Xót xa chứng kiến rừng phòng hộ Buôn Đôn bị tàn phá


Thứ 3, 15/08/2017 | 02:40


Cùng sự kiện

Trong chuyến thâm nhập rừng phòng hộ Buôn Đôn, PV báo ĐS&PL đã ghi nhận thực trạng rừng bị tàn phá tàn khốc.

Trong chuyến thâm nhập rừng phòng hộ Buôn Đôn, PV báo ĐS&PL đã ghi nhận thực trạng rừng bị tàn phá tàn khốc. Điều khiến PV ngạc nhiên, lâm tặc vô tư cưa gỗ, phá rừng sát trạm quản lý bảo vệ rừng, gỗ khai thác, tập kết sát Quốc lộ 29 nhưng không có lực lượng nào can thiệp...

“Bức tử” rừng phòng hộ

Huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Ngoài rừng Quốc gia Yok Đôn, hiện nay, trên địa bàn huyện còn có hơn 10.000ha rừng và đất rừng được giao cho ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn (BQLBVR) quản lý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, huyện này liên tục nóng lên tình trạng phá rừng.

Đầu tháng 8, từ trung tâm xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) theo tuyến tỉnh lộ 1 đi về hướng huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) khoảng 5km, PV có mặt tại địa phận rừng phòng hộ. Những cánh rừng cổ thụ bạt ngàn đã thay thế bằng hàng trăm hécta ngô, mì, dấu tích còn lại là những gốc cây đường kính lớn cháy đen, mục rỗng... Tiếp tục rẽ vào Quốc lộ 29, hướng về huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) theo ghi nhận của PV, dọc theo hai bên đường có hàng trăm con đường tiểu ngạch dẫn sâu vào tâm rừng, hằn nhiều vết bánh xe cỡ lớn còn rất mới.

Bãi tập kết gỗ của lâm tặc nằm sát Quốc lộ 29.

Để “tận mục” rừng bị “tàn sát”, PV men theo một con đường tiểu ngạch để vào rừng. Tại tiểu khu 454, đi chừng 20m đã phát hiện một bãi tập kết gỗ, có 14 lóng gỗ các loại, đường kính 30 – 50cm dài khoảng 4m. Những dấu vết hiện trường cho thấy, bãi gỗ này mới được lâm tặc cắt hạ và đưa ra khu vực này khoảng vài ngày trước để đợi thời cơ vận chuyển, tiêu thụ.

Mật phục lâm tặc

PV tiếp tục đi sâu vào trong. Nhưng do con đường tiểu ngạch mà chúng tôi chọn để vào rừng bị xe chuyên dụng của lâm tặc đào phá, nhầy nhụa sình lầy, không thể di chuyển bằng xe máy, PV phải bỏ xe lại, tiếp tục đi bộ để tiếp cận vị trí nghi ngờ có lâm tặc đang phá rừng. Hơn 2 giờ đồng hồ kiểm tra, PV có thể nhìn thấy rừng phòng hộ ở khu vực này giờ đây chỉ còn loại gỗ dầu đặc trưng, đường kính nhỏ và vài loại cây thân mềm. Những loại gỗ khác rất thưa thớt và còn sót những cây có đường kính lớn hơn 30cm. Tuy nhiên, đa số các cây này đều hư lõi nên được lâm tặc tạm “tha”.
Trên lối chúng tôi đi qua có thể đếm được hàng trăm cây gỗ dầu có đường kính từ khoảng 15-20cm đã bị lâm tặc “hạ sát”. Có những gốc cây, dấu cưa còn mới, nhựa còn chảy. Nhiều vị trí, lâm tặc xẻ hộp tại chỗ, rồi mới tuồn ra ngoài. Hiện trường còn vương vãi mùn cưa, bìa gỗ, cành cây vứt ngổn ngang.

Điều đáng nói, những khu vực rừng bị tàn sát này nằm rất gần Quốc lộ 29 nhưng vẫn không bị lực lượng chức năng nào phát hiện. Rời tiểu khu 454, PV tiếp tục theo Quốc lộ 29 đi về hướng huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk). Khi đến trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) số 4 thuộc BQLBVR phòng hộ Buôn Đôn, chúng tôi bất ngờ nghe thấy tiếng cưa máy phát ra từ tiểu khu 436 cách đó không xa.

Cách trạm QLBVR số 4 chưa đầy 500m, một con đường tiểu ngạch đi vào tiểu khu 436. Trên con đường này có dấu vết loại xe “chuyên dụng” của lâm tặc còn rất mới. PV giấu xe máy, quyết định đi bộ men theo dấu bánh xe để kiểm tra bên trong. Đi được khoảng 50m, PV phát hiện cảnh tượng rừng bị tàn phá một cách tàn khốc. Gỗ nhỏ, lớn các loại bị cưa hạ, cành nằm ngổn ngang trên lối đi dấu mùn cưa còn rất mới, nhựa cây chưa kịp khô, tiếng máy cưa nổ inh ỏi, tiếng cây đổ mỗi lúc một lớn dần.

Để tránh bị lâm tặc phát hiện, PV bắt buộc phải băng rừng, đi đường vòng, tìm cách tiếp cận từ phía sau. Tại đây, PV ghi nhận một nhóm gồm 4 người đàn ông tuổi trung niên đang mải mê cưa hạ gỗ. Phương tiện các đối tượng sử dụng để vận chuyển gỗ lậu vừa khai thác là một xe máy cày chuyên dụng cỡ lớn. Trên xe, các lóng gỗ được xếp ngay ngắn, chuẩn bị rời rừng. Những đối tượng này vô tư nổ máy cưa cắt gỗ, nói chuyện lớn mặc cho khu vực mà chúng khai thác cách trạm QLBVR số 4 không xa.

Hành động ngang nhiên của lâm tặc khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc vì sao các đối tượng này dám manh động đến như thế. Hơn 2 giờ đồng hồ mật phục nhóm lâm tặc, đồng hồ lúc này đã chỉ 17h30, nhóm lâm tặc bắt đầu nổ máy, chất gỗ lên xe máy cày “chuyên dụng” chuyển về lại đường cũ, ra Quốc lộ 29. PV bí mật giữ khoảng cách, bám theo chiếc xe. Bốn đối tượng vẫn ngang nhiên cười nói lớn tiếng mà không hề biết mọi hành động của họ đã nằm trong ống kính của PV.

Khoảng 18h, chiếc xe máy cày “chuyên dụng” lăn bánh ra Quốc lộ 29 rồi đổ gỗ xuống một khu vực bụi rậm cách quốc lộ khoảng 5m. Sau đó, 4 đối tượng lâm tặc lặng lẽ lên xe, đi thẳng về hướng huyện Cư M’gar. Theo ghi nhận của PV, Quốc lộ 29 là tuyến đường độc đạo, có rất nhiều trạm quản lý bảo vệ rừng của hai huyện Buôn Đôn và Cư M’gar. Tuy nhiên, không hiểu sao lâm tặc có thể vận chuyển được số gỗ ở các bãi tập kết trong rừng ra ngoài mà không bị phát hiện? Trước tình trạng rừng phòng hộ bị tàn phá, PV đã có một buổi làm việc với BQLBVR phòng hộ Buôn Đôn. Trao đổi với PV, ông Lê Danh Khởi, Giám đốc BQLBVR phòng hộ Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Rừng phòng hộ có 10.229ha, bao gồm 10 tiểu khu nằm giáp ranh với huyện Ea Súp, Cư M’gar. Chính vì thế, tình trạng khai thác gỗ và củi của người dân rất lớn. Trong khi đó lực lượng QLBVR quá mỏng, không kiểm soát được hết khu vực dẫn đến vẫn có tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, lấy củi. Từ đầu năm đến nay, BQLBVR đã bắt 4 vụ khai thác gỗ giao cho hạt kiểm lâm xử lý với khối lượng 5,29m3 và 2 vụ phá rừng làm nương rẫy với diện tích 3,02ha”.

Mai Cường

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xot-xa-chung-kien-rung-phong-ho-buon-don-bi-tan-pha-a199030.html