Xử phạt việc lãng phí tài sản công: "Mức án" đã có, nhưng thiếu "quan tòa"?


Chủ nhật, 21/07/2019 | 06:32


Cùng sự kiện

Chính phủ đã có quy định về mức "án" cụ thể cho các trường hợp vi phạm trong sử dụng lãng phí tài sản công.

Chính phủ đã có quy định về mức "án" cụ thể cho các trường hợp vi phạm trong sử dụng lãng phí tài sản công. Theo đánh giá, đây là chủ trương rất đúng và trúng nhưng, để tổ chức thực hiện còn "vướng" nhiều vấn đề. Vì, ở các cơ quan, đơn vị, hầu hết người sử dụng hoặc "cấp phép" tài sản công đều là người có trách nhiệm, chủ trì, vậy liệu có xảy ra tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi"?

Xe biển xanh sử dụng sai mục đích và gây bức xúc - Ảnh: Minh họa.

Chi tiết hành vi và mức phạt cho " kẻ lãng phí"

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước. Theo Nghị định này, sẽ có nhiều mức phạt khác nhau cho các nhóm hành vi khác nhau.

Điển hình, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; Trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Ví như, trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định quy định phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, Nghị định quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với các hành vi: Sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành; sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành.

Đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng. Đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản công tại công ty TNHH MTV vốn Nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Nghị định quy định nhiều mức phạt.

Ví như phạt tiền từ 40 - 70 triệu đồng đối với hành vi mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản cố định, vật tư và các tài sản khác trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vốn Nhà nước vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi quản lý, sử dụng các khoản chi phí không đúng định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, chế độ quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền...

Không ngân sách nhà nước nào gánh nổi lãng phí - Ảnh: Minh họa

Ai sẽ cầm cân nảy mực để "tuyên phạt"?

Về quy định mức xử phạt này, nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương là hoàn toàn đúng và trúng tình trạng trong thời gian qua. Tuy nhiên, mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, đây là các cơ quan Nhà nước, vậy có hay không tình trạng lấy ngân sách nộp phạt vào ngân sách và quan trọng nhất chính là ai sẽ phạt ai, trong khi người chỉ đạo, ký và sử dụng tài sản công thường là lãnh đạo.

"Ví dụ giống như là Bí thư, Chủ tịch tỉnh, rồi Giám đốc các sở/ngành sử dụng lãng phí tài sản công thì cấp nào sẽ xử lý để đúng quy định? Nói thì dễ nhưng làm lại rất khó. Hơn thế nữa, việc cán bộ sử dụng lãng phí tài sản công lại bị xử phạt thì cơ quan, đơn vị đó lấy nguồn tiền nào để đóng? Chẳng nhẽ lấy tiền Nhà nước nộp vào ngân sách Nhà nước?", TS. Nguyễn Văn Dũng, trường đại học Công nghệ TP.HCM chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Trần Tiến Thanh, một cựu chiến binh ở quận Thủ Đức, TP.HCM cũng cho rằng: "Nếu tổ chức thực hiện không tốt thì không giải quyết được vấn đề gì, tốn kém thêm, đặc biệt là tiền nộp phạt. Hơn nữa cần làm rõ trách nhiệm là phạt cá nhân hay phạt cơ quan chủ quản gây ra lỗi đó".

"Chủ trương là đúng nhưng phải có thái độ quyết liệt hơn trong việc xử lý. Ví dụ nếu sử dụng tài sản công lãng phí mức độ nào thì sẽ cách chức, mới mong tạo được sức răn đe đối với vị trí đó. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, vấn đề là trông chờ vào ý thức của chính các cấp lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị, nếu như người đứng đầu nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì rất ít xảy ra tình trạng lãng phí tài sản công. Kể cả cây kim sợi chỉ, chứ đừng nói đến bút, giấy, điện, nước hay xe công", TS. Nguyễn Văn Hồng, một chuyên gia về văn hóa tại TP.HCM nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia này thì: "Thực tế cho thấy nhiều lãnh đạo đơn vị đi tiếp khách một cách vô tội vạ. Hiện nhiều xã/thị trấn/huyện/thị... ở một số địa phương đang nợ tiền ăn nhậu của các nhà hàng, quán nhậu; rồi nhiều lãnh đạo cũng đi nước ngoài bằng tiền ngân sách "núp bóng" dưới danh nghĩa "học tập kinh nghiệm", kể cả những người "quyền cao chức trọng" có xe ra tận sân bay đón phu nhân như báo chí từng phản ánh... Tuy nhiên, khi kết thúc thì cứ như chìm vào quên lãng, không giải quyết được gì. Đó là điều thấy rõ trong thực tiễn thời gian qua".

Ông Nguyễn Văn Hoàng, một cán bộ hưu trí tại quận Bình Thạnh TP.HCM chia sẻ: "Nói về tình trạng lãng phí tài sản công là quá đúng và trúng rồi, bởi, nhiều đơn vị cứ nghĩ là tiền Nhà nước nên xài vô tội vạ. Tôi lấy ví dụ như việc sử dụng xe công không đúng mục đích là chuyện xảy ra như cơm bữa, hàng ngày ở các cơ quan Nhà nước. Nhiều chức danh không được dùng xe công để đưa rước đến nơi làm việc nhưng họ vẫn ngang nhiên sử dụng. Thậm chí, còn chở người thân đi chơi, dự đám tiệc, đưa đón ra sân bay...".

"Chủ trương thực hiện của Chính phủ là rất đúng, tuy nhiên, cần phải có cơ chế để giám sát và xử lý thật quyết liệt mới có hiệu quả. Bởi, thực tế để thực hiện việc này là không dễ, vì đa phần những người vi phạm đều thuộc diện lãnh đạo, vậy cấp dưới làm sao dám nói và xử lý? Do đó, một khi đã xử lý phải nghiêm khắc, mang tính nêu gương và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi, giám sát. Đồng thời, phải giao cho các cơ quan đủ sức mạnh để giám sát và xử lý vấn đề này", luật sư Nguyễn Văn Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết.

Do đó, "việc chấn chỉnh phải gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu và có cơ quan giám sát đủ tầm để làm vấn đề này. Nếu không thì chẳng khác nào đánh trống bỏ dùi", TS. Hồng khuyến nghị.

Sử dụng ô tô vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng Trong Nghị định này có nội dung đáng chú là việc sử dụng xe công. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, công năng là từ 1 - 100 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Riêng với hành vi sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không đúng tiêu chuẩn, sử dụng ô tô vào mục đích cá nhân sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.

Thanh Tùng

Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 115

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xu-phat-viec-lang-phi-tai-san-cong-muc-an-da-co-nhung-thieu-quan-toa-a285058.html