+ Aa-
    Zalo

    Xử lý hành vi xây dựng lấn chiếm vỉa hè: Thế nào là đúng luật?

    • DSPL
    ĐS&PL “Sau 10 ngày người dân không tháo dỡ các vi phạm thì các cơ quan chức năng mới có quyền cưỡng chế” - Luật sư Trần Danh Quý cho biết

    “Sau 10 ngày (trừ những trường hợp có quy định khác) người dân không tháo dỡ các vi phạm thì các cơ quan chức năng mới có quyền cưỡng chế” - Luật sư Trần Danh Quý, Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn chia sẻ về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, xây dựng. 

    Hành vi xây dựng lấn chiếm vỉa hè, đường phố là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và giao thông đường bộ, đường sắt. Trình tự, thủ tục để xử lý vi phạm như sau:

    Khi phát hiện hành vi vi phạm này thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.

    Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày kể từ ngày lập biên bản xử phạt hành chính, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian này có thể kéo dài tối đa 30 ngày nếu là trường hợp phức tạp hoặc cần giải trình theo quy định của Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

    Luật sư Trần Danh Quý - Hãng Luật Bến Nghé Sài Gòn.

    Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngoài các hình thức xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả  quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật này như buộc phục hồi tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình … Nếu xét thấy cần khắc phục hậu quả kịp thời, đảm bảo giao thông thì người có thẩm quyền có thể tổ chức thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả trên.

    Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt gửi quyết định xử phạt cho người bị xử phạt.

    Người bị xử phạt cần phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, trừ trường hợp có quy định khác. Sau thời hạn này, nếu không tự nguyện thi hành, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành.Một số biện pháp cưỡng chế thi hành như: kê biên tài sản,buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả… 

    Ngoài ra, trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức, người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản. 

    Nếu quá trình xử lý vi phạm hành chính sai quy định pháp luật, người dân chịu ảnh hưởng có thể khiếu nại quyết định xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện tại tòa đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền, có trách nhiệm liên quan thì người dân được quyền tố cáo.

    Đơn khiếu nại, tố cáo có thể gửi đến các cơ quan quản lý trực tiếp của người ra quyết định hành chính như Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân, Sở, Bộ, các cơ quan liên quan khác. Việc gửi đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo tuân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-ly-hanh-vi-xay-dung-lan-chiem-via-he-the-nao-la-dung-luat-a182383.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan