Thương mại điện tử: Cứu tinh hay đối thủ của hành tinh xanh?


Thứ 2, 24/02/2020 | 03:12


(ĐS&PL) Nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm – nhiều ưu điểm vượt trội khiến mua hàng online thành xu hướng không thể cưỡng lại.

(ĐS&PL) Nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm – nhiều ưu điểm vượt trội khiến mua hàng online thành xu hướng không thể cưỡng lại.

Xã hội - Thương mại điện tử: Cứu tinh hay đối thủ của hành tinh xanh?

Việt Nam – mảnh đất màu mỡ của thương mại điện tử

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong những năm vừa qua. Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate – CAGR) của giai đoạn 2015 – 2018 là 25%. Báo cáo cũng ước tính thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ ba ở Đông Nam Á.

Việt Nam cũng đang sở hữu 5/10 sàn thương mại điện tử có tổng lượt truy cập cao nhất tại thị trường Đông Nam Á: Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và FPT Shop – theo báo cáo do iPrice Group thực hiện.

Tác động thực sự đến môi trường

Thương mại điện tử được kì vọng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại; xếp lịch giao hàng thông minh; giảm bớt số lần di chuyển đến cửa hàng của người tiêu dùng; thanh toán qua mạng nên không tốn giấy in tiền mặt…

Thực tế không hoàn toàn như vậy. Trong bài báo “Vấn đề rác thải bao bì từ thương mại điện tử ngày càng nghiêm trọng”, Pam Baker phân tích: trước khi Internet ra đời, logistics của ngành bán lẻ truyền thống đơn giản và tuyến tính. Hệ thống logistics của thương mại điện tử phức tạp hơn và bao bì được vận chuyển qua tay nhiều người hơn.

Trong quá trình vận chuyển, mỗi chiếc hộp bị rơi trung bình 17 lần – theo nghiên cứu của ANAMA, dịch vụ kiểm định đóng gói hàng hóa ở Mỹ. Vì thế, các công ty thường gói ghém hàng hoá quá mức cần thiết, với vài ba lớp giấy và bao nylon, chèn thêm xốp hơi rồi mới cho vào hộp, để đảm bảo hàng hoá đến tay người tiêu dùng trong trạng thái hoàn hảo.

Trung bình hàng năm, Mỹ có khoảng 165 tỉ gói hàng được vận chuyển đến tay người tiêu dùng, số lượng thùng carton dùng để đóng gói tương đương với hơn 1 tỉ cây xanh – báo cáo của Fast Company cho biết.

Việt Nam chưa có con số thống kê chi tiết, nhưng người mua hàng online thường nhận được những thùng hàng to, đóng gói cồng kềnh nhiều lớp, trong khi món hàng đặt mua có kích thước nhỏ và không dễ vỡ. Có khi họ chỉ đặt hàng một lần, nhưng được giao nhiều lần do mỗi sản phẩm được trữ ở một kho khác nhau. Đó là chưa kể nếu không hài lòng với sản phẩm, khách sẽ đổi, trả hàng, làm phát sinh thêm những chuyến xe và khí thải. Đặt đồ ăn qua mạng cũng có thể gây hại môi trường, khi người bán dùng thêm hộp xốp, bao nylon, muỗng nĩa nhựa… thay vì chỉ rửa chén dĩa.

Do đó, nếu đo đếm cẩn thận “dấu chân carbon” – lượng carbon dioxide bạn thải ra trong hoạt động hàng ngày – những ai quan tâm đến môi trường không khỏi lo ngại. Thương mại điện tử có giúp giảm gánh nặng ô nhiễm cho trái đất, như nhiều người từng kì vọng, hay đang tạo thêm nhiều rác thải cho hành tinh?

Những chuyển biến tích cực

Ngày càng nhiều người chọn lối sống xanh, cẩn thận tính “dấu chân carbon” trong mỗi hoạt động hàng ngày. Những tên tuổi lớn trong ngành thương mại điện tử cũng có động thái tích cực để giảm bớt ô nhiễm.

Vào tháng 9/2019, Amazon công khai một loạt sáng kiến để giảm lượng khí thải carbon trước 10 năm so với các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi quyết định dùng quy mô của mình để tạo ra sự khác biệt. Nếu một công ty với cơ sở hạ tầng cồng kềnh, bán hơn 10 tỉ món hàng mỗi năm như Amazon mà còn đạt mục tiêu của Hiệp định Paris sớm hơn 10 năm, thì bất cứ công ty nào cũng có thể” – ông Jeff Bezos, CEO của Amazon tuyên bố.

Để thực hiện tuyên bố này, Amazon sẽ đưa vào sử dụng xe tải điện từ năm 2021, tăng dần đến 10.000 chiếc vào năm 2022 và 100.000 chiếc năm 2030. Khi đó, đội xe của Amazon được kì vọng sẽ giúp giảm đến 4 triệu tấn khí thải carbon. Amazon cũng đặt mục tiêu chuyển đối 80% nguồn năng lượng công ty sử dụng thành năng lượng tái tạo vào năm 2024, và 100% năm 20304.

Tại Việt Nam, GrabFood là cái tên đầu tiên trên thị trường giao nhận thực phẩm trực tuyến có động thái thiết thực để giảm rác thải nhựa. Từ ngày 5/11/2019, bộ đồ ăn nhựa dùng một lần sẽ không còn được mặc định cung cấp khi khách gọi thức ăn. Nếu muốn dùng muỗng nĩa nhựa, khách hàng phải yêu cầu ở trang thanh toán.

Như vậy, khi gọi GrabFood, khách hàng có cơ hội lựa chọn giữ thêm hoặc không thêm rác thải nhựa. Mỗi chọn lựa, hành động này tuy nhỏ, nhưng đều đáng kể, thể hiện trách nhiệm của cư dân hành tinh xanh đối với trái đất.

Thương mại điện tử có “xanh” hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào chọn lựa của người tiêu dùng – yếu tố quyết định thúc đẩy các nhãn hàng hành động vì môi trường.

Tác giả Nhung Do là copywriter của EloQ Communications. Nhung Do có trên 10 năm kinh nghiệm viết báo, viết sách, dạy học và sáng tạo nội dung. Cuốn sách đầu tiên của cô mang tựa đề “Lửa trời đuôi cáo – 100 câu chuyện Phần Lan” kể về những trải nghiệm văn hoá ở xứ sở ngàn hồ. Tham khảo thêm các bài viết về ngành truyền thông và marketing tại EloQ’s Blog: https://blog.eloqasia.com/category/vi/

Nhung Đỗ

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuong-mai-dien-tu-cuu-tinh-hay-doi-thu-cua-hanh-tinh-xanh-a312787.html