hình ảnh "bàn chân tiên" được chụp trước khi phá bỏ (người dân cung cấp).

Theo anh Đại, phần đất này của một phụ nữ có biệt danh là "bà Sáu đau tim". Ngày trước, bà này cất một chòi nhỏ ở gần tảng đá, có đặt một lư hương, hôm nào cũng cúng vái. "Không biết linh hiển thế nào mà người dân nhiều nơi ùn ùn kéo đến cầu khấn, đến nỗi bà Sáu phải dỡ chòi bỏ đi biệt xứ. Cũng nghe nói, có thể, bà Sáu tuyên truyền mê tín dị đoan nên chính quyền lên dẹp bỏ. Bẵng đi một thời gian, từ lời truyền miệng của mấy người săn ốc núi, thằn lằn, rắn... về sự kỳ diệu của "bàn chân tiên" khiến người ta tò mò lại tìm đến đây coi gây mất trật tự".

"Nghe nói, bàn chân ấy là của "người trên" xuống trần dạo chơi để lại. Người phàm chỉ cần đặt chân vào đấy, thành kính cầu khấn sẽ được toại nguyện. Một số câu chuyện khác lại cho rằng, dấu chân chứa những điều linh ứng, nhiệm màu, người có bệnh tật chỉ cần đến đây ngồi lên tảng đá, uống nước từ chỗ lõm của bàn chân tiên mọi bệnh tật sẽ hết... Tuy nhiên, "bàn chân tiên" chỉ là một trong những chuyện kỳ quái ở vùng này, Ma Thiên Lãnh còn vô số hang, hầm đá mang hơi hướng ma mị", anh Đại cho biết thêm.

"Hầm hơi" chứa "nước thánh"!?

Ngồi bên cạnh, chị Nguyễn Thị Hà, vợ anh Đại giới thiệu và hướng dẫn, chỉ đường cho chúng tôi lên các hang động nói trên. Chị cho biết: "Cái “hầm hơi” đó kỳ lạ, mát mẻ quanh năm như máy điều hòa. Nước chảy ra từ đó trong vắt, cực kỳ ngọt và mát. Nhiều người lên đây chỉ để vào “hầm hơi” ngồi thiền, rửa mặt, uống nước của hầm để đầu óc minh mẫn. Vài người còn bảo uống nước vào thấy người khỏe khoắn, hết bệnh, tôi chưa dám tin nhưng thấy nước đó rất trong và ngọt. Mấy đứa cứ lên đó rồi sẽ thấy, chúng tôi trồng rau cần nước dưới dòng chảy của nước "hầm hơi", không cần phân bón mà quanh năm xanh tốt".

Lần theo con đường mòn lởm chởm đá, chúng tôi cũng tới được "hầm hơi" mà chị Hà giới thiệu. Xung quanh "hầm hơi" có mấy bức tượng Phật được sắp đặt ngăn nắp và nhang khói chỉn chu. Theo một người dân sống lâu năm ở Ma Thiên Lãnh, từ lúc chống Mỹ-Ngụy, bộ đội ta đã mượn địa thế của các hang, hầm đá để tránh sự phát hiện của kẻ thù. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là khi giặc phát hiện và đem lính vào truy quét khắp các hang, hầm mà vẫn không thấy người của ta đâu. Số lính Mỹ-Ngụy và cả chiến sỹ của ta mãi mãi cũng không thấy trở ra. Thế nên, người dân ở đây đều đinh ninh rằng, những hầm đá linh thiêng đã nuốt chửng họ, đầy bí ẩn.

Tin tức - Thực hư 'dấu chân tiên' và hầm hơi 'nước thánh' ở Ma Thiên Lãnh (Hình 3).
Chị Hà vui vẻ kể chuyện cho khách nghe (ảnh Ngọc Lài).

Ngoài ra, dân nơi đây còn truyền miệng câu chuyện về sự mất tích bí ẩn của hai cha con ở những năm 90 của thế kỷ trước. Theo đó, khoảng những năm 90, có hai cha con người địa phương dắt nhau lên núi săn ốc chẳng may mất tích. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng, người dân cũng phát hiện hai cái xác tựa vào hầm đá, người tím tái, lạnh cóng. Từ đó, người dân càng tin tưởng và không dám mạo phạm đến không gian linh thiêng của vùng đất Ma Thiên Lãnh kỳ bí. Những ai muốn lên Ma Thiên Lãnh săn ốc, thằn lằn... đều phải thắp nhang cầu xin và đi theo từng tốp. Tuyệt nhiên, không ai dám tự ý bước vào Ma Thiên Lãnh một mình.

Cũng theo người dân địa phương, gần đây, Ma Thiên Lãnh lại rộ lên tin đồn nước trong "hầm hơi" có thể chữa bách bệnh. Những người tin theo thuyết này cho rằng, “hầm hơi” nằm ở lưng chừng núi, nước rỉ ra từ các kẽ đá, rễ cây. Do đó, dòng nước này ngấm, hòa tan trong nó tinh túy của những loại thảo dược quý chỉ có ở Ma Thiên Lãnh.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Hà cho biết: "Chắc là, không gian u tịch của Ma Thiên Lãnh khiến người đi rừng sợ sệt. Tôi và chồng ngày nào cũng lên đây, siêng năng nhang khói cho mấy anh chiến sỹ, thì thấy ấm lòng và chẳng có gì phải sợ. Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho “vùng đất” này những điều kỳ thú, chứ tôi uống nước và sinh hoạt bằng nước “hầm hơi” chẳng thấy gì khác lạ. Có người bảo, từng có người chết rục trong đó mà dám uống sao, tôi cũng không thấy ngại. Giờ lại có người đồn, nước ở hầm hơi chảy ra là "nước thánh" trị bệnh. Họ đồn riết khiến chính quyền rào lại, tôi không biết mưu sinh bằng cách nào nữa".

Chỉ là những câu chuyện... tưởng tượng

Ông Nguyễn Chí Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cho biết: "Tất cả chỉ là tin đồn, tôi đã chỉ đạo lực lượng Công an xã kiểm tra. Thực chất chỗ được gọi là dấu chân ở Ma Thiên Lãnh chỉ là do miếng đá bể ra, vô tình có hình thù giống dấu chân người. UBND xã đã chỉ đạo anh em đem xi măng lấp lại, không để bà con tin chuyện hoang đường đến đây thờ cúng nữa. Ma Thiên Lãnh có cảnh quan đẹp và mát mẻ, lại thêm nhiều câu chuyện tâm linh được bà con thêu dệt nên mọi người cứ đồn thổi. Thực chất, nó cũng như Đà Lạt mang trong mình những câu chuyện do trí tưởng tượng mà ra".

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-dau-chan-tien-va-ham-hoi-nuoc-thanh-o-ma-thien-lanh-a70555.html