+Aa-
    Zalo

    Xét tuyển đại học 2015: Thí sinh có nhiều lợi thế nhưng "vất vả" hơn

    ĐS&PL (ĐSPL)- Một thí sinh thẳng tay đốt 4 giấy chứng nhận kết quả thi... vì quá mệt mỏi với việc xét tuyển Đại học 2015 trong những ngày vừa qua.
    (ĐSPL)- Một thí sinh thẳng tay đốt 4 giấy chứng nhận kết quả thi... vì quá mệt mỏi với việc xét tuyển Đại học 2015 trong những ngày vừa qua.

    Theo báo Phụ nữ, ngày 17/8/2015, một tài khoản cá nhân có tên K.T.V đã tuyên bố đốt 4 tờ giấy chứng nhận kết quả thi đại học, tổ hợp C00 (Ngữ văn, Địa Lý, Lịch sử).

    Kèm theo đó là hình ảnh tự tay chụp 4 tờ giấy chứng nhận đang bốc cháy được đăng tải cùng những lời tâm sự: "Dấu đỏ đây, không cần phải giải thích gì nhiều, không muốn câu like rẻ tiền, chỉ là đã có con đường khác".

    Ngay sau khi bức hình "đốt giấy chứng nhận kết quả thi" của K.T.V được đăng tải, hành động quá khích của bạn thí sinh này đã thu hút rất nhiều ý kiến bình luận.

    Thí sinh K.T.V.

    Theo chia sẻ của thí sinh này trên facebook, sở dĩ có hành động này chỉ vì V. đã quá thất vọng với điểm của mình và mệt mỏi với việc xét tuyển trong những ngày qua.

    Trò chuyện với V, được biết V là thí sinh tự do, sinh năm 1994, quê quán ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. V. đã bỏ thời gian công sức hơn 1 năm trời ôn luyện nhưng kết quả đã không như mong đợi, với tổng số điểm có được là 20,5.

    Trước đó, V. có dự định nộp hồ sơ vào ngành "Sỹ quan biên phòng". "Ngay từ đầu em đã không vui khi nhận được phiếu điểm. Em đã nghĩ mình làm rất tốt mà không ngờ lại điểm như vậy. Phiếu điểm này là bạn em lấy giúp chứ em không muốn đi lấy" - Thí sinh V. chia sẻ.

    Hình ảnh thí sinh đốt giấy chứng nhận đăng trên facbook.

    Khi trao đổi với phóng viên về dự định tiếp theo của mình, K.T.V nói sẽ sang Nhật du học và quyết định đi trên một con đường khác.

    Không chỉ có thí sinh V nói trên cảm thấy mệt mỏi trong những ngày chờ đợi xét tuyển mà đa số phụ huynh, thí sinh đều tỏ rõ sự mỏi mệt khi phải chờ đợi trong tâm trạng giống như “chơi chứng khoán” với việc rút, nộp hồ sơ vào các trường ĐH.

    Đặc biệt, vào mỗi dịp cuối 1 đợt (3 ngày), khi các trường công bố danh sách điểm xét tuyển, thì lại là một cuộc “khủng hoảng” nữa cho cả thí sinh với người nhà và bản thân những người làm công tác tuyển sinh của các trường cũng quá tải. Việc xét tuyển năm nay thật sự đã làm khó cả thí sinh lẫn các trường ĐH.

    Cần có sự thay đổi cho phù hợp

    Thông tin từ báo tin tức, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho thí sinh các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển, nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt ĐH, nhưng người có điểm thấp lại có chỗ trên giảng đường, như những năm trước đây.

    Bộ GD - ĐT khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình.

    Bộ trưởng nhấn mạnh: “Để tận dụng lợi thế đó, các em sẽ phải vất vả hơn, tuy nhiên, thí sinh không bắt buộc phải tham gia vào sự "quay cuồng" đó. "Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước là nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả. Bộ GD - ĐT đã tạo điều kiện tối đa và để rộng cửa cho các em xem sử dụng cơ hội đó hay không".

    Một trong những bất cập của kỳ tuyển sinh năm nay là việc áp dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển khiến nhiều thí sinh và phụ huynh bức xúc.

    Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các kỳ thi kiểm tra, đặc biệt là trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.

    Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công với hiệu quả cao, ngoài yếu tố con người thì hạ tầng ICT rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định.

    Thực tế, kết cấu hạ tầng ICT của các trường ĐH, CĐ Việt Nam không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế nên chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống.

    Với việc mỗi trường cập nhật thứ hạng điểm theo một cách, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD - ĐT nhấn mạnh: “Quy định của Bộ là các trường ĐH - CĐ ít nhất 3 ngày/lần công bố thông tin đăng ký xét tuyển, trong đó cần đưa ra các thông tin căn bản như thông tin về mức điểm, điểm ưu tiên, tổ hợp đăng ký của thí sinh vào ngành đào tạo… Từ quy định chung này, các trường sẽ lựa chọn phương thức tốt nhất trong việc hỗ trợ thí sinh. Việc làm này cũng sẽ thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với những sinh viên tương lai của mình”.

    Ý kiến của các lãnh đạo Bộ là như vậy, tuy nhiên, với thực tế những ngày qua, rõ ràng vấn đề xét tuyển ĐH - CĐ năm nay là bất cập. Dẫu gì việc đã rồi, nhưng quan trọng là Bộ GD - ĐT rút ra được kinh nghiệm gì để chỉnh sửa trong những năm tới, nhằm tạo thuận lợi nhất cho cả thí sinh lẫn các trường, không khiến cho “cải tiến” lại thành “cải lùi” như hiện nay.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]zhF7F74dNo[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-tuyen-dai-hoc-2015-thi-sinh-co-nhieu-loi-the-nhung-vat-va-hon-a106760.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.