+Aa-
    Zalo

    Từ vụ "bút phê" của Thứ trưởng: Đâu là bút phê có "mùi tham nhũng"?

    ĐS&PL (ĐSPL) - "Quyền lực ngầm" của "bút phê" mạnh đến đâu đang là câu hỏi mà dư luận đặt ra sau vụ lùm xùm tại bộ GTVT, khiến Bộ trưởng Bộ này phải đề nghị cơ quan công an vào cuộc.

    (ĐSPL) - "Quyền lực ngầm" của "bút phê" mạnh đến đâu đang là câu hỏi mà dư luận đặt ra sau vụ lùm xùm tại Bộ GTVT, khiến Bộ trưởng Bộ này phải đề nghị cơ quan công an vào cuộc.

    Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng chạy "bút phê" không có gì là lạ và việc nhiều "bút phê" của lãnh đạo có ý thiên vị một số cá nhân, doanh nghiệp vẫn đang tồn tại trên thực tế. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là rất khó để phát hiện đâu là "bút phê" khách quan và đâu là "chỉ đạo ngầm" để ngăn chặn.

    Bộ GTVT đang tiến hành thanh tra đột xuất về công tác đấu thầu gói thầu RAI/CP 1.

    Bút phê: "Quyền lực ngầm" hay thông lệ?

    Hiện tại, câu chuyện xung quanh "bút phê" của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vẫn chưa thể kết thúc. Mới đây Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã khẳng định việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường "bút phê" trong hồ sơ thầu là đúng quy định, không sai. Khi được tham vấn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với những thông tin họ biết thì nội dung "bút phê" của vị Thứ trưởng này chưa nói lên được điều gì, cũng chưa thể khẳng định có tiêu cực hay không.

    Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện "bút phê", dư luận cũng từng không ít lần xôn xao trước những sự việc tương tự. Đơn cử như sự việc liên quan đến nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu xảy ra cách đây gần chục năm. Lần đó, theo phản ánh của báo giới, trong nghi án "chạy" quota dệt may đi Mỹ có giá 50.000 USD tại một công ty, vị này đã có "bút phê": "Chuyển vụ Xuất nhập khẩu (XNK) xem xét".

    Mới đây nhất, trong vụ cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hoàng Văn Nghiên được thuê biệt thự với giá "bèo" hàng chục năm, cũng thấp thoáng bóng dáng của "bút phê". Theo phản ánh, hợp đồng giữa công ty Kinh doanh nhà số 2 (nay là công ty Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội) với ông Hoàng Văn Nghiên đã hết hạn từ ngày 20/7/2004. Tuy nhiên, điều khó hiểu là năm 2013 Sở Xây dựng Hà Nội đã "bút phê" đề xuất cho ông Nghiên tiếp tục thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa.

    Cũng chính vì "quyền lực ngầm" của "bút phê" mà không ít đối tượng từng mạo danh để thực hiện hành vi phạm tội. Cách đây ít lâu, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Triệu Tài Lâm về hành vi giả mạo chữ ký của một lãnh đạo TP và một số lãnh đạo các bộ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa, Lâm khai nhận đã mạo danh một lãnh đạo TP.Hà Nội "bút phê" và ký tên vào góc đơn với nội dung: "Đồng ý theo đề nghị của Công ty"...

    Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng chạy "bút phê" không có gì là mới lạ, gần như phổ biến ở tất cả các lĩnh vực. Lý giải với PV báo Đời sống và Pháp luật, GS.TS Đặng Vũ Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng, trên thực tế "bút phê" chỉ có giá trị trong nội bộ cơ quan. Nếu đó là chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan thì nó là mệnh lệnh buộc cấp dưới phải thi hành và là căn cứ để quy trách nhiệm nếu như xảy ra vụ việc. Cách thức chỉ đạo làm việc thông qua "bút phê" đã trở thành thông lệ. Do đó, không thể "quy tội" cho "bút phê" là tiêu cực mà phải căn cứ vào nội dung của "bút phê". Cũng theo vị giáo sư này, hiện tượng chạy "bút phê" là hiện tượng có thật trong đời sống hiện nay. Nguyên nhân, trước hết là do quyền lực của "bút phê", thực chất là quyền lực của lãnh đạo cấp trên. Nó là một thứ mệnh lệnh được thể hiện trên các văn bản, có khi lại là bằng lời nói.

    Chính vì thế mà các doanh nghiệp hay cá nhân nào muốn thuận lợi trong công việc thì luôn mong có trong tay "bút phê". Việc này sinh ra nạn chạy "bút phê". Như việc nhận con ông này, cháu bộ trưởng kia để được thuận lợi trong công việc cũng là một kiểu "bút phê" trong đời sống hiện nay. Sở dĩ có tình trạng này xuất hiện là do thói cửa quyền, cơ chế xin cho tồn tại trong nhiều lĩnh vực và đây là một trong những dấu hiệu không minh bạch trong nhiều hoạt động kinh tế, xã hội trong đó có hoạt động đấu thầu.

    Làm sao loại trừ bút phê có “mùi tham nhũng”?

    Câu chuyện của "bút phê" và quyền năng của nó thì ai cũng biết. Tuy nhiên, để chỉ ra được đâu là "bút phê" chỉ đạo công việc bình thường và đâu là "bút phê" có "mùi tham nhũng" thì rất khó. Đơn cử, trong câu chuyện của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, nếu chỉ dựa vào nội dung phê trên hồ sơ thầu vào đơn của công ty CP Đầu tư T.H "Yêu cầu Tổng cục Đường bộ - Ban 3 để xử lý" thì chẳng có vấn đề gì.

    Hiện tượng "bút phê" có chỉ đạo nội dung theo kiểu chung chung mà người trong cuộc chưa thể khẳng định được điều gì là bởi lãnh đạo luôn có cách riêng để truyền đạt ý tưởng chỉ đạo. Ngôn ngữ của "bút phê" trở nên kín kẽ và khó đoán theo kiểu “ý tại ngôn ngoại”. Giữa người phê và người nhận mệnh lệnh thường có nhiều cách để hiểu ngầm ý của nhau.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, "bút phê" là ý kiến của lãnh đạo, phê chuyển cho cấp dưới thực hiện. Do đó, nếu sai lệnh, cá nhân phải chịu trách nhiệm. Bản thân người thực hiện không đúng chỉ đạo thì bị kỷ luật. Nên người phê rất khôn ngoan, họ tỏ ra khách quan. Còn cấp dưới có cách thực hiện làm sao "lách được luật", vừa an toàn cho bản thân lại được lòng cấp trên. Thực tế không thể căn cứ vào "bút phê" để quy tội mà chỉ khi nào xảy ra sai phạm thì lúc đó mới có thể quy trách nhiệm và xử lý.

    "Việc chạy bút phê, rồi vấn nạn "a lô", nhận con ông này, cháu ông kia là mặt tiêu cực trong đời sống hiện nay. Đây là biểu hiện của sự thiếu công bằng trong xã hội và vấn nạn tham nhũng. Tuy nhiên, để chống lại vấn nạn này, việc xử lý cần phải có chứng cứ. Điều bất cập hiện nay là chỉ đến khi xảy ra hậu quả thì mới quy được trách nhiệm. Nhiều việc biết là có dấu hiệu của tham nhũng nhưng nhiều khi tìm không ra. Có nghĩa tiền của của Nhà nước sẽ bị hao hụt, chạy vào túi quan tham rồi tẩu tán đi nơi khác mà không thể lấy lại được toàn bộ tài sản khi vụ việc bị phát hiện", ông Xiểm cho biết.

    Nhiều chuyên gia khi hỏi vấn đề này cũng cho rằng, rất khó để biết ẩn đằng sau sự chỉ đạo "bút phê" của các "quan tham" hiện nay là gì. Bởi, người cố tình làm sai thì luôn có ý che giấu hành vi của mình.

    Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Bộ Công an vào cuộc

    Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 30/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Bộ đã tiến hành kiểm tra, xem xét. Theo đó, thì "bút phê" của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường là đúng quy trình xử lý văn bản của Bộ GTVT. Cụ thể, qua kiểm tra, công văn có "bút phê" của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường không hề có dòng chữ "thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ" mà chỉ có thông tin chuyển công văn bình thường. Riêng vấn đề Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường có những tin nhắn trao đổi với đối tượng môi giới dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đây là thông tin không đúng sự thật và cho biết đã đề nghị Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-but-phe-cua-thu-truong-dau-la-but-phe-co-mui-tham-nhung-a82724.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan