+Aa-
    Zalo

    Xóm Việt kiều lay lắt "sống được ngày nào hay ngày đó"

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL)- Những đứa trẻ ở xóm Việt kiều đều có chung một hoàn cảnh: không có giấy khai sinh, không hộ khẩu và đặc biệt không biết chữ.

    (ĐSPL)- Những đứa trẻ ở xóm Việt kiều đều có chung một hoàn cảnh: không có giấy khai sinh, không hộ khẩu và đặc biệt không biết chữ.

    Sau hàng chục năm tha phương mưu sinh bên nước bạn Camphuchia, họ trở về quê hương không một mảnh giấy tùy thân. Họ khát khao một mái nhà để an cư lạc nghiệp, con cháu có cơ hội cắp sách đến trường. Nhưng cuộc sống hiện tại của họ vẫn còn đầy những gian truân, vất vả...

    Chông chênh phận đời

    Chúng tôi đến thăm “xóm Việt kiều” ở dưới chân cầu Sài Gòn 1 thuộc ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản (Bình Phước) vào một ngày mùa mưa của tháng 7. Đứng từ trên nhìn xuống có thể thấy khoảng 20 mái nhà lụp sụp nằm núp phía dưới chân cầu. Gọi là nhà cũng không phải mà đó chỉ là những căn chòi được dựng lên bằng tre nứa rồi quây lại bằng những tấm bạt cũ kĩ rách nát. Do gần sông nước nên các căn chòi của người dân nơi đây thường được làm cao hơn mặt đất. Dường như chỉ một cơn gió thoảng qua cũng đủ để cái xóm nhỏ nghiêng ngả, xiêu vẹo.

    Xóm Việt kiều lây lất dưới chân cầu
     Xóm Việt Kiều nhìn từ trên cầu xuống.

    Trong căn nhà chưa đầy 20m2 là nơi cư ngụ của 8 thành viên lớn nhỏ trong gia đình bà Võ Thị Sánh (50 tuổi). Căn nhà của bà Sánh nằm lọt thỏm dưới chân cầu, mỗi khi xe tải chạy qua, những cái cột nhà nhỏ xíu run lên bần bật. Ngồi bó gối trên sàn tre, bà Sánh ngậm ngùi kể lại hành trình tha phương của gia đình. 

    Trước năm 2005, gia đình bà sống ở tỉnh Pursat (Campuchia), làm nghề đánh bắt cá trên Biển Hồ. Ở bên đó cuộc sống đói khổ lắm, làm thuê rồi đánh bắt cá cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Vào mùa nước nổi, Chính phủ Campuchia cấm đánh bắt cá trên Biển Hồ, thế là lại đói ăn. Cả nhà  8 người lại lục đục kéo về quê hương dựng chòi dưới chân cầu Sài Gòn 1 mong tìm nguồn sống.

    Gần 10 năm trở về nước, tài sản của 8 con người mang danh “Việt kiều hồi hương” của gia đình bà Sánh chỉ là những tay lưới chắp vá và 3 không: không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu và không cả... tương lai. Phần lớn thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tôm, cá dưới dòng sông.

    Anh Nguyễn Văn Sanh (24 tuổi, con trai bà Sánh) cũng đứng cạnh đó, rít thuốc liên tục. Anh mới vừa mới về nhà sau chuyến đi giăng lưới ở mé sông bên kia. Anh than thở: "Chuyến đi gần nữa tháng mà tôi chỉ kiếm được 3 kg cá, ngày hôm nay chắc đói. Toàn những thứ cá vụn rẻ mạt, bán được vài đồng đủ mua gạo ăn trong ngày đã là may lắm rồi”. Tôi hỏi sao không kiếm cái nghề ổn định làm? Anh lắc đầu: “Một tờ giấy tuỳ thân còn không có, ai mà dám nhận vào làm. Sống được ngày nào hay ngày đó thôi”.

    Cạnh đó là căn chòi của gia đình ông Trần Văn Minh (49 tuổi) và bà Lê Thị Tiền (48 tuổi), nghèo cũng không kém. Giống như gia đình bà Sánh, ông Minh cũng đều từ vùng Biển Hồ trôi dạt về đây. Cả gia đình 12 người của ông Minh đều làm nghề giăng câu, chài lưới. Cá bắt được nếu nhiều thì đem bán đổi gạo, ít thì chế biến thức ăn cho gia đình.

    Xóm Việt kiều lây lất dưới chân cầu
    Những căn chòi tồi tàn chỉ đủ che mưa.

    Cuộc sống của những con người ở cái xóm Việt kiều này chông chênh vô định như thế. Cái ăn còn khó kiếm nói gì đến việc làm giàu. Vào mùa khô, nước trên sông Sài Gòn khô cạn, dân chỉ trông chờ vào mớ tép, con cua con ốc được mò trong các hang hốc đem về. Chiếc ghe là tài sản quý giá nhất mà người dân ở đây ai cũng phải có. “Bữa cơm được coi là sang trọng, thịnh soạn nhất cũng chỉ là có kho có thêm món canh chua được đưa về từ nghề sông nước. Những hôm đi làm mà không bắt được gì thì ăn rau chấm muối ớt sống qua ngày”, anh Minh xót xa nói.

    Nước sinh hoạt với những người dân ở đây cũng trở thành một thứ xa xỉ. Họ phải mua nước với giá 10.000 đồng một can loại 20 lit. Nước mua này chỉ dùng để ăn uống, còn sinh hoạt và tắm rửa thì hướng thẳng ra sông. Họ dùng nước múc từ dòng sông đục ngầu, lắng phèn cặn rồi mới dùng được. Việc tắm giặt cũng múc nước sông lên dùng, ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng dựa vào dòng sông.

    Khi vào mùa mưa lũ, nhưng giữ chiếc thuyền chỉ có một dây thừng được buộc vào gốc cây trên bờ, có “nhà” thì chỉ buộc vào một chiếc cọc nhỏ. Anh Minh thở dài: “Hôm nào mưa thì suốt đêm chỉ lo hứng dột và che chắn nhà, chứ cũng chẳng còn thời gian mà lo thuyền tuột dây trôi ra xa, vả lại ai cũng biết bơi hết rồi, đâu còn sợ sóng nước là chi! Chỉ tội cho lũ trẻ...”.

    Thất học và đói nghèo

    Những đứa trẻ chúng tôi gặp ở nơi đây, có đứa được sinh ra tại Campuchia, cũng có đứa được chôn nhau cắt rốn ngay tại xóm Việt kiều này, nhưng chúng có chung một hoàn cảnh: không có giấy khai sinh, không hộ khẩu và đặc biệt không biết chữ. Nhìn những đứa trẻ nheo nhóc, còi cọc vì thiếu thốn ấy đã khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

    Xóm Việt kiều lây lất dưới chân cầu
    Những đứa trẻ không hề có tương lai.

    Nghe chúng tôi hỏi về chuyện học của những đứa trẻ, ông Nguyễn Văn Lễ (SN 1964) - người được xem là ở đây lâu nhất, lắc đầu nói: “Những người dân ở đây toàn thất học. Nhiều người một chữ tiếng Việt cắn đôi cũng không biết, mặc dù nói chuyện thao thao. Do bà con trở về Việt Nam tạm cư chỉ năm, sáu năm nay, chưa ai có quốc tịch, hộ khẩu… nên chuyện đưa các cháu đến trường vẫn còn trong mơ”.

    Cuộc sống nghèo khổ quanh năm bám sông nước, việc lên bờ đi học cái chữ đối với lũ trẻ là điều xa xỉ. Có những gia đình ba thế hệ chung sống mà không một người nào biết mặt chữ. Mỗi khi giao dịch hay kí nhận một chuyện gì đó chỉ biết đóng chữ “thập” điểm chỉ mà thôi”. Cha mẹ mù chữ nên việc dạy dỗ cho con cũng là điều không thể. Vì vậy mà việc mù chữ có nguy cơ là truyền từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Nhất là khi do không có hộ khẩu nên việc đăng kí thường trú là không thể. Trẻ con trong xóm có muốn cũng chẳng được đến trường.

    Một tia sáng nhỏ trong cuộc đời của người dân xóm cầu này xuất hiện trong thời gian gần đây. Ấp trưởng Đỗ Đình Khanh (SN 1952), cho biết: “Được sự giúp đỡ của chùa Thiện Quang (TP. Hồ Chí Minh), UBND xã Minh Tâm đã mở một lớp học chữ vào buổi tối cho các hộ dân. Tuy nhiên, cho đến nay lớp học chỉ có 25 trẻ nhỏ, còn người lớn vì bận việc, tâm lí ái ngại nên không chịu học”.

    Nghèo đói và thất học triền miên khiến cuộc sống của người dân xóm cầu chỉ là tạm bợ qua ngày, mù mịt không lối ra. Cuộc sống bám triền sông làm chỗ ở, nhờ dòng nước để bắt con cá, con cua khiến mỗi phận đời càng trở nên mong manh. Nhiều lần chính quyền họp  để bàn về hướng đi cho dân xóm cầu, đặc biệt là động viên họ đi học lớp công nhân cạo mủ. Tuy nhiên, do tập quán cố hữu là “làm bạn với sông nước” nên họ không chịu, tiếp tục bám nghề. “Họ kết hôn tự phát, thích là làm đám cưới. Khi chính quyền đến động viện thì bơi thuyền bỏ đi nơi khác. Việc sinh đẻ cũng không có kế hoạch, vì vậy trong xóm có nhà lên tới 12 nhân khẩu. Nhiều gia đình nghèo không có cái ăn mà vẫn tiếp tục sinh con”, ông Khanh chia sẻ.

    Điều lo ngại nhất đối với cuộc sống người dân xóm cầu là vào mùa mưa. Việc sạt lở bờ sông khiến cho đời sống người dân ở cái xóm nhỏ này bị đe doạ. Nhiều năm nay, cứ mỗi lần mưa bão là chính quyền địa phương phải chuyển người dân lên đường rồi dựng chòi để ở. Sau khi “trời yên bể lặng” các hộ dân lại trở về dựng lại căn chòi của gia đình mình để tiếp tục cuộc sống. Mỗi khi có giông bão là các lực lượng chức năng của xã lại được điều động để cứu hộ cứu nạn. Dựng chòi, cho thức ăn nước uống để hỗ trợ các hộ dân tránh lũ lụt.

    Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm xác nhận: “Cho đến nay, dưới chân cầu đã có 12 hộ với 49 nhân khẩu sinh sống đang sống trong cảnh khó khăn về vật chất. Nhưng do người dân ở đây không giấy tờ tuỳ thân nên các chính sách định canh, định cưu hay hộ nghèo đều không thể thực hiện được. Việc nhập khẩu cho họ vượt quá thẩm quyền của UBND xã”.

    Cũng theo bà Quý, mặc dù UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa được trả lời. Trong mùa mưa lũ này rất dễ gây ra sạt lở nguy hiểm nên UBND xã Minh Tâm đang tìm biện pháp di dời các hộ dân đến một khu vực an toàn hơn.                    

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xom-viet-kieu-lay-lat-song-duoc-ngay-nao-hay-ngay-do-a45289.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan