+Aa-
    Zalo

    Xăng dầu thế giới hạ nhiệt, dân "hồi hộp" chờ hạ giá xăng

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Giá xăng dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay, vì vậy, người tiêu dùng đang hồi hộp chờ đợi động thái hạ giá xăng từ phía doanh nghiệp

    (ĐSPL) - Giá xăng dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay, vì vậy, người tiêu dùng cũng đang hồi hộp chờ đợi động thái hạ giá xăng từ phía các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

    Giá xăng dầu thế giới giảm, dân
    Trong khi giá xăng dầu thế giới giảm, người dân Việt Nam đang chờ đợi cơ hội giảm giá xăng dầu trong thời gian tới.

    Tin tức về giá xăng dầu tại thị trường Singapore được Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam công bố, giá xăng RON 92 ngày 16/7 ở mức 121,08 USD/thùng, mức tương đương ngày 13/6/2014, giảm 5,14 USD/thùng so với mức đỉnh 126,22 đô la Mỹ/thùng của ngày 1/7 và giảm 2,02 USD/thùng so với mức 123,1 USD/thùng của ngày 7/7 vừa qua.

    Tính bình quân 10 ngày, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore ở mức 121,86 USD/thùng (tại thời điểm điều chỉnh giá xăng vào ngày 7/7 vừa qua, giá xăng bình quân 10 ngày là 124,25 USD/thùng). Bình quân 30 ngày là 122,98 USD/thùng (bình quân 30 ngày tại thời điểm tăng giá xăng ngày 7/7 là 122,18 USD/thùng).

    Nhìn chung, từ đầu tháng 7/2014 đến nay, giá xăng tại thị trường Singapore dao động nhưng theo xu hướng giảm từ mức 126,22 đô la Mỹ/thùng (xăng RON 92) của ngày 1/7/2014.

    Điều đáng nói là, trong những năm qua, Singapore vẫn là thị trường chính cung cấp mặt hàng xăng dầu cho Việt Nam. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Singapore, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Singapore và Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2014 nay đạt 8,158 tỷ SGD (tương đương 6,526 tỷ USD), tăng 22,4\% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Singapore mặt hàng xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ, đạt 90,5 triệu SGD, tăng 89\%.

    Trong khi đó, biểu đồ diễn biến giá xăng bắt đầu từ đầu tháng 6/2014 cho thấy, tại Việt Nam, giá cơ sở xăng RON 92 liên tiếp tăng từ đầu tháng 6 đến nay. Hiện giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex là 25.640 đồng/lít. 

    Lý giải nguyên nhân giá xăng Việt Nam tăng kỷ lục

    Theo đánh giá của các chuyên gia trên báo Đất Việt, giá xăng Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá cơ sở. Hiện nay, riêng các loại thuế đang chiếm đến hơn 8.000 đồng/lít xăng. Ngoài ra, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp đầu mối là 1.160 đồng/lít.

    Do đó, khi giá xăng thế giới tăng ít, giá xăng trong nước tăng nhiều, do phải “cõng” khoản thuế cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá xăng trong nước luôn tăng mạnh hơn giá thế giới và giá xăng trong nước đang ở mức kỷ lục

    Đặc biệt, lý giải việc giá xăng Việt Nam cao hơn Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công thương từng cho biết, giá xăng của Việt Nam phải nhập khẩu và phải mất thời gian để có thể vận chuyển về Việt Nam cùng với nhiều chi phí khác đến bán hàng là cả quá trình.

    Theo ông Nguyễn Minh Thụy, Viện kinh tế - Tài chính thì, Việt Nam hiện đang nhập khoảng 60-70\% xăng dầu, giá mua của các đầu mối nhập khẩu là theo giá thị trường thế giới, phần thuế, phí trong xăng dầu sau khi nhập như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường... ở mức cao là nguyên nhân khiến giá xăng dầu Việt Nam cao hơn Mỹ.

    Nên cân nhắc giảm thuế và tăng mức xả quỹ bình ổn

    Nói về vấn đề giá xăng Việt Nam cao hơn so với giá xăng thế giới trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn cho rằng, nên cân nhắc giảm thuế và xả thêm quỹ để giảm giá xăng.

    Số tiền dân nộp vào quỹ bình ổn giá hiện nay đang nằm trong tay các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu.

    Các doanh nghiệp và cơ quan liên quan không lường trước được biến động xăng dầu thế giới nên tinh thần là cứ giữ quỹ dồi dào cho chắc ăn.

    Tuy nhiên, khi quỹ đã lên tới mức 1.600 tỉ đồng như hiện nay thì hoàn toàn có thể xả thêm quỹ để hạ giá bán lẻ.

    Hiện chúng ta áp thuế nhập khẩu 18\% trên giá xăng dầu nhập khẩu. Vì Vậy, khi giá thế giới tăng, mức thuế đánh vào giá cũng tăng cao hơn, tăng kép. Nói cách khác, giá nhập về càng cao thì Nhà nước càng được lợi, người dân và doanh nghiệp càng chịu thiệt.

    Do vậy, ông Quỳnh cho rằng cần thay việc áp thuế nhập khẩu theo phần trăm bằng con số tuyệt đối, cố định. Điều đó sẽ không làm tăng áp lực nặng nề lên giá trong nước mỗi khi giá thế giới tăng.

    Để thuế nhập khẩu như hiện nay khiến giá cao sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, người dân, tăng áp lực lạm phát.

    Ngoài ra, nhiều người đang thắc mắc tại sao áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bình thường như xăng dầu.

    Đáng ra thuế này chỉ áp dụng với mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu như thuốc lá, bia rượu.

    Xăng dầu rõ ràng không nằm trong số không khuyến khích vì cần cho phát triển kinh tế. Có thể bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng thuế môi trường sẽ hợp lý hơn.

    Đồng quan điểm với ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, ông Đặng Vinh Sang – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Saigon Petro cũng cho rằng, giảm thuế và tăng xả quỹ bình ổn giá là việc nên làm.

    Ngoài ra, ông Sang cũng đưa ra nhận xét, việc chúng ta đang thay đổi giá theo chu kỳ 30 ngày, rất lạc hậu so với diễn biến giá thế giới. Như đợt vừa rồi, giá thế giới sau khi tăng đã giảm trở lại thì lúc đó chúng ta lại tăng giá, gây bức xúc trong người tiêu dùng. Theo tôi, nên giảm chu kỳ tính giá còn từ 10-15 ngày là hợp lý, sát với diễn biến giá thế giới hơn.

    Tuy nhiên, nói về cơ hội giảm giá xăng thời điểm này, ngày 17/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc điều hành giá xăng không thể tiết lộ, khi nào có sẽ thông báo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xang-dau-the-gioi-ha-nhiet-dan-hoi-hop-cho-ha-gia-xang-a41584.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan