+Aa-
    Zalo

    Xét xử vụ chạy thận 9 người chết ở Hòa Bình: Lời khai mâu thuẫn của nguyên giám đốc và PGĐ bệnh viện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại tòa, bị cáo Khiếu bác lời khai của nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình khi cho rằng, bản thân không được đào tạo về chuyên môn lọc máu tại BV Bạch Mai.

    Tại tòa, bị cáo Hoàng Đình Khiếu khẳng định không được đào tạo về chuyên môn lọc máu, không được cấp chứng chỉ lọc máu. Tuy nhiên, chỉ ít phút trước đó, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương lại cho biết, bị cáo Khiếu cùng 2 bác sĩ khác đã được cử đi học lọc máu và được cấp chứng chỉ ở BV Bạch Mai.

    [presscloud]7017[/presscloud]

    Clip: Lời khai của bị cáo Trương Quý Dương tại tòa (Nguồn: Người Đưa Tin)

    Chiều ngày 14/1, TAND TP.Hòa Bình tiếp tục phiên xét xử vụ án liên quan đến sự cố y khoa ở BVĐK tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong.

    Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình trả lời: Khoảng 9h30 ngày 29/5/2017, bị cáo Dương mới nhận được điện thoại của bác sĩ Khiếu (bị cáo Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) thông báo là có hiện tượng bệnh nhân dị ứng, chứ không được ai cảnh báo là có tình trạng ngộ độc.

    Bị cáo Dương khai đã liên hệ với Bệnh viện (BV) Bạch Mai và nói rõ là ngày hôm trước sửa chữa hệ thống RO và được bác sĩ Khiếu thông báo lại là đã trao đổi với các bác sĩ khoa Thận BV Bạch Mai, được cho biết có khả năng bị dị ứng bởi tồn dư hóa chất. Bị cáo trao đổi với bác sĩ Khiếu là ngừng chạy thận và lọc rửa lại cho hết tồn dư hóa chất trong hệ thống RO.

    Bị cáo Trương Quý Dương đến tham dự phiên toà ngày 14/1. Ảnh: Soha.vn

    Tuy nhiên, sau đó, Trương Quý Dương vẫn chỉ đạo Hoàng Đình Khiếu tiếp tục triển khai hoạt động chuyên môn, khi nào có diễn biến bất thường thì báo cáo lại cho Giám đốc BV và hậu quả là bệnh nhân chạy thận tử vong.

    Theo bị cáo Dương thì, “trong chạy thận thì việc dị ứng là điều bình thường”. Đồng thời nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cho rằng: “Bản thân chuyên khoa ngoại, ai phụ trách lĩnh vực nào thì chịu trách nhiệm lĩnh vực đó, có vấn đề gì thì báo cáo tôi”.

    Sau khi xảy ra sự cố, bản thân là người đứng đầu bệnh viên, bị cáo Dương khai đã cùng với các bác sĩ BVĐK tỉnh Hòa Bình tập trung cứu chữa bệnh nhân, xin ý kiến lãnh đạo Sở, báo cáo Công an tỉnh, liên hệ BV Thành phố Hòa Bình để chuyển 10 bệnh nhân sang lọc thận và thải khử độc...

    Đối với những gia đình đã có nạn nhân tử vong, bị cáo đã kịp thời, khẩn trương gửi lời chia sẻ, trực tiếp thay mặt BV xuống gia đình các nạn nhân gửi tiếp 10 triệu đồng nữa và thắp hương kính viếng…

    Bị cáo Trương Quý Dương khẳng định, về thẩm quyền được phép trong tình huống này, bị cáo Hoàng Đình Khiếu và các bác sỹ hồi sức tích cực có thẩm quyền báo cáo chuyên môn. Quy chế bệnh viện của bộ Y tế đã ghi rõ: Phó Giám đốc được thay mặt Giám đốc trong lĩnh vực phụ trách. BV đã có quyết định phân công nhiệm vụ số 262, từng cán bộ phải chịu trách nhiệm trong lĩnh vực phụ trách chuyên môn.

    Cũng trong phiên xét hỏi vào buổi chiều hôm qua (14/1), HĐXX TAND TP Hoà Bình làm rõ các vấn đề về việc đào tạo chuyên môn lọc máu. 

    Trả lời về vấn đề này, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương cho biết, về chuyên môn, con người, bị cáo rất yên tâm. Còn về cơ sở vật chất thì BV đã tìm rất nhiều nguồn. Còn về mặt pháp lý sau khi có Quyết định số 23 của Bộ Y tế thì BV đã xin phép Sở Y tế cho phép triển khai kỹ thuật đó.

    Nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình trả lời trước tòa. Ảnh: Người Đưa Tin

    Về con người, ông Trương Quý Dương nói căn cứ theo đề xuất tham mưu, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng với BV Bạch Mai (khoảng 5 hợp đồng) chuyển giao kỹ thuật do PGĐ Hoàng Đình Khiếu trực tiếp ký.

    Trên cơ sở các hợp đồng chuyển giao công nghệ, BV đã cử đúng số lượng người đi học ở BV Bạch Mai. 23 cán bộ của BV Hòa Bình, tính cả bác sĩ là 26 (3 bác sĩ là bác sĩ Khiếu, Tình, Lương) đã được cử đi học về lọc máu ở BV Bạch Mai và đều có chứng chỉ, trong đó ghi rõ đã làm được những kỹ thuật gì, bao nhiêu lần.

    Tất cả những cán bộ này đều được học 5 kỹ thuật lọc máu, đều được cầm tay chỉ việc, khi nào kết thúc thanh lý hợp đồng, thực hiện thành thục mới được nghiệm thu.

    Cũng theo bị cáo Dương việc chuyển giao công nghệ BV đã có ký kết với BV Bạch Mai theo đề án 86, đây là một đề án mang tính xã hội, không đặt vấn đề quyền lợi. Đối với BV Bạch Mai trách nhiệm là hoàn thành nhiệm vụ Bộ Y tế giao và giảm tải cho BV tuyến đặc biệt.

    Theo hợp động ký chuyển giao công nghệ với BV Bạch Mai, có 4 nội dung: lọc máu thông thường, lọc máu cấp cứu, xử lý nước, rửa quả lọc.

    "Người ký kết với BV Bạch Mai là bác sĩ Hoàng Đình Khiếu, là người có chuyên ngành sâu. Bác sĩ Khiếu tạm thời phụ trách đơn nguyên, thuộc khoa Hồi sức tích cực và hoạt động theo quy chế BV", bị cáo Dương cho hay.

    Tuy nhiên, trong phần khai của mình trước toà, bị cáo Hoàng Đình Khiếu lại khẳng định mình không được chuyển giao kỹ thuật lọc máu, dù ông Khiếu có trong danh sách chuyển giao của BV Bạch Mai. Ông Khiếu cũng không biết mình có tên trong danh sách.

    Trước lời khai mâu thuẫn của 2 bị cáo, tòa yêu cầu ông Khiếu giải thích rõ để xem xét trách nhiệm của BV Bạch Mai.

    Các bị cáo trong phiên xử vụ chạy thận 9 người tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Soha.vn

    Theo bị cáo Khiếu, quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ, phân công của bị cáo chỉ là giúp việc cho Giám đốc; thực thi công việc được giáo đốc giao; Thay thế giám đốc khi được giám đốc ủy quyền.

    Đối với trách nhiệm và quền hạn của bị cáo Khiếu ở phòng vật tư chỉ là lập kế hoạch hàng năm trình ban giám đốc mua, sắm thiết bị, vật tư y tế… Ngoài ra, ông Khiếu sẽ ký duyệt đề xuất sửa chữa, trang thiết bị trong BV, khoa phòng nếu có đề xuất cung ứng vật tư.

    Nói về việc tổ chức con người, giám sát tại phòng vật tư, bị cáo Khiếu khẳng định: "Công tác tổ chức nhân sự thuộc về tổ chức và ban giám đốc. Bị cáo chỉ là người giúp việc cho giám đốc. Phòng vật tư làm việc không cần thông qua bị cáo. Không có quy định, từ khi phòng vật tư có những vấn đề phòng vật tư. Quyền hạn phòng vật tư của bị báo không rõ ràng".

    Bị Khiếu trình bày thêm, trong quy chế BV bị cáo chỉ là giúp việc, khi giao nhiệm vụ mới làm. Giám đốc là người có quyền hạn bổ nhiệm trưởng khoa.

    Nói về quyền lãnh đạo tại đơn nguyên chạy thận, bị cáo Khiếu cho biết: "Bị cáo có quyền hạn bố trí nhân lực nhân sự trong khoa phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực của từng người. Đơn nguyên thận nhân tạo là một bộ phận thuộc khoa Hồi sức cấp cứu. Khoa Hồi sức cấp cứu cử người đi học về kỹ thuật lọc máu. Riêng bị cáo không được đào tạo về kỹ thuật lọc máu".

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-xu-vu-chay-than-9-nguoi-chet-o-hoa-binh-loi-khai-mau-thuan-cua-nguyen-giam-doc-va-pgd-benh-vien-a259333.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan