+Aa-
    Zalo

    Xé rào cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Dân cứ "phá", VECS cứ sửa?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mong rằng bức tâm thư ông Đoàn Ngọc Hải gửi đến các cơ quan chức năng ngành giao thông về việc xé rào cao tốc Hà Nội – Lào Cai sẽ sớm được hồi âm tích cực...

    Mong rằng bức tâm thư ông Đoàn Ngọc Hải gửi đến các cơ quan chức năng ngành giao thông về việc xé rào cao tốc Hà Nội – Lào Cai sẽ sớm được hồi âm tích cực...

    (Ảnh: FB ông Đoàn Ngọc Hải)

    Trong hành trình vạn dặm lan tỏa yêu thương đến đồng bào khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S, chiều 6/3, ông Đoàn Ngọc Hải phiền lòng, trăn trở, sốt sắng đến mức phải gửi tâm thư trên trang Facebook có đến gần 72 nghìn người theo dõi về việc quán cơm phá rào cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

    Trong bức tâm thư ấy, ông Hải nêu việc 5 quán cơm ngang nhiên mở bán sát hành lang đường cao tốc. Ông đặc biệt nhấn mạnh, trong số 5 quán cơm, có 3 quán, các thanh sắt bảo vệ đã bị cưa để thực khách dễ dàng ghé vào quán cơm này. Theo ông, nó chẳng khác gì hiện tượng "bảo kê" vỉa hè ở các thành phố lớn.

    Ngay sau phản ánh đó, không ít đơn vị báo chí đã vào cuộc. Đại diện công ty Cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc này đã thừa nhận với báo chí rằng có việc vi phạm hành lang đường cao tốc như phản ánh.

    Chỉ có điều, có lẽ đúng như ông Hải nói: "Ai chịu trách nhiệm khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra? Xin thưa là lúc đó các cán bộ từ chủ tịch xã trở lên, từ ban An toàn giao thông huyện trở lên đều "né tránh" hết. Cuối cùng ai chịu? Có thể sẽ là "hy sinh" một anh trật tự đô thị xã nào đó bằng hình thức khiển trách rồi huề cả làng".

    Liên quan đến vụ việc, đại diện tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Tổng cục sẽ cùng phối hợp để xử lý. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý hành lang đường bộ là của địa phương và đơn vị quản lý tuyến đường.

    Ở một diễn biến khác, đại diện VECS nhanh chóng thừa nhận tình trạng trên. Đáng tiếc, theo lý lẽ của họ, thì lỗi vẫn là của... người dân. Theo VECS, người dân thường xuyên cắt phá hàng rào thép gai B40 để đi qua. Tại một số điểm, người dân còn tự ý tháo mở tôn hộ lan trái phép để tạo lối đi lại. VECS đã nhiều lần tổ chức tiến hành hàn đóng lại những điểm tháo mở nhưng cứ hàn xong lại tiếp tục bị tháo mở, tập trung chủ yếu tại các lý trình (Km181 Km182, Km190 xã Châu Quế Thượng - Văn Yên). VECS cũng đã phối hợp với địa phương thực hiện đóng nhiều lần tôn hộ lan nhưng chưa được xử lý triệt để tại lý trình (Km172, Km182+500, Km189+050, Km189+800).

    Về việc xử lý các quán cơm, đại diện cục Quản lý Đường bộ I - ông Trần Hưng Hà tỏ ra đầy trăn trở. Ông này cho hay, lực lượng chức năng đã đến kiểm tra, xử lý chủ các quán cơm này đóng lại nhưng khi không có lực lượng chức năng, họ lại mở trộm bằng cách tháo các ốc nối giữa các đoạn của hộ lan để kinh doanh, cho xe của khách hàng vào quán sau đó đóng lại.

    (Ảnh: FB ông Đoàn Ngọc Hải)

    Như những gì VECS hay đại diện cục Quản lý đường bộ trả lời, ai cũng nhận thấy các đơn vị này thực sự đã rốt ráo vào cuộc để có thể chấn chỉnh tình trạng các quán cơm phá rào cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Nhưng câu trả lời đó thực sự chưa thuyết phục. Bởi thực tế, sự việc được phản ánh từ 6/3, thì đến ngày 9/3, ghi nhận của VnExpress, tình trạng trên vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

    Cụ thể, trưa 9/3, tại Km 172+500 cao tốc Hà Nội - Lào Cao đoạn qua địa phận xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, rào lan can cao tốc dài hơn 15m vẫn bị tháo dỡ, phía trong là một quán cơm tấp nập khách ăn uống với nhiều ô tô đậu ngoài bãi xe rộng đến cả 500m2. Quán cơm này chỉ cách trạm dừng nghỉ trên cao tốc khoảng 1km.

    Đây không phải là quán duy nhất dỡ rào chắn tồn tại dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Còn hàng chục quán ăn khác nằm bên trong dải phân cách. Lãnh đạo Đội tuần tra, kiểm soát đường bộ cao tốc số 1 (cục Cảnh sát giao thông) cho biết, ngày 8/3, lực lượng chức năng đã lắp lại rào chắn tại tại Km 172+500, tuy nhiên đến hôm nay lại bị dỡ ra.

    Thực sự, lời giải thích của các bên liên quan khiến chúng ta cảm thấy khó nghĩ. Nếu đúng như lãnh đạo Đội tuần tra, kiểm soát đường bộ cao tốc số 1 nói, CSGT sử dụng camera giám sát đã xử lý nhiều trường hợp như vậy, thì trên cương vị một người đi đường, chẳng ai dại gì ăn một bữa cơm hay một bát phở để phải trả số tiền phạt 5-7 triệu đồng cho lỗi dừng đỗ xe bên lan can đường cao tốc để vào quán ăn. Tiền đã đành, đó còn là câu chuyện ý thức, danh dự... con người. Còn người dân, chắc không dám "đùa" với hành vi bị pháp luật cấm mà nếu vi phạm có thể bị xử lý hình sự trong mức khung từ 3-12 năm tù.

    Người dân cứ "phá", VECS cứ sửa, khác gì đem muối bỏ biển. Hay là, VECS... thừa tiền? Ai đi cao tốc này cũng thấy, những quán cơm đó chình ình và ngang nhiên như kiểu một hợp phần của cao tốc. Điều cần làm của các cơ quan chức năng là cảnh báo, giáo dục rồi đến xử phạt. Nhưng tuyệt nhiên chúng ta đều chưa thấy rõ vai trò của các bên liên quan, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm.

    Để biến một vấn đề thành một vấn nạn đơn giản lắm, đó là cả người vi phạm và chính quyền có những "lý lẽ riêng của mình". Vì thế, nếu là mưu sinh, xin hãy dừng lại. Chúng ta không thể mưu cầu lợi ích bằng việc đánh đổi tính mạng người khác

    Chúng tôi chờ một cái kết triệt để, không đá bóng...

    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

    Lãnh đạo công ty VECS cho biết, hiện nay trên đoạn tuyến tình trạng các điểm hàng quán nước được người dân mở ra kinh doanh trái phép đều nằm ngoài hàng rào dây thép gai, B40 của đường cao tốc. Tại những vị trí này, người dân thường xuyên cắt phá hàng rào thép gai B40 để đi qua. VECS đã nhiều lần tổ chức tiến hành hàn đóng lại những điểm tháo mở nhưng cứ hàn xong lại tiếp tục bị tháo mở, tập trung chủ yếu tại các lý trình (Km181, Km182, Km190 xã Châu Quế Thượng - Văn Yên). VECS đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương để rào lại các điểm này. Tuy nhiên mỗi lần đi rào lại gặp phản ứng dữ dội của người dân, thậm chí họ còn cầm dao đuổi lực lượng chức năng.

    Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định, trách nhiệm quản lý hành lang đường bộ là của địa phương và đơn vị quản lý tuyến đường. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Tổng cục sẽ cùng phối hợp để xử lý. Đối với hành vi vi phạm nhiều lần phải xử lý hình sự mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tổng cục sẽ làm việc với UBND tỉnh Yên Bái, VECS để giải quyết dứt điểm vi phạm này.

    Mộc Miên

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (41)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xe-rao-cao-toc-ha-noi---lao-cai-dan-cu-pha-vecs-cu-sua-a359019.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan