+Aa-
    Zalo

    Xử ông Đinh La Thăng: VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, luật sư đề nghị chuyển tội danh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau 4 ngày làm việc, VKS công bố mức án đề nghị đối với các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng.

    Sau 4 ngày làm việc, VKS công bố mức án đề nghị đối với các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng. Theo đó, bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án từ 14-15 năm tù; bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án chung thân cho cả 2 tội danh. Theo các luật sư bào chữa, bản luận tội của quý Viện chỉ là “bản sao” của cáo trạng…

    Ông Thăng không thừa nhận trách nhiệm như cáo buộc

    Chiều 11/1, sau 4 ngày làm việc, VKS đã công bố phần luận tội với mức án đề nghị đối với từng bị cáo. Theo đánh giá của các vị luật sư bào chữa thì bản luận tội này không có gì khác so với cáo trạng.

    Theo đại diện VKS, dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm thi công những dự án nhiệt điện lớn nhưng ông , với vai trò Chủ tịch HĐTV PVN, vẫn giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC dự án nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

    Tuy nhiên, bị cáo Thăng lại không thừa nhận trách nhiệm như cáo buộc. Bị cáo cho rằng trong quá trình triển khai dự án NMNĐ Thái Bình 2, để xảy ra các sai phạm trong việc ký kết hợp đồng và tạm ứng cho PVC là trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trực tiếp thực hiện. Ông Thăng chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu, do sức ép về tiến độ nên nôn nóng, chưa chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

    Về bị cáo Trịnh Xuân Thanh, VKS nhận định bị cáo này không thành khẩn, quanh co, chối tội.

    Sau khi luận tội, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng bị VKS đề nghị mức án 14-15 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị 13-14 năm tù về tội Cố ý làm trái..., tù chung thân về tội Tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Nguyên TGĐ PVC Vũ Đức Thuận bị đề nghị 26-28 năm tù về cả 2 tội.

    Ngoài ra, 10 bị cáo khác bị đại diện VKS đề nghị phạt 17-18 tháng tù đến 10-11 năm tù về tội Cố ý làm trái..., 8 bị cáo còn lại bị đề nghị phạt 30-36 tháng tù treo đến 18-19 năm tù về tội Tham ô tài sản.

    Luật sư cảm ơn bị cáo!?

    Ngay sau phần luận tội của VKS, khi bào chữa cho ông Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài mở đầu bản luận cứ của mình bằng lời cảm ơn ông Đinh La Thăng và gia đình vì đã “tin cậy luật sư”: “Trong cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông Hà Nội, ông Đinh La Thăng vẫn nói với tôi và luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hữu Đăng trong trại tạm giam rằng ông tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin vào sự công tâm của CQĐT, VKS và HĐXX. Điều này khiến chúng tôi, các LS cũng ấm lòng”.

    VKS cho rằng việc truy tố ông Thăng là có căn cứ, tuy nhiên luật sư Phan Trung Hoài và đồng nghiệp cho rằng còn một số điểm có sự khác biệt với cáo trạng truy tố bị cáo Thăng.

    Cụ thể, khi đánh giá về hậu quả, VKS cho rằng dự án bị kéo dài, đội vốn hàng trăm triệu USD, hành vi phạm tội, của các bị cáo mang tính lợi ích nhóm. Theo quan điểm của luật sư Hoài thì căn cứ pháp lý, chứng cứ đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo chỉ dừng lại ở quan điểm của bên luận tội. Luật sư Hoài đã trình bày về nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án thời kỳ đó, đề nghị VKS, HĐXX xem xét.

    Hồ sơ điều tra - Xử ông Đinh La Thăng: VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, luật sư đề nghị chuyển tội danh

    Bị cáo Đinh La Thăng. (Ảnh TTXVN)

    “Thời điểm xảy ra ở giai đoạn 2008-2011, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới. Dầu khí là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, vụ án xảy ra đúng thời điểm ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch HĐTV, Ủy viên TW Đảng, Chính phủ đã ra Nghị quyết 30 năm 2008, Thủ tướng cũng đồng ý để PVN phát huy nội lực, kích cầu trong nước (thông báo số 49 ngày 7/2/2009 của VPCP).

    Khi PVN được cung cấp các dịch vụ trong Tập đoàn, bản thân ông Thăng lúc đó đang là Bí thư Đảng ủy đã ký NQ 233 của PVN tăng cường ưu tiên sử dụng tối đa các dịch vụ trong Tập đoàn, giao và tổ chức các đơn vị thực hiện tổng thầu các dự án do tập đoàn đầu tư”, luật sư Hoài trình bày.

    Trong quá trình thực hiện, một số đơn vị của Tập đoàn đã vận dụng chưa đúng tinh thần của Nghị quyết dẫn đến sai phạm. Tại tòa, ông Thăng coi đây là “bài học xương máu”. LS Hoài cho rằng quá trình điều tra và tại phiên tòa, ông Thăng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm, kể cả trách nhiệm về những sai phạm của các cán bộ dưới quyền.

    Luật sư đề nghị chuyển tội danh đối với ông Thăng

    Với tư cách là luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đưa ra quan điểm: Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 978 ngày 11/6/2010 gửi PVN đồng ý về nguyên tắc chỉ định thầu, giao Hội đồng quản trị PVN quyết định chỉ định thầu theo pháp luật.

    Do đó việc PVN áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là đúng quy định pháp luật. Ông Đinh La Thăng ký Nghị quyết số 5392, đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định là bước triển khai tiếp theo và cụ thể ý kiến của Thủ tướng.

    Về việc ký hợp đồng số 33 ngày 28/02/2011 giữa chủ đầu tư và nhà thầu, giữa PV Power và PVC, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng PV Power và PVC hoàn toàn có quyền chủ động trong việc ký kết hợp đồng này không phải báo cáo xin ý kiến của PVN. HĐTV PVN và ban Tổng giám đốc PVN không có quyền và trách nhiệm can thiệp.

    “Ông Đinh La Thăng chỉ thừa nhận do áp lực hoàn thành nhà máy đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo cấp dưới phải thực hiện đúng tiến độ, không trực tiếp chỉ đạo phải ký hợp đồng 33”, luật sư Thiệp nói.

    Với rất nhiều căn cứ được luật sư trình bày trong bản luận cứ bào chữa, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Đinh La Thăng không phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165, BLHS mà chuyển sang tội danh khác là Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Trước khi kết thúc phần bào chữa của mình, LS Nguyễn Huy Thiệp trình HĐXX ý kiến một số người dân đánh giá về ông Thăng. Có người chỉ là công dân bình thường, khi biết ông Thăng bị truy tố đã viết một bức thư ngỏ rất cảm động. Họ liệt kê những gì ông Thăng đã làm được, thậm chí còn nói “sẵn sàng đi tù thay ông Thăng”. Tuy đây không phải là chứng cứ nhưng luật sư vẫn mong muốn HĐXX xem xét.

    Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC), luật sư Lê Văn Thiệp – Văn phòng luật sư Toàn Cầu cho rằng, vụ án này có thời hạn tố tụng rất ngắn, chính bản thân luật sư cũng khá bất ngờ với kế hoạch xét xử khi mà việc tranh luận diễn ra sớm hơn so với dự kiến của luật sư.

    Tuy thời gian tiếp cận vụ án gấp rút, song luật sư Thiệp cũng các luật sư đồng nghiệp bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh đã tập trung cao độ nghiên cứu hồ sơ. Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc là đồng phạm với các bị cáo như Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC), Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch)... khi có hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước bằng cách lập các hồ sơ khống, luật sư Thiệp nói: “Trong vụ án này, tất cả các lời khai của họ đều không chứng minh được rằng về mặt chủ quan, ông Trịnh Xuân Thanh là đồng phạm”. Chưa kể luật sư Thiệp còn tìm ra những chứng cứ ngoại phạm cho thân chủ của mình.

    Vụ án sẽ tiếp tục với phần tranh luận, đối đáp gay cấn giữa các luật sư bào chữa với đại diện VKS.   

                        Tư Viễn  

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-ong-dinh-la-thang-vks-giu-nguyen-quan-diem-truy-to-luat-su-de-nghi-chuyen-toi-danh-a216250.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan