+Aa-
    Zalo

    “Xuân này, ba có về ăn Tết với con không?”

    • DSPL
    ĐS&PL Xuân về, gác lại chuyện gia đình, ngoài việc bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, phòng chống buôn lậu, thì những người lính biên phòng đang ngày đêm chốt chặn, kiểm soát các đường mòn, lối mở “khóa chặt” biên giới chống xuất nhập cảnh trái phép, góp phần phòng chống dịch Covid-19 để người dân yên tâm đón Tết.

    Cảm phục đức hy sinh của người vợ lính biên phòng

    “Xa vợ con bao nhiêu cây số không quan trọng. Đã là lính biên phòng thì ở đâu cũng là nhà chú ạ!”, câu nói của Thiếu tá Nguyễn Xuân Nam (SN 1980), cán bộ Đồn biên phòng Triệu Vân thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị khiến chúng tôi nghẹn lại, và càng khâm phục hơn tư tưởng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là người thân, ruột thịt” của những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc “phên dậu” nơi biên cương của Tổ quốc.

    Dù nói vậy nhưng câu chuyện về hoàn cảnh của chính Thiếu tá Nam, nếu ai biết đến thì ngoài sự khâm phục ý chí, còn là sự thương cảm, sẻ chia đong đầy.

    Trước khi là quân số của Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Trị, chiến sĩ Nguyễn Xuân Nam từng công tác tại Đồn biên phòng Hương Nguyên, A Lưới (thuộc Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế).

    Năm 2007, từ sự giới thiệu của một người bạn trú cùng đồn, Nam quen và ngỏ lời yêu với Dương Thị Cẩm Thạch (SN 1979) - cô sinh viên Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên-Huế lúc này vừa mới ra trường và công tác ở Trường THCS Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, Tp.Huế.

    linh bien phong 2
    Ảnh cưới vợ chồng anh Nam-chị Thạch.

    Sau 2 năm yêu nhau, đến năm 2009, cả hai góp gạo thổi cơm chung. Cũng trong năm này, Nam có quyết định điều quân ra công tác ở Biên phòng tỉnh Quảng Trị, còn Thạch vẫn ở lại giảng dạy tại Huế. Chính vì vậy, từ ngày về chung một nhà, cô giáo trẻ Cẩm Thạch đã dần làm quen với cảnh xa chồng, tự tay cáng đáng mọi chuyện trong gia đình.

    Nên nghĩa vợ chồng hơn 10 năm, hai vợ chồng có hai đứa con đủ nếp tẻ. Thế nhưng, niềm vui đã không trọn vẹn khi đứa con trai đầu của anh chị dù to cao, tuấn tú, nhưng không may bị chứng tự kỷ, chậm phát triển tâm lý hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.

    Gánh nặng vất vả, lo toan càng đè nặng lên đôi vai hao gầy của chị Thạch, khi chồng thường xuyên công tác xa nhà. Vắng chồng, mọi việc trong nhà từ to đến tấm mén đều do chị Thạch lo liệu, vun vén. Hằng ngày, sau giờ lên lớp, cô giáo Thạch lại tất tả về nhà chăm con gái út tuổi còn nhỏ và cậu con trai đầu kém may mắn.

    Có những buổi chiều, hình ảnh cô giáo Thạch với gương mặt đượm buồn, lo lắng, chạy xe ngược xuôi khắp khu phố tìm cậu con trai đầu đi chơi quên đường về đã quá quen thuộc với những người hàng xóm của Thiếu tá Nam ở TDP Ngọc Anh, phường Phú Thượng, Tp.Huế. Bà con trong xóm ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh của chị Thạch, thân gái một mình lo toan nhà cửa lại chăm 2 đứa con nhỏ. Bởi vậy, khi cô giáo Thạch bận việc, hàng xóm ai cũng sẵn lòng giúp cô đón bé gái nhỏ út ở nhà trẻ về hoặc trông nom giúp cậu con trai đầu.

    “Mỗi lần mưa to gió bão, ngồi ở đồn xa nhưng đầu óc lúc nào nghĩ về nhà. Dù rất thương vợ, nhưng đã là lính biên phòng thì trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ Quốc không thể gác lại”, Thiếu tá Nam tâm sự.

    Bình yên nới biên cương đặt lên hàng đầu

    Một mùa Xuân mới lại về, với những người chiến sĩ quân hàm xanh đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng biên giới tỉnh Quảng Trị, những ngày này thật đặc biệt. Ngoài việc bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, phòng chống buôn lậu, những người lính biên phòng đang ngày đêm chốt chặn, kiểm soát các đường mòn, lối mở “khóa chặt” biên giới chống xuất nhập cảnh trái phép, góp phần phòng chống dịch Covid-19 để người dân yên tâm vui Xuân, đón Tết.

    Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Trị luôn duy trì nghiêm các chốt trực 100% quân số. Thiếu tá Nam dù là quân số thuộc Đồn biên phòng Triệu Vân, nhưng trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, đã được Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Trị bố trí tăng cường ở các chốt chặn của Đồn biên phòng Cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hoá.

    2 năm qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Thiếu tá Nam đành gác lại nỗi nhớ nhà. Trước khi dịch Covid19 chưa bùng phát, Thiếu tá Nam thỉnh thoảng còn được tranh thủ về nhà với vợ, con. Từ khi anh lên chốt phòng, chống dịch Covid-19, hai vợ chồng chỉ gặp mặt nhau qua điện thoại. Nhưng không vì thế mà tình cảm vợ chồng phai nhạt. Càng khó khăn bao nhiều, hai vợ chồng anh Nam càng cố gắng để vẹn toàn công việc, chăm sóc tốt cho 2 con.

    linh bien phong 1
    Lực lượng biên phòng Quảng Trị luôn duy trì nghiêm các chốt trực 100% quân số.

    Từ ngày sinh con ra, với anh Nam, số lần đón Tết cùng vợ và các con có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù bản thân vẫn thầm muốn trong đêm Giao thừa, tự tay mình cùng vợ soạn mâm cơm cúng tổ tiên ông bà, được nhìn thấy các con cười vui trong ngày đầu của năm mới, nhưng trước diễn biến phức tạp của đại dịch, nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc cùng đồng đội vẫn được Thiếu tá Nam đặt lên hàng đầu. Gác lại chuyện gia đình, giao phó mọi việc chăm sóc nuôi dưỡng, dạy dỗ các con cho vợ, lâu nay, Thiếu tá Nam đã quá quen với điều đó rồi...

    Điều cảm phục nhất có lẽ là sự hi sinh của vợ anh - chị Thạch. Cô giáo Thạch cũng như những người vợ của các chiến sĩ biên phòng khác dù phải đằng đẵng chờ chồng giữa thời bình, nhưng vẫn luôn cố gắng hoàn thiện thiên chức vừa làm mẹ, vừa làm cha của các con. Chính những người phụ nữ đầy đức hi sinh ấy đã trở thành điểm tựa hậu phương vững chắc, góp phần giúp những người lính Biên phòng yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên biên giới.

    Những ngày này, không khí Xuân đã gõ cửa từng nhà, Thiếu tá Nam chia sẻ, dịp này, mỗi lần gọi video với con, cô bé gái út vẫn hỏi đi hỏi lại nhiều lần, “ba có về ăn Tết với chúng con không?”, khiến trái tim anh như thắt lại. Sau những cuộc trò chuyện vội vàng như thế, anh lại trầm tư suy nghĩ... chỉ mong sao được về với các con.

    Công Thành

    Bài đăng trêm ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2(20)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuan-nay-ba-co-ve-an-tet-voi-con-khong-a527257.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan