+Aa-
    Zalo

    Xúc động chuyện ngư dân đón Giao thừa trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

    • DSPL
    ĐS&PL Cả năm lênh đênh trên biển, chuyến được chuyến mất, đối diện với rất nhiều rủi ro nhưng người ngư dân vẫn chờ đợi vào chuyến biển cuối năm.

    Cả năm lênh đênh trên biển, chuyến được chuyến mất, đối diện với rất nhiều rủi ro nhưng người ngư dân vẫn chờ đợi vào chuyến biển cuối năm. Bởi đi vào thời điểm này, tàu thuyền nào cũng được thiên nhiên ưu ái đầy ắp cá tôm khi cập bến. Vì đi biển những ngày cận Tết nên các chủ tàu thường ứng tiền trước cho thuyền viên để gia đình họ có tiền sắm Tết. Mỗi chuyến đi biển Tết như thế, thu nhập của một ngư dân dao động từ 10-15 triệu đồng. Nếu gặp được luồng cá mực có thể thu về 20 triệu đồng.

    Đón Giao thừa trên biển

    Không như những chuyến đi biển khác, để chuẩn bị cho lần ra khơi dài ngày đúng vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài những nguyên liệu cần thiết như đá, dầu, lương thực... các chủ tàu cá ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, còn chuẩn bị thêm: mứt, kẹo, bánh chưng, củ kiệu, đầu heo, thịt gà... để người lao động đón Tết trên biển Hoàng Sa, Trường Sa.

    Những chuyến biển xuyên Tết kéo dài khoảng 10 ngày đến nửa tháng, nếu thời tiết tốt thì bắt đầu từ ngày 22-25 âm lịch, các tàu đã dong thuyền ra khơi và trở về vào khoảng dưới mồng 10 tháng Giêng, với khoang tàu đầy ắp tôm cá. Trên những chuyến tàu đánh bắt xa bờ ấy, có cả các chàng trai trẻ mới độ đôi mươi, cũng có những lão ngư không đếm được bao nhiêu lần mình ăn Tết, đón giao thừa trên biển.

    Anh Nguyễn Thanh Bình (47 tuổi), trú phường Quảng Phúc, là chủ tàu cá mang số hiệu QB 98164 TS chia sẻ: “Vào dịp trước Tết, chúng tôi sẽ lên lịch và chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho chuyến ra khơi. Chuyến đi biển thường có 6 người, vào đêm giao thừa, chúng tôi làm đến 10h rồi anh em nghỉ để làm mâm cơm cúng tất niên. Ngư dân quan niệm rằng, việc cúng đầu năm là nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, cả năm đánh bắt thuận lợi, tôm cá đầy khoang. Giờ phút giao thừa, chúng tôi gọi điện về nhà chúc Tết gia đình, nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua radio. Mâm cơm tất niên thường có cá, mực mới đánh bắt được, bánh chưng, đầu heo, gà, bia, kẹo bánh mang từ nhà đi. Thời khắc đó anh em quây quần bên nhau ôn chuyện đón Tết những năm trước trên biển, chia nhau từng miếng bánh chưng, củ hành... và nói chuyện “phiếm” để quên nỗi nhớ nhà”. “Thời khắc giao thừa, nhiều ngư dân nhớ vợ con đã rưng rưng nước mắt. Những lúc ấy, anh em lại động viên nhau, cùng nhau cố gắng nhiều hơn nữa để có một chuyến đi bội thu, phần nào an ủi vợ con ở nhà”, ngư dân Nguyễn Đình Thảo bùi ngùi cho biết.

    Ngư dân chuẩn bị lưới cụ cho mỗi chuyến đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

    Cũng như những chàng trai lớn lên giữa vùng sóng nước biển khơi, em Nguyễn Văn Hùng (18 tuổi), trú phường Quảng Phúc, học đến lớp 9 thì nghỉ học ở nhà phụ ba theo nghề đi biển. Nếu năm nay thời tiết thuận lợi, không có gió mùa, Hùng sẽ cùng ba ra ngư trường Hoàng Sa thực hiện chuyến đánh bắt đầu năm. Hùng nói: “Bình thường trên biển đã buồn rồi, ngày Tết chắc chắn sẽ buồn hơn. Em đã 3 lần ăn Tết trên biển, cảm giác nhớ nhà lúc đó dâng trào, chỉ chực muốn khóc, nhưng sau đó, thấy bố và các chú gọi nhau hát hò chúc tụng qua bộ đàm nên cũng đỡ buồn hơn. Cũng may, những chuyến biển đi trong dịp Tết đều trúng đậm cá mực, nên em và mọi người rất vui, phấn khởi. Nếu áp Tết thời tiết đẹp, bố sẽ đi biển và em sẽ đi cùng”. Với ngư dân, Hoàng Sa và Trường Sa là cuộc sống của họ. Nhờ bám ngư trường này, họ đã có cuộc sống ấm no, nhà cửa khang trang, con cái được đến trường, vì vậy, dù đón Tết trên biển, xa gia đình, nhưng trong lòng ngư dân vẫn cảm thấy vững tin, ấm áp. “Chúng tôi tự hào và phấn khởi khi được đón Tết trên biển, bởi lúc ấy, chúng tôi được xem như những cột mốc sống góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương. Trường Sa, Hoàng Sa từ lâu như là nhà, đã là nhà thì ăn tết ở đâu cũng vậy...”, ngư dân Nguyễn Đình Thảo phấn khởi nói.

    Lộc biển đầu năm

    Những người đi biển luôn có một niềm tin, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cá mực sẽ nhiều hơn và cũng do ít tàu thuyền đánh bắt hơn nên việc khai thác sẽ thuận lợi. Bên cạnh đó, việc đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ dịp Tết cũng đã kịp thời tạo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cho người dân sau Tết nên sẽ bán được với giá cao.

    Theo kinh nghiệm của lão ngư Nguyễn Thanh Hải, thông thường sau Tết Nguyên đán, bao giờ biển cũng nhiều cá, tôm, nhất là những vùng biển nước sâu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. “Vào những ngày Tết, nước lạnh, cá tôm thường di chuyển về vùng biển sâu để trú ngụ, nên hầu hết, các tàu đi biển vào thời điểm này đều trúng đậm”. Bà Nguyễn Thị Thanh, trú phường Quảng Phúc bùi ngùi chia sẻ: “Tôi không nhớ đến nay ông ấy đã ăn Tết trên biển bao nhiêu lần nữa. Ngày Tết, người ta có chồng sửa sang nhà cửa, chở đi chợ tết, vợ chồng cha con ríu rít đi chúc Tết họ hàng nội ngoại, còn tôi lủi thủi một mình. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì biển đảo quê hương, tôi lại giấu buồn, động viên chồng cố gắng. Thực ra mình nhớ chồng một, nhưng ông ấy lênh đênh giữa biển khơi thì nhớ mình 10. Nhưng nếu ở nhà ăn Tết thì cũng đồng nghĩa lỡ mất một chuyến biển, trong khi đó, thời gian này biển lại có cá.

    Vậy là dịp Tết mỗi năm, hàng chục tàu cá ở đây lại chọn cách ăn Tết trên biển”. Để phát huy hiệu quả nghề biển, làm giàu từ biển, các hợp tác xã ngư nghiệp tại phường Quảng Phúc đã ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân bám biển, phát triển sản xuất. Tinh thần đoàn kết, quyết tâm được thể hiện rõ ở mỗi ngư dân, đó là việc họ cùng nhau chung vốn đóng mới tàu có công suất lớn để vươn ra ngư trường xa. Theo ông Nguyễn Thành Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc, toàn phường có 235 tàu có công suất từ 90 – 900 CV đánh bắt ở các ngư trường xa.

     Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, nếu thời tiết thuận lợi, không có gió mùa, ngư dân ở phường Quảng Phúc vẫn căng buồm tiến ra các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản. Cũng theo ông Đôn, trung bình một năm có khoảng 1/3 số tàu thuyền công suất lớn ăn Tết trên biển. “Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi vẫn tuyên truyền vận động người dân vươn khơi bám biển, bởi theo kinh nghiệm đúc rút, thời điểm Tết Nguyên đán rất dễ trúng các luồng cá mực. Phong trào đi biển xuyên Tết bắt đầu khoảng chục năm trở lại đây. Trước mỗi chuyến đi, ngư dân chuẩn bị đầy đủ các loại thức ăn trong ngày Tết, gói cả bánh trưng để mang ra đón giao thừa, ăn Tết ngoài biển”, ông Đôn cho biết. Tết Nguyên đán mỗi năm, hàng nghìn con tàu mang công suất lớn vẫn tiến về vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt thủy hải sản, họ ăn Tết giữa trùng khơi. Những chuyến ra khơi ấy, ngư dân không chỉ mang theo mình ước muốn có một chuyến đi bội thu nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình; mà họ còn mang theo niềm tự hào, tự tôn dân tộc vì đã góp phần giữ gìn bảo vệ biển đảo quê hương.

    Ngô Huyền
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết 2019
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuc-dong-chuyen-ngu-dan-don-giao-thua-tren-ngu-truong-hoang-sa-truong-sa-a260978.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan