Phân biệt gia vị hết hạn và cách bảo quản giúp có lợi sức khỏe


Thứ 6, 01/06/2018 | 01:44


Cùng sự kiện

Thức ăn hết hạn chúng ta thường vứt bỏ không thương tiếc, nhưng gia vị đang dùng đã hết hạn chưa thì hầu như ít người quan tâm.

Thức ăn hết hạn chúng ta thường vứt bỏ không thương tiếc, nhưng gia vị đang dùng đã hết hạn chưa thì hầu như ít người quan tâm.

Nếu có người đặt câu hỏi: "Bạn có biết khi nào muối, giấm, nước chấm và đường hết hạn hay không?" thì có lẽ hầu hết mọi người đều chẳng thể trả lời được. Đơn giản là vì sau khi mua về, hầu như mọi người đều đổ chứng vào hộp, lọ, chai rồi cứ thế dùng cho đến khi hết thì thôi.

Gia vị hết hạn có độc không?

Thế là nhiều người bắt đầu lo lắng làm thế nào để biết gia vị hết hạn? Liệu mình đã có thể ăn phải chưa? Có bị gì nghiêm trọng không?

Câu trả lời sẽ là: Đúng, ăn đồ hết hạn thì không tốt nhưng riêng với gia vị, không nhất thiết cứ cái gì để lâu thì cũng độc hại.

Mặc dù theo đúng quy định thì mọi thứ dùng để ăn vào mồm mà bạn mua thì đều phải có thời hạn sử dụng. Trong thời hạn sử dụng, nhà sản xuất phải đảm bảo hương và vị của sản phẩm sẽ không xảy ra hiện tượng biến chất hay hư hại. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là sau thời hạn đó, gia vị sẽ không an toàn.

Đối với gia vị, sau khi hết hạn, thường có ba kết quả:

1. Không có sự suy giảm hương vị, chất lượng nào xảy ra: các loại gia vị này không bị hư hại, vẫn an toàn và sẽ không gây hại cho cơ thể.

2. Có xuất hiện sự suy giảm về chất lượng nhưng vô hại: Chẳng hạn như đường để lâu sẽ bị vón cục, muối i-ốt sẽ bị giảm hàm lượng iod. Chúng chẳng có độc gì ngoài việc gây bất tiện chút cho người sử dụng.

3. Sự suy giảm có hại cho cơ thể con người: Ví dụ như giấm và nước tương bị đục do nhiễm vi khuẩn tạo màng và bị thoái hóa chất lượng. Ăn phải chúng người ta nhẹ nhất thì bị buồn nôn, tiêu chảy và các triệu chứng tiêu hóa khác, còn nghiêm trọng thì có thể gây hại đến hệ hô hấp, tuần hoàn, thần kinh và các cơ quan khác.

Tất nhiên, chỉ một lượng nhỏ thì thường không gây ngộ độc cấp tính, nhưng nếu ăn lâu dài lại có thể tạo thành ngộ độc mãn tính.

Chưa kể đến rất nhiều loại gia vị đang lưu hành trên thị trường hoàn toàn chẳng có thời hạn sử dụng thì nhiều loại vẫn còn thời hạn sử dụng cũng không ai chắc được nó không bị biến chất, hư hại. Bởi vì, thời hạn sử dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thành phần hóa học, công nghệ chế biến, hình thức đóng gói và điều kiện bảo quản thực phẩm.

Ngay cả những sản phẩm đủ điều kiện thông thường thì đôi khi do điều kiện bảo quản kém như nhiệt độ cao, ẩm thấp, côn trùng... cũng khiến chúng bị rút ngắn thời gian sử dụng.

Vậy làm thế nào để có thể biết gia vị đã xấu đi?

Đối với các loại gia vị đóng gói có bao bì thì rất đơn giản, ban chỉ cần nhìn thời hạn sử dụng in trên đó hoặc dùng mắt thường để phân biệt như:

Muối ăn: thường không dễ bị hư hại, nhưng đối với muối i-ốt, bảo quản không đúng cách hoặc quá lâu sẽ làm hàm lượng i-ốt giảm. Ngoài ra, nếu muối có mùi, vị đắng hoặc chảy nước thì có nghĩa không nên ăn.

Giấm: đục, kết tủa, nổi váng trông như nấm mốc, có mùi hôi và hương vị bất thường.

Nước tương: trông đục, có kết tủa, nổi váng cục, có mùi lạ khó chịu hoặc những dấu hiệu bất thường.

Đường trắng: vón cục, chuyển màu vàng và có vị chua.

Cách bảo quản gia vị được lâu dài

1. Mua gia vị

- Nên mua tại những siêu thị uy tín đáng tin cậy, đủ điều kiện bảo quản và hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng.

- Mua gia vị đóng theo gói nhỏ thay vì mua số lượng lớn đóng gói to.

- Hay chọn mua gia vị có ngày sản xuất gần nhất.

- Nếu có điều kiện, hãy chọn mua loại gia vị có chất lượng tốt để bảo quản được lâu hơn. Chẳng hạn, mua đường trắng nên chọn loại tinh luyện cao cấp.

- Mua đủ dùng trong một thời gian, không nên ham khuyến mại để rồi mua quá nhiều, mua số lượng lớn.

2. Bảo quản gia vị

- Để gia vị ở nơi khô ráo, thoáng mát tránh xa bếp nấu và ánh nắng trực tiếp.

- Bảo quản trong vật đậy kín - Chai, lọ, hộp đựng gia vị phải có nắp thật kín.

- Nếu trót mua gia vị số lượng lớn thì phải nhớ dùng thường xuyên cho mau hết và bảo quản bằng cách đựng trong túi chân không là tốt nhất.

Nếu trót mua nước tương số lượng lớn, bạn có thể xem xét đun sôi và lưu trữ.

- Sau mỗi lần sử dụng gia vị, chú ý duy trì sự sạch sẽ phần miệng của chai, lọ... chứa đồ.

- Lập một danh sách ghi danh mục, ngày tháng, thời hạn sử dụng, và ghi chú rồi treo trên tường trong bếp hoặc những nơi dễ thấy để thường xuyên kiểm tra, theo dõi.

- Gia vị một khi đã mở bao bì thì nên nhanh dùng hết, đừng để quá lâu.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-biet-gia-vi-het-han-va-cach-bao-quan-giup-co-loi-suc-khoe-a231428.html