+Aa-
    Zalo

    Xét xử vụ án Alibaba: Nguyễn Thái Luyện tiếp tục kêu oan

    ĐS&PL Bị cáo Luyện cho rằng toàn bộ hoạt động mua bán đất là công khai, minh bạch nên cáo trạng tuy tố oan sai.

    Ngày 10/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba).

    Phiên tòa tiếp tục đến phần xét hỏi của các luật sư bào chữa.

    Theo báo Tuổi Trẻ, tại phiên tòa, Luyện tiếp tục khẳng định Alibaba thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai và Luật kinh doanh bất động sản. Thậm chí, bị cáo Luyện còn khẳng định số liệu 4.500 khách hàng là chưa đúng, Alibaba có hàng trăm ngàn khách hàng.

    Bị cáo Luyện tiếp tục khẳng định mình bị truy tố oan, dẫn đến toàn bộ 22 bị cáo khác làm theo chỉ đạo của Luyện cũng bị oan bởi họ đều làm theo các giao dịch dân sự hợp pháp. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, bị cáo đã viết khoảng 80 lá đơn gửi các cơ quan nhưng rất ít được trả lời, hoặc trả lời không đúng trọng tâm mà bị cáo khiếu nại.

    Luyện còn khẳng định mình bán bất động sản uy tín và đảo bảo quyền lợi cho khách hàng nên có hàng trăm ngàn khách hàng đã mua đất dự án của Alibaba.

    "Như vậy, khách hàng không phải là 4.500 người như cáo trạng truy tố, mà hàng trăm ngàn, nhưng có thể họ bảo vệ công ty nên không lên cơ quan điều tra để tố cáo", Luyện khai.

    Trong số những khách hàng ký hợp đồng mua đất nền của Alibaba, có nhiều khách là nhân viên của Alibaba, thậm chí là chính các bị cáo trong vụ án.

    xet xu vu an alibaba nguyen thai luyen tiep tuc keu oan
    Bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Thanh Niên

    Liên quan đến vụ án, theo tờ Tri thức Trực tuyến, trong phiên xét xử ngày 9/12, ông Nguyễn Trung Đình (người được triệu tập đến tòa do có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án) đề nghị HĐXX xem xét trả ôtô cho mình, bởi đây là xe ông vay tiền ngân hàng mua nhưng đang bị cơ quan điều tra kê biên.

    Ông Đình nói xe này là xe của mình, được ông ký hợp đồng cho bị cáo Luyện thuê với giá 50 triệu đồng/tháng. Sau khi Luyện bị khởi tố, chiếc xe này cũng bị tạm giữ, kê biên. Xe thế chấp ngân hàng để vay tiền mua nên khi xe bị tạm giữ, ông không thể kinh doanh được.

    "Khoản nợ ngân hàng ngày càng lớn, đến nay ngân hàng đang muốn bán xe để thu hồi nợ", ông Đình cho hay.

    Tuy nhiên, tại phiên xét xử ngày 10/12, HĐXX hỏi bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, vợ Luyện) về chiếc ôtô này, bởi Mai là người làm hồ sơ vay ngân hàng để mua xe.

    Tại tòa, bị cáo Mai khẳng định đây là xe do Công ty Alibaba mua và chỉ nhờ ông Đình đứng tên giùm.

    "Chiếc xe này có giá hơn 4 tỷ đồng, khi mua xe bị cáo đã trả trước 2,5 tỷ đồng, số tiền còn lại bị cáo trả góp hàng tháng", Võ Thị Thanh Mai khai.

    Sau đó, ông Đình thừa nhận mình chỉ là người đứng tên giùm cho tài sản của Nguyễn Thái Luyện.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-xu-vu-an-alibaba-nguyen-thai-luyen-tiep-tuc-keu-oan-a560032.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan