+Aa-
    Zalo

    Xúc động chuyện vợ chồng cựu chiến binh dùng lương hưu... đắp đá, vá đường

    • DSPL
    ĐS&PL Dù đã 60 tuổi nhưng ông Út Giang vẫn miệt mài với công việc mà nhiều người cho rằng “bao đồng” và “không giống ai”. Đó là cứ thấy đường hư là đẩy xe đi vá.

    Dù đã 60 tuổi nhưng ông Út Giang vẫn miệt mài với công việc mà nhiều người cho rằng “bao đồng” và “không giống ai”. Đó là cứ thấy đường hư là đẩy xe đi vá.

    Cơ duyên làm chuyện “bao đồng”

    Ông Út Giang tên thật là Nguyễn Trường Giang (60 tuổi) là thương binh, cán bộ về hưu ở ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau.

    Hàng năm, cứ vào những dịp rằm tháng Bảy, tháng Mười và cuối năm, ông Út cùng vợ là bà Trần Thị Út đều trích đồng lương thương binh ít ỏi của mình dành dụm mua vật liệu để... vá đường. Từ đó, người dân quen gọi ông là “ông Út vá đường”.

    Ông Út Giang xem việc vá đường là một cái nghề, mặc người đời nói ông làm “việc bao đồng”. 

    Kể cũng lạ, ở cái tuổi người ta tìm đến niềm vui quây quần bên con cháu, tận hưởng thú tao nhã với cây cỏ, chim muông thì vợ chồng ông Út Giang lại chọn công việc có phần nhọc nhằn - vá đường.

    Chia sẻ về cơ duyên đưa ông làm việc mà người dân địa phương bảo “không giống ai”, ông Út Giang cho biết: “Trước đây (một buổi chiều của năm 2011), ông đi đường, tình cờ thấy một người đàn ông cùng tham gia giao thông bị sụp “ổ gà”, khiến tay lái bị loạng choạng rồi đâm vào gốc cây ngã gãy tay, mình mẩy bê bết máu, còn chiếc xe bị hư hỏng nặng phần đầu”.

    Đêm đó về, ông Út Giang nằm suy nghĩ: “Nếu mình lấp được “ổ gà” nào thì chỗ đó sẽ an toàn”. Từ ý nghĩ đó, ông Út dùng đồng lương thương binh ít ỏi (khoảng 500.000 đồng/tháng) mua vật liệu xây dựng rồi rong ruổi khắp các tuyến đường nông thôn, cứ chỗ nào có “ổ gà” thì vá. Công việc dẫu có vất vả nhưng đâu đó đem lại niềm vui tuổi già cho người đàn ông này chính là việc được vợ con ủng hộ rất nhiệt tình.

    Cứ ông Út chở bao xi măng thì bà Út cầm cây giá (leng), còn anh Nguyễn Thiện Toàn (con trai của ông Út Giang) thì hỗ trợ vận chuyển vật tư mỗi lần ông đi vá đường ở xa.

    Dần dần, người dân địa phương cứ thấy ông Út Giang đẩy xe rùa chở vật liệu xây dựng, cây giá, bàn chà, thùng xách nước là mọi người hiểu rằng ông Út đang đi làm “chuyện bao đồng”. Cứ thế, việc làm của ông tiếp tục đến ngày hôm nay và ông cũng không nhớ mình đã lấp được bao nhiêu “ổ gà”.

    Xem việc vá đường là “nghề”

    Theo chia sẻ của ông Út Giang, trong những năm qua, vợ chồng ông trải qua không biết bao nhiêu kỷ niệm vui cũng có, buồn cũng có. Ông vui vì nhiều người nhận thấy việc làm có ích của ông đã đề nghị góp tiền để ông tiếp tục làm việc thiện. Tuy nhiên, cũng có không ít người dè bỉu cho rằng, ông “bao đồng”.

    Nói về việc làm của chồng mình, bà Trần Thị Út (vợ ông Út Giang) chia sẻ: “Gia đình tôi cũng không khá giả gì đâu, nhưng thấy lộ hư hỏng, có người sụp té, nên tôi ủng hộ chồng tôi làm việc ý nghĩa là vá đường để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Tôi coi như đó là niềm an ủi của hai vợ chồng già”.

    Khi được hỏi về việc, nhiều người nói ông làm “việc bao đồng” ông suy nghĩ như thế nào? Ông Út Giang cười vui vẻ đáp: “Tôi không nghĩ ngợi gì hết, vì làm sao tránh được điều tiếng. Việc mình làm chỉ mình biết, miễn mình thấy đó là điều nên làm, phải làm và mong muốn việc làm này được lan tỏa, thấy người dân, các cháu học sinh đi lại an toàn là tôi vui rồi”.

    Ông Út Giang cũng mong ước, thời gian tới, có đầy đủ sức khỏe để ông tiếp tục vá đường, lúc rảnh rỗi không có việc gì làm thì ông lại đi phát quang bụi rậm dọc đường, giúp người dân đi lại được an toàn.

    “Tôi xem như đây là một công việc của mình, bởi mình về hưu rồi, khi về già không làm gì lớn lao được thì làm việc nhỏ nhặt, miễn sao việc làm của mình giúp ích được cho xã hội một chút, cũng mang tiếng thơm, để lại gương cho con cháu sau này”, ông Út Giang tâm sự.

    Với đóng góp và việc làm ý nghĩa của mình, năm 2017, ông Nguyễn Trường Giang vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương “Người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc” nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017).

    Cũng trong năm 2017, ông Giang được Bộ trưởng bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen là người có công với cách mạng tiêu biểu, có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất giai đoạn 2012 – 2017.

    Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Giang còn được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng nhiều Bằng khen do có thành tích như: Xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tiêu biểu xuất sắc qua các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 – 2017; Tích cực phối hợp, trực tiếp hỗ trợ trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021;...

    Nói việc “vá đường” của ông Út Giang, ông Cao Minh Đạt, Bí thư kiêm Trưởng ấp 3, xã Khánh Lâm cho biết, việc làm của vợ chồng ông Út Giang mang ý nghĩa thiết thực, lo cho bà con đi lại gặp khó khăn, góp phần cùng địa phương chung tay đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, ông Út Giang còn vận động mạnh thường quân đóng góp tiền, nhu yếu phẩm tặng cho người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương.

    Hữu Việt Tâm

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (14)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuc-dong-chuyen-vo-chong-cuu-chien-binh-dung-luong-huu-dap-da-va-duong-a362081.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan