+Aa-
    Zalo

    Xử 6 cựu quan chức đường sắt: Đề nghị 11 - 13 năm tù

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Nhận tiền “lót tay” lên tới 11 tỉ đồng trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, 6 cựu quan chức ngành đã hầu tòa vào sáng nay (26/10).

    (ĐSPL) - Nhận tiền “lót tay” lên tới 11 tỉ đồng trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), 6 cựu quan chức ngành đường sắt đã ra hầu tòa vào sáng nay (26/10). Trong đó, "sếp" BQL dự án bị đề nghị mức án cao nhất là 11 - 13 năm tù.

    Theo tin từ báo Thanh niên, sáu bị cáo bị đưa ra xét xử ngày hôm nay gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi, cựu Phó giám đốc RPMU - Ban quản lý các dự án đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU), Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên Phó giám đốc RPMU).

    Theo đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, bị cáo Phạm Hải Bằng đã nêu khó khăn trong thực thi dự án và hứa sẽ tạo điều kiện cho Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) nên được phía nhà thầu này đồng ý chi tiền hỗ trợ 11 tỷ đồng.

    Phạm Hải Bằng chỉ đạo cho các bị cáo Nguyễn Nam Thái, Phạm Quang Duy nhiều lần nhận tiền hỗ trợ ngoài hợp đồng tại văn phòng của JTC, RPMU. Bằng trực tiếp sử dụng 4,8 tỉ đồng, Trần Văn Lục hưởng 100 triệu đồng, Trần Quốc Đông 30 triệu đồng, Nguyễn Văn Hiếu 50 triệu đồng. Các bị cáo đã thực hiện trái công vụ để hưởng lợi số tiền. Trên thực tế, sản phẩm của nhà thầu không thực hiện đúng kế hoạch về chất lượng, cũng như tiến độ thi công.

    Hành vi của các bị cáo vi phạm quy chế cán bộ công chức, luật Kế toán, gây thiệt hại kinh tế, làm đình trệ tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản và nguồn vốn ODA. Hành vi vi phạm của nhà thầu JTC cũng đã bị nước sở tại tuyên phạt 90 triệu yên, buộc không được đầu tư ra nước ngoài trong vòng 3 năm.

    Bị cáo Bằng được xác định là chủ mưu, là người đã chỉ đạo các bị cáo Duy, Thái và tham gia trực tiếp, nên phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền đã hưởng lợi. Do vậy, cần phải cách ly bị cáo trong một thời gian dài nhưng xem xét giảm trách nhiệm hình sự vì có lời khai thành khẩn, khắc phục một phần hậu quả.

    Bị cáo Duy giữ vai trò đồng phạm, nhận tiền từ nhà thầu và qua Bằng. Bị cáo đã sử dụng số tiền vào các khoản chung tại RPMU. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo Duy vì có thái độ thành khẩn, bản thân có nhiều thành tích trong công tác.

    Tương tự, bị cáo Thái có vai trò đồng phạm tích cực, đã làm trái quy định kiểm tra đối chiếu, không xác định rõ nhân công trong dự án để trình lãnh đạo giải ngân. Bị cáo là người nhận 4,4 tỉ đồng chi vào các khoản thăm quan, tết… Viện kiểm sát nhìn nhận cần có mức án thích đáng nhưng có xem xét thái độ thành khẩn, nhân thân tốt của bị cáo Thái.

    Bị cáo Lục với tư cách là lãnh đạo RPMU biết rõ hành vi trái pháp luật của cấp dưới nhưng không ngăn cản. Bị cáo là người tham gia ký kết hợp đồng giữa RPMU với JTC và biết bị cáo Duy nhận tiền từ nhà thầu này. Cơ quan công tố đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo.

    Bị cáo Đông là người ký vào các quyết định giải ngân cho nhà thầu JTC. Khi bị cáo Bằng báo cáo có sự hỗ trợ từ phía JTC, bị cáo Đông đã chỉ đạo tự chi tiêu vào các hoạt động của cơ quan. Bản thân bị cáo Đông cũng hưởng lợi 30 triệu đồng từ nguồn tiền hỗ trợ của nhà thầu.

    Bị cáo Hiếu bỏ qua các quy trình, kiểm tra việc giải ngân cho nhà thầu JTC.

    Các bị cáo trước vành móng ngựa - Ảnh: VOV

    Liên quan đến vụ việc, nguồn tin từ báo VOV cũng cho biết, VKS cho rằng hành vi của các bị cáo rất nghiêm trọng, làm đình trệ tiến độ của dự án, xâm phạm lợi ích quốc gia, làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, làm xấu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

    Đồng thời khẳng định, cáo trạng đã truy tố cáo bị cáo là đúng người đúng tội, đúng pháp luật các bị cáo đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", đến nay vẫn chưa bồi thường hết số tiền đã hưởng lợi. VKS đề nghị mức án đối với các bị cáo:

    Phạm Hải Bằng bị đề nghị từ 11-13 năm tù giam. Bằng phải nộp hơn 3,6 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính

    Nguyễn Nam Thái bị đề nghị từ 10-12 năm tù giam. Thái phải nộp hơn 2,8 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.

    Phạm Quang Duy bị đề nghị mức án từ 8-10 năm tù giam. Duy phải nộp hơn 2,3 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.

    Trần Văn Lục bị đề nghị mức án từ 6-8 năm tù giam. Số tiền 100 triệu đồng bị cáo nộp vào tài khoản của cơ quan điều tra, VKS đề nghị bổ sung công quỹ.

    Trần Quốc Đông bị đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam. Số tiền 30 triệu đã nộp, VKS đề nghị bổ sung công quỹ.

    Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, VKS đề nghị mức án từ 7-9 năm tù giam, buộc bị cáo phải nộp 50 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.

    Ngoài ra, VKS đề nghị tòa kê biên tài sản của Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quan Duy để đảm bảo công tác thi hành án.

    HẠNH VŨ(Tổng hợp)

    [mecloud]VFWWJKRg3x[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-6-cuu-quan-chuc-duong-sat-de-nghi-11---13-nam-tu-a116574.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.