+Aa-
    Zalo

    Trăn trở về những “tư lệnh” ngành có nhiều phiếu tín nhiệm thấp

    ĐS&PL (ĐSPL) - Lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm, trăn trở về những “tư lệnh” ngành có phiếu tín nhiệm thấp lần trước và những biến chuyển của lần này thực sự là mối quan tâm của toàn xã hội…

    (ĐSPL) - Quốc hội vừa chính thức công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn đúng như những gì mà các “tư lệnh” ngành đã làm được trong thực tế. Lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm, trăn trở về những “tư lệnh” ngành có phiếu tín nhiệm thấp lần trước và những biến chuyển của lần này thực sự là mối quan tâm của toàn xã hội…

    Lòng dân và những lá phiếu

    Đây là lần thứ hai Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Như thường lệ, cử tri đặc biệt quan tâm đến những lá phiếu tín nhiệm dành cho 50 lãnh đạo cấp cao.

    Những lĩnh vực "nóng" như ngân hàng, giao thông vận tải,... đang được các đại biểu đánh giá là có nhiều chuyển biến rõ rệt sau lần lấy phiếu tín nhiệm trước. Tuy nhiên, còn những ngành vẫn "ì ạch" sau khi đã nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp từ lần bỏ phiếu trước như: Y tế, giáo dục, văn hóa...

    (bgiay)Những “tư lệnh” ngành ngồi

    Trách nhiệm của “tư lệnh” ngành rất cần nâng cao sau những lá phiếu tín nhiệm.

    Trong kết quả bỏ phiếu lần này, những vị "tư lệnh" ngành có phiếu tín nhiệm thấp của lần trước vẫn tiếp tục có số phiếu tín nhiệm thấp. Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, trong lần bỏ phiếu tín nhiệm lần trước vị này nhận được 116 lá phiếu tín nhiệm thấp, lần này con số tín nhiệm tăng lên là 157 phiếu. Y tế được xem là lĩnh vực "nóng". Lần bỏ phiếu tín nhiệm trước Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được 146 phiếu tín nhiệm thấp. Lần này số phiếu tín nhiệm thấp được cộng thêm gần 50 phiếu nữa khiến vị “tư lệnh” ngành này vẫn ở "top" tín nhiệm thấp với 192 phiếu.

    Nằm trong "tốp dưới" còn có Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận. Ông Luận nhận được 149 phiếu tín nhiệm thấp. Tiếp đó phải kể đến Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hải Chuyền với 119 phiếu tăng 8 phiếu "tín nhiệm thấp" so với lần bỏ phiếu trước. Ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Số phiếu tín nhiệm cao: 98 phiếu, số phiếu tín nhiệm 233 phiếu, số phiếu tín nhiệm thấp 154 phiếu.

    Theo nhận định của nhiều ĐBQH cũng như phản ứng từ dư luận, đợt bỏ phiếu lần này đánh dấu những bước chuyển mình mạnh mẽ của một số vị "tư lệnh" ngành như: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đang giữ số phiếu tín nhiệm thấp cao ngất ngưởng của lần trước (209 phiếu) thì lần này chỉ còn 41 phiếu tín nhiệm thấp. Bộ trưởng Bộ Xây dựng giữ 100 phiếu tín nhiệm thấp lần trước thì lần này chỉ còn 48 phiếu. Đáng chú ý là vị "tư lệnh" ngành Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có cú thay đổi ngoạn mục từ 99 phiếu tín nhiệm thấp của lần bỏ phiếu trước xuống còn 28 phiếu.

    Nhận định về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, phần lớn ĐBQH cho rằng, lần lấy phiếu tín nhiệm này, cả cử tri và Đại biểu đều có đủ thời gian, đủ thông tin để đánh giá đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Và chắc chắn kết quả tín nhiệm sẽ là cơ sở tốt hơn để mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận lại mình, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

    Bên hành lang Quốc hội, sau khi thực hiện xong trách nhiệm với cử tri, ông Phạm Quang Nghị (ĐBQH TP.Hà Nội) cho biết: "Mong rằng, đánh giá lần này sẽ có tác dụng động viên người được sự tín nhiệm cao, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình. Thứ hai là trong bối cảnh khó khăn, có thể lĩnh vực nào đó còn tồn tại yếu kém khuyết điểm mà có liên quan tới người đứng đầu thì đấy cũng là sự lưu ý nhắc nhở cần thiết".

    Trả lời cho câu hỏi của PV báo Đời sống và Pháp luật về việc có hài lòng với lần bỏ phiếu này, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Đại biểu TP.Đà Nẵng nói: "Lấy phiếu để có sự điều chỉnh làm tốt hơn trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng, về mức lấy phiếu vẫn như vậy, tuy nhiên một nhiệm kỳ nên làm hai lần để hiệu quả hơn chứ không làm hàng năm như thế".

    Kỳ vọng và sự chuyển mình

    Có thể nói, những thay đổi trong "chỉ số" của lá phiếu tín nhiệm đã cơ bản phản ánh đúng thực tế biến chuyển của các ngành sau hơn một năm kể từ lần bỏ phiếu trước vào hồi tháng 6/2013.

    Hẳn còn nhớ lần bỏ phiếu tín nhiệm hồi giữa năm ngoái, khi con số được công bố, trong số các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo là một trong hai người phải nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, còn số phiếu tín nhiệm cao lại cũng ở "tốp dưới".

    Kỳ thực mà nói, Bộ trưởng nằm trong nhóm chỉ số tín nhiệm thấp nhất, có lẽ đó là một kết quả trung thực phản ánh đúng thực tế ngành mà Bộ trưởng đang là "thuyền trưởng". Giáo dục vẫn còn đó những bài toán nan giải mà “tư lệnh” ngành này vẫn chưa thực sự có giải pháp tháo gỡ toàn diện.

    Số phiếu thấp cũng được nhắc đến với Bộ trưởng Bộ Y tế, khi đó nhận được tới 146 phiếu tín nhiệm thấp và được xếp vào nhóm có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất. Tuy nhiên, kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm giữa năm ngoái đến nay, những thay đổi của ngành này tuy đã có nhiều cố gắng, bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, sự biến chuyển chưa có nhiều như mong muốn.

    Trước khi bỏ phiếu tín nhiệm bên hành lang Kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIII), ông Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thẳng thắn thừa nhận với báo giới, ngành ít chuyển biến nhất là ngành y tế, sau đó có một số ngành khác như văn hóa thể thao và du lịch.

    "Tôi nghĩ, tất cả những điều trên cho thấy ý thức trách nhiệm của “tư lệnh” ngành chưa cao, khiến cho ngành y tế không có chuyển biến tích cực. Còn với các bộ ngành khác thì nhìn chung đã có sự chuyển biến rất rõ rệt và tôi nghĩ là có khá nhiều Bộ chưa được đánh giá cao trong lần lấy phiếu trước thì lần này được đánh giá cao hơn", ông Cương bình luận.

    Trước đó, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chia sẻ một góc nhìn khách quan hơn: "Thực sự thì có những việc mà không thể ngày một ngày hai giải quyết được, ví dụ y tế và giáo dục. Chúng ta đã để như thế nhiều năm nên giờ muốn làm ngay trong một thời gian là rất khó. Còn do cơ chế chính sách nữa, những vị “tư lệnh” ngành có được chế tài xử lý cán bộ cấp dưới không. Ví dụ đã cấm dạy thêm học thêm rồi mà trên thực tế vẫn diễn ra, hay biến chứng khi tiêm chủng..., chẳng “tư lệnh” ngành nào muốn cả. Nên chúng ta phải đánh giá khách quan, cái khó cho người đứng đầu là cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Tôi là Bộ trưởng nhưng đâu được phép cách chức cán bộ ngay, mà quy trình thủ tục để cho nghỉ việc mất thời gian lắm, còn rất vướng".

    Nhìn nhận về kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: "Sau một khoảng chững để điều chỉnh lại thì cơ bản người ta thấy được hiệu ứng tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, phiếu tín nhiệm vẫn để ở 3 mức, chủ yếu cho thấy những hiệu ứng tích cực từ lần bỏ phiếu trước. Chúng ta cũng chú ý tới khuynh hướng khi bàn về Luật Tổ chức Chính phủ đã xây dựng một lộ trình cho việc từ chức, điều đó thể hiện sự giám sát của Quốc hội đối với những cá nhân, đối tượng được dân bầu trở thành hiện thực".

    ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu quan điểm: "Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên như cơm phải ăn, nước phải uống để nuôi sống một cơ thể người. Có nghĩa là nó không thể thiếu được. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng nhằm mục đích nhắc nhở mỗi chức danh được giao, được bầu cần phải được kiểm tra đánh giá, việc đó đã làm chưa? Làm đến đâu?".

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Đại biểu đã thực hiện trọng trách cao cả, vừa có ý nghĩa chính trị, pháp lý, khách quan, công tâm và chính xác đối với việc lấy phiếu

    (bgiay)Những “tư lệnh” ngành ngồi

    Phát biểu sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng mục đích, nguyên tắc, quy trình theo quy định để thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã thành công. Tôi thấy đại biểu đã thực hiện trọng trách cao cả, vừa có ý nghĩa chính trị, pháp lý, khách quan, công tâm và chính xác đối với việc lấy phiếu".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tran-tro-ve-nhung-tu-lenh-nganh-co-nhieu-phieu-tin-nhiem-thap-a69552.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan