+Aa-
    Zalo

    Xét xử vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình: Giáo viên khai "chấm nới tay để các em có cơ hội vào đại học"

    • DSPL
    ĐS&PL Sáng 13/5, tại TAND tỉnh Hòa Bình, HĐXX và nhóm luật sư bào chữa tiếp tục xét hỏi các bị cáo và người liên quan vụ gian lận thi THPT quốc gia năm 2017 và 2018 ở tỉnh này.

    Sáng 13/5, tại TAND tỉnh Hòa Bình, HĐXX và nhóm luật sư bào chữa tiếp tục xét hỏi các bị cáo và người liên quan vụ gian lận thi THPT quốc gia các năm 2017 và 2018 ở tỉnh này.

    Bị cáo Bùi Thanh Trà tại tòa. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

    Nguồn tin trên Tri Thức Trẻ cho hay, theo cáo trạng, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên đã thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí), nhận mã phách và thông tin thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ văn do Vinh cung cấp. Sau đó, bà Liên chỉ đạo 3 tổ trưởng tổ chấm thi và các giám khảo chấm nâng điểm cho 20 thí sinh.

    Còn các bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung và Bùi Thanh Trà đã thực hiện chỉ đạo của Liên, trực tiếp và yêu cầu cán bộ chấm thi nâng điểm cho 20 thí sinh.

    Theo tờ Pháp Luật TP.HCM, trả lời tại tòa, Bùi Thanh Trà cho biết có 18 năm kinh nghiệm làm trong ngành giáo dục. Quá trình công tác, bị cáo đạt nhiều thành tích như giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở, cô giáo duyên dáng tài năng cấp tỉnh…

    Bị cáo cho rằng chỉ được phân công làm tổ trưởng chấm thi, thực tế không có chức vụ, quyền hạn trong phòng chấm thi, tất cả chỉ theo chỉ đạo của bị cáo Liên. Bị cáo nhấn mạnh đã làm theo đúng chức năng của một giám khảo chấm thi, cũng không có quyền chỉ đạo các giám khảo khác.

    Theo lời Trà, bị cáo cùng bị cáo Liêm vào phòng chấm thi, trực tiếp nói với các giám khảo về việc chấm nâng điểm. Vì các thí sinh này đều là “quan hệ của các sếp” nên mọi người buộc phải làm theo, dù không muốn.

    Luật sư đặt câu hỏi động cơ gì khi tham gia nâng điểm cho thí sinh? Bị cáo khẳng định không hề trục lợi hay làm gì có lợi cho bản thân.

    Bị cáo lý giải giám khảo chấm bài thi đều có tinh thần chung là chấm nới tay trong khả năng giới hạn. Tuy vậy, việc chấm nới tay và chấm theo số điểm yêu cầu là rất khác nhau, bị cáo chỉ chấm nới tay mà thôi.

    "Với nhiều năm kinh nghiệm chấm thi, tôi thấy học sinh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình học lực rất yếu. Bản thân tôi không hề có động cơ vụ lợi mà chỉ xuất phát từ tình thương học trò. Tôi chấm nới tay để các em có cơ hội vào đại học, mở rộng cánh cửa nghề nghiệp của cuộc đời" - bị cáo trình bày.

    Tuy vậy, được gọi lên đối chất, giám khảo chấm thi Bùi Thị Thu Hiền cho biết có bài thi học sinh làm rất sơ sài nhưng Trà vẫn yêu cầu phải chấm đạt 7,5 điểm. Bà Hiền không đồng ý thì Trà và Liên liền nói đây là “bài của sếp”. Kết quả, bà Hiền buộc phải chấm 6 điểm theo yêu cầu.

    Hoặc như một bài thi khác dù đáng bị điểm liệt nhưng Trà và Liên vẫn yêu cầu phải chấm sao cho đạt điểm 5, vì đây là “người nhà của lãnh đạo". Khi bà Hiền thắc mắc, Trà liền quát "không hiểu gì à".

    Hai giáo viên chấm thi khác là Phạm Thị Minh Hòa, Lê Thị Hạnh cũng đều khẳng định được Trà và Liên yêu cầu chấm điểm nâng điểm cho thí sinh. Có bài thi thực tế chỉ dưới 5 điểm nhưng Trà yêu cầu chấm 7 điểm, hai bên cãi cọ, cuối cùng giám khảo buộc phải chấm 6 điểm.

    Thanh Tùng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xet-xu-vu-gian-lan-thi-cu-o-hoa-binh-giao-vien-khai-cham-noi-tay-de-cac-em-co-co-hoi-vao-dai-hoc-a323189.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan