+Aa-
    Zalo

    Xúc động những quyết tâm thư xin ra trận bảo vệ biên giới năm 1979

    • DSPL
    ĐS&PL Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và nhà nước, nhiều người dân ở xứ Nghệ đã viết quyết tâm thư xin ra trận để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

    Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động 60 vạn quân bất ngờ tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới 1.400km. Nhiều người dân xứ Nghệ không kể già trẻ, trai gái,… đã viết quyết tâm thư xin ra trận để chiến đấu. Mặc dù, những lá thư đã bị nhòe theo năm tháng nhưng nó thể hiện quyết tâm ra trận, chiến đấu hết mình vì biên cương của Tổ quốc,…

    Những ngày tháng 2/1979, Trung Quốc ồ ạt tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Sau 30 ngày, vấp phải sự chiến đấu quyết liệt của quân ta, ngày 18/3, Trung Quốc tuyên bố rút khỏi Việt Nam. Trên thực tế, sau đó cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng và lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, nhiều người dân ở xứ Nghệ đã viết quyết tâm thư xin ra trận để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

    Những quyết tâm thư được trưng bày trong bảo tàng Quân khu IV.

    Những quyết tâm thư ấy vẫn còn được lưu giữ trong bảo tàng Quân khu IV, trên đường Lê Duẩn, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại đây, cán bộ bảo tàng đã đưa cho chúng tôi túi hồ sơ lưu trữ những quyết tâm thư. Một cảm giác xúc động đến nghẹt thở khi chúng tôi cầm những bức thư ấy trên tay. Mỗi bức thư được phân thành túi, ký hiệu rất rõ ràng. Chúng tôi nhẹ nhàng lấy những bức thư ra, ai cũng sợ mình sẽ làm rách. Bởi quyết tâm thư ấy có thể được viết bằng giấy pơ luya mỏng manh, có thể bằng tập giấy học sinh,,…hay đơn giản chỉ là mẫu giấy nhỏ. Tuy ngắn gọn nhưng nó thể hiện được tình yêu của họ giành cho Tổ quốc.

    Quyết tâm thư của thương binh Hoàng Khắc Ái.

    Mở đầu những bức thư là lời giới thiệu tên tuổi, quê quán, nơi làm việc,…Những câu giới thiệu ngắn gọn xúc tích thể hiện sự quyết tâm ra trận. Những người viết tâm thư là học sinh, thanh niên, công nhân…Thậm chí, có những thương binh đã từng đi chiến đấu trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước cũng xin được trở lại quân đội để chiến đấu bảo vệ biên giới. Họ cùng có quyết tâm mãnh liệt sẵn sàng bảo vệ biên cương cho Tổ quốc.

    Tháng 3/1979, thương binh Hoàng Khắc Ái trú tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cũng viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu. Sau khi nghe tiếng gọi của Trung ương, Đảng ông trằn trọc cả đêm đó và quyết định viết đơn tình nguyện trở lại quân đội. “Tôi là một thương binh đã đóng góp một phần xương máu trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. 15 năm phục vụ trong quân đội, sức khỏe đã giảm sút nhưng tôi tin tưởng mình còn cầm được súng,…Xin các đồng chí lãnh đạo cấp trên chấp nhận tôi được trở lại quân ngũ cầm súng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập tự do của nước nhà”, trích thư của thương binh Hoàng Khắc Ái.

    Mặc dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng nữ sinh Trương Thị Chung, trú tại xí nghiệp đá Lèn Giơi, ở Nghệ An cũng viết đơn tình nguyện xin gia nhập quân sự. “Đang còn học sinh nhưng tôi nhận thấy đất nước còn cần lực lượng quân sự. Tôi viết đơn này xin gia nhập Quân đội Việt Nam được càng sớm càng tốt. Nếu được đi tôi xin tình nguyện làm bất cứ việc gì, khó khăn nào cũng vượt qua. Nếu cần hy sinh quyền lợi cá nhân để giành quyền lợi tập thể tôi cũng sẵn sàng”, trích thư của chị Chung. Khi viết quyết tâm thư này, chị Chung đang là học sinh lớp 10. Chị sẵn sàng gác bút để lên đường bảo vệ biên giới Việt Nam.

    Nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Lê Văn Nguyên trú tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cũng viết đơn tình nguyện gia nhập Quân đội Việt Nam. Thời điểm này anh Nguyên đang học lớp 10. “Được vào hàng ngũ Quân đội Việt Nam tôi xin hứa sẽ trung với Đảng, hiếu với dân sẵn sàng hi sinh chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, đây là những lời hứa trong quyết tâm thư của anh Nguyên.

    “Tôi quyết tâm ra đi, dù có hy sinh cho Tổ quốc tôi cũng vui lòng. Tôi nghĩ trên đời có một lần chết thôi, thà chết cho vinh quang”, trích tâm thư của anh Lê Xuân Lương (SN 1936), trú tại xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

    40 năm trôi qua, nhìn lại những bức thư trên mới thấy được ý chí quyết tâm của những người dân xứ Nghệ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Mỗi chữ, mỗi dòng đều hừng hực khí thế quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ Tổ quốc.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuc-dong-nhung-quyet-tam-thu-xin-ra-tran-bao-ve-bien-gioi-nam-1979-a263195.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Người ở lại biên giới

    Người ở lại biên giới

    Trong ký ức, bà Phạm Thị Đượm (TP Cao Bằng) vẫn còn nhớ cảnh ôm ba đứa con sấp ngửa lên đường sơ tán những ngày tháng Hai năm 1979.