+Aa-
    Zalo

    Xót xa nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ ở miền Tây xứ Nghệ vượt biên sang Trung Quốc bán bào thai

    • DSPL
    ĐS&PL Cuộc sống khó khăn, gia đình nợ nần,… vì thế nhiều phụ nữ ở miền Tây xứ Nghệ không ngại ngần vượt biên từ Việt Nam sang Trung Quốc để bán đi những đứa con chưa sinh ra.

    Cuộc sống khó khăn, gia đình nợ nần,… vì thế nhiều phụ nữ ở miền Tây xứ Nghệ không ngại ngần vượt biên từ Việt Nam sang Trung Quốc để bán đi những đứa con chưa sinh ra của mình.

    Nghèo nên… bán con

    PV báo Người Đưa Tin đến gia đình chị Moong Thị Kh. (SN 1992) và anh Moong Văn Ph. (SN 1990), trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đúng thời điểm hai vợ chồng vừa đi lao động ở tỉnh Hải Dương trở về. Mặc dù vẫn còn mệt mỏi sau chuyến đi, nhưng chị Kh. vẫn cố gắng mang đồ đạc xuống suối giặt giũ sau một thời gian dài không có ở nhà.

    “Do công ty hết việc nên phải về ăn Tết sớm, chứ nhà đang nợ nhiều tiền quá nên hai vợ chồng cũng chưa muốn về. Khi lấy nhau, chúng tôi vay mượn làm ngôi nhà sàn này hết gần 80 triệu. Giờ vẫn còn nợ mấy chục triệu nữa, không biết khi nào trả hết”, chị Kh. cho hay.

    Do cuộc sống khó khăn, chị Moong Thị Kh. từng sang Trung Quốc bán con.

    Nơi bản nghèo heo hút của miền tây xứ Nghệ này, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy mà cặp vợ chồng trẻ có thể tích góp số tiền lớn như vậy không khỏi khiến chúng tôi ngạc nhiên. Tuy nhiên, chị Kh. ngượng ngùng lắc đầu, lời giải thích của người mẹ trẻ khiến ai cũng giật mình hoảng hốt, đó là do bán con mới có tiền trả nợ.

    Chị Kh. sinh ra và lớn lên ở đây, cũng như phần lớn người dân Khơ-mú xã Hữu Kiệm chị không được đi học nên chẳng biết chữ. Đến khi trưởng thành, chị nhanh chóng lập gia đình và có 2 người con, trong đó con đầu đã 8 tuổi và con út đã lên 6 tuổi.

    Năm 2017, chị mang thai người con thứ 3. Đến cuối tháng thứ 8 thì chị nhận được một cuộc điện thoại của người quen trong xã, hiện nay đang lấy chồng ở Trung Quốc. Quá trình trò chuyện, người này biết gia đình chị Kh. đang nợ nần chồng chất, cuộc sống khó khăn. Vì vậy, người này tỉ tê việc muốn có một người con để nuôi và đề nghị chị Kh. bán thai nhi.

    Ngoài ra, người này cũng nêu điều kiện là chị Kh. không được nói cho ai biết và đi sang Trung Quốc để sinh, nếu đồng ý sẽ được nhận 10.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 30,4 triệu đồng) để gia đình trả nợ. Đây là số tiền vô cùng lớn, khiến người mẹ trẻ nhanh chóng gật đầu đồng ý.

    “Trong lúc chồng đang đi rẫy chưa về, tôi nhanh chóng xếp quần áo và ra bắt xe đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó ở đây có người đón đưa sang Trung Quốc. Đường đi rất xa, phải mất một ngày mới tới nơi. Tôi được cho ăn, cho ngủ, nhưng người ta bảo không được đi lung tung”, chị Kh. kể.

    Đến ngày vượt cạn, chị Kh. sinh được một người con gái, tuy nhiên chưa kịp nhìn mặt con thì có người đã đến đưa cháu bé đi. Sau khi ở lại khoảng 2 tuần để phục hồi sức khỏe, chị Kh. trở về nhà cũng bằng con đường kia với một bọc tiền trong tay.

    Người mẹ trẻ vô cùng hối hận khi đã đem bán con để trả nợ.

    Anh Moong Văn Ph. nhớ lại: “Khi tôi về thì mới biết vợ sang Trung Quốc sinh con rồi cho người ta nuôi. Lúc đầu cũng giận nhưng chuyện đã rồi, hơn nữa biết đâu con mình lớn lên có cơm ăn áo mặc, đi học đầy đủ hơn quê nhà. Nhưng tôi dặn vợ là sau này không được làm thế nữa, con sinh ra phải để nuôi, cuộc sống hiện khó khăn thì vợ chồng cùng nhau lao động kiếm sống chứ không được bán con”.

    Do số tiền bán con vẫn chưa đủ trả nợ nhà, nên vào tháng 4/2019, hai vợ chồng gửi con cho ông bà nội chăm sóc, rồi dắt díu nhau ra tỉnh Hải Dương lao động. Chị làm ở công ty may, anh làm ở công ty gỗ, lương của hai vợ chồng tổng trung bình cũng được 9 – 10 triệu/tháng. Kiếm tiền được bằng sức lao động, chị Kh. vô cùng hối hận khi đã bán con, thế nhưng giờ đã quá muộn để có thể thay đổi.

    Bản Đỉnh Sơn 1, nơi có 12 phụ nữ bán bào thai.

    Mỗi bào thai giá 40 – 80 triệu đồng

    Cũng tương tự lý do đó, chị Lữ Thị Ph. (SN 1981), trú bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm cũng mới trở về từ Trung Quốc sau khi bán con để trả nợ. Vợ chồng chị Ph. đã có 4 người con (3 trai và 1 gái), thế nhưng mấy năm nay người chồng bất ngờ bị ốm rồi mất sức lao động khiến cuộc sống vô cùng khó khăn.

    Trước đó, hai vợ chồng đã vay mượn gần 50 triệu để làm nhà. Nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi làm rẫy chẳng đủ sống, thì chị Ph. tiếp tục mang thai người con thứ 5. Khi thai nhi được 8 tháng thì có người đề nghị mua với giá 80 triệu đồng, sau khi bàn tính chị Ph. quyết định đồng ý.

    Vào tháng 8/2018, chị Lữ Thị Ph. đón xe ra Móng Cái và cũng từ đây đi sang Trung Quốc. Được hơn 1 tháng thì Ph. trở dạ rồi được đưa đến bệnh viện để sinh con. Sau một thời gian nghỉ ngơi, chị Ph. trở về với số tiền thừa để trả nợ ngôi nhà, thậm chí còn mua được một chiếc tivi và một chiếc xe máy.

    Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch xã Hữu Kiệm cho biết, trong 2 năm qua, trên địa phương có tới 22 phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai, trong đó có 21 người đã trở về địa phương. Sau khi cán bộ xã xuống xác minh, tất cả những người này đều thừa nhận việc sang Trung Quốc sinh con rồi để lại.

    “Phần lớn số này tập trung tại hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Đây cũng là hai bản khó khăn nhất của xã. Bán con rồi có người day dứt hối hận, nhưng cũng có người dửng dưng không quan tâm. Chưa thể ngăn chặn được tình trạng này khiến tôi cũng vô cùng đau xót”, ông Lượng nói.

    Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch xã Hữu Kiệm cho biết có 22 người sang Trung Quốc bán con.

    Theo vị chủ tịch xã lý giải, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc này: Thứ nhất là trình độ dân trí người dân còn thấp, kinh tế khó khăn nên họ bán con; Thứ hai là việc sinh đẻ quá nhiều, tình mẫu tử không được coi trọng; Đặc biệt là việc chưa có chế tài xử lý khiến chính quyền vô cùng lúng túng. Vì vậy, việc làm duy nhất của xã chỉ có thể là tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu. Sau đó, các cán bộ sẽ đề nghị người dân ký cam kết không thực hiện hành vi bán con nữa.

    Liên quan đến sự việc, Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, đơn vị cũng đã nắm được tình trạng này và đã báo cáo với các ban ngành cấp trên. Tính đến thời điểm hiện nay, Công an huyện Kỳ Sơn đã xác minh được có 25 trường hợp sang Trung Quốc đẻ rồi bán lại với giá từ 40 – 50 triệu đồng đối với bé trai và 70 – 80 triệu đồng đối với bé gái.

    Nghệ An xin ý kiến Trung ương xử lý tình trạng buôn bán bào thai

    Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Công an tỉnh vừa có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến, hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai. Văn bản này được gửi tới Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao.

    Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng buôn bán bào thai đang rộ lên ở huyện vùng cao Kỳ Sơn. Những kẻ buôn người thường tìm đến phụ nữ đang mang thai từ 6-8 tháng để dụ dỗ đưa qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch sinh con rồi bán.

    Anh Ngọc

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xot-xa-nguyen-nhan-khien-nhieu-phu-nu-o-mien-tay-xu-nghe-vuot-bien-sang-trung-quoc-ban-bao-thai-a259390.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan