+Aa-
    Zalo

    Xung quanh việc lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi nghỉ hưu

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật liên tục nhận được ý kiến của người dân về các vụ bổ nhiệm ồ ạt của các lãnh đạo trước khi về hưu.

    (ĐSPL) - Đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật liên tục nhận được ý kiến của người dân về các vụ bổ nhiệm ồ ạt của các lãnh đạo trước khi về hưu.

    Khi mà thông tin vị nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ trong sáu tháng bổ nhiệm 60 cán bộ chưa lắng xuống thì mới đây, Giám đốc của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP.HCM cũng khiến dư luận hoài nghi về việc ký quyết định bổ nhiệm gấp 19 cán bộ trước khi về hưu. Mặc dù đến nay, tính đúng sai của  các quyết định bổ nhiệm này chưa được các cơ quan chức năng kết luận nhưng nhiều chuyên gia và người dân cho rằng, trong việc này có nhiều điểm bất thường mang tính tiêu cực.

    Xung quanh việc lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ ò ạt trước khi nghỉ hưu
    Việc bổ nhiệm hàng loạt sau khi nghỉ hưu của các quan chức khiến người dân cảm thấy khó hiểu (ảnh minh họa).

    Những quyết định bổ nhiệm "chạy đua" với thời gian?

    Thời gian qua, người dân trên cả nước xôn xao về việc ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc sở VH-TT&DL ký 19 quyết định bổ nhiệm nhân sự trong vòng hai tuần trước khi chính thức nghỉ hưu vào ngày 1/3/2014. Về sự việc này, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc sở VH-TT&DL TP.HCM cho biết, chính ông là người được phân công trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc khối mình phụ trách.

    Sau đó, ông Lê Tuấn Anh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy khối Dân-Chính-Đảng TP.HCM cho biết, Đảng ủy khối đã nhận được thông tin phản ánh và chỉ đạo của cấp thẩm quyền yêu cầu kiểm tra những thông tin về việc bổ nhiệm 19 cán bộ ở sở VH-TT&DL TP.HCM. Ngay sau đó, ông Tuấn đã trực tiếp làm việc với Đảng ủy Sở này để tìm hiểu vụ việc.

    Tại cuộc làm việc, ông Tuấn được báo cáo vào ngày 21/2/2014, Sở sẽ tổ chức một buổi triển khai, trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ. Sau khi nắm tình hình, ông Tuấn đã báo cáo với các cấp thẩm quyền về sự việc và lãnh đạo thành phố đã yêu cầu dừng trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ của sở VH-TT&DL. Được biết, số lượng quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc sở dự kiến triển khai, trao cho người được bổ nhiệm mà ông Tuấn được báo cáo là 19 trường hợp.

    Chia sẻ về vụ việc này, bác Nguyễn Văn Thành, cán bộ ngành thuế đã nghỉ hưu ở quận Tân Bình, TP.HCM nói: "Ông Rum với tư cách là người đứng đầu sở bổ nhiệm, đề bạt các cá nhân có đủ đức, đủ tài vào các vị trí quan trọng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, người dân chúng tôi cảm thấy khó hiểu ở chỗ, tại sao những quyết định này lại được ký dồn dập vào những ngày ông chuẩn bị về hưu.

    Hơn nữa, các quyết định này được ký thành hai đợt 13/2 và 19/2; có nhất thiết họ phải ký gấp gáp như vậy không? Nếu như họ nói đó là do nhu cầu thì cũng không hợp lý. Bởi khi chưa bổ nhiệm 19 người này, Sở vẫn có thể hoạt động bình thường. Phải chăng có điều gì khuất tất ở đây? Hiện nay, người dân thường bàn tán rằng, 19 người được bổ nhiệm chỉ là con số Sở báo cáo lên thành phố. Còn con số bổ nhiệm thực cao hơn nhiều. Chúng tôi đang hết sức chờ đợi câu trả lời từ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố để dư luận được rõ".

    Trước đó không lâu, người dân cũng tỏ sự quan tâm đến căn biệt thự cũng như những tin đồn về tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Báo Người Cao Tuổi đưa tin, khi thông tin về căn biệt thự chưa được cơ quan chức năng làm rõ thì lại thêm một thông tin về việc vị nguyên cán bộ cấp cao này đã ký bổ nhiệm 60 cán bộ cấp Vụ và tương đương trước khi về hưu. Thậm chí, trong số những trường hợp được bổ nhiệm này có người không nằm trong quy hoạch.

    Ngay sau khi các thông tin kia tràn ngập trên các mặt báo, ông Truyền lên tiếng khẳng định với báo giới rằng: "Tôi làm đúng trách nhiệm và đúng pháp luật, đúng nguyên tắc. Việc bổ nhiệm cán bộ là việc tập thể chứ tôi ở vị trí Tổng Thanh tra khi đó cũng chỉ là người thực hiện nhiệm vụ của mình theo pháp luật. Một mình tôi thì không thể làm gì được". Tuy nhiên, một vị lãnh đạo cấp cao khi chuẩn bị nghỉ hưu chỉ trong sáu tháng ký ồ ạt 60 quyết định, khiến dư luận băn khoăn, cho đó là điều bất bình thường cũng là vấn đề dễ hiểu. Thậm chí, người dân còn "sốc" hơn nữa khi chỉ cách mấy ngày trước khi về hưu, ông Truyền còn ký bổ nhiệm một số cán bộ hàm Vụ trưởng, Vụ phó.

    Cần miễn nhiệm những cán bộ được bổ nhiệm sai quy định

    Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong công tác cán bộ, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định chặt chẽ và các quy trình, thủ tục cụ thể về quy hoạch, đề bạt và bổ nhiệm. Đầu tiên phải giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt. Hơn nữa, việc bổ nhiệm cán bộ không phải là "bổ nhiệm tập thể" mà mỗi nhân sự đều phải xem xét theo quy trình riêng, theo dõi lâu dài và có lộ trình cụ thể. Còn việc bổ nhiệm vô tội vạ thì đáp ứng nhu cầu số lượng chứ không đảm bảo được chất lượng.

    Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện nay đang có "hội chứng chuẩn bị nghỉ hưu" trong một bộ phận quan chức. Nghĩa là, họ vội vàng chạy theo thời gian thực hiện những công việc thuận lợi cho cá nhân mình trước khi nghỉ hưu. Hội chứng đó rất nguy hiểm. "Ở một cơ quan, khi một ông lãnh đạo chuẩn bị về hưu bổ nhiệm tràn lan thì người quản lý kế nhiệm sẽ không có cơ hội được sàng lọc, tìm ra những người có đủ đức, đủ tài trong nhiệm kỳ của mình. Còn với những người đã được bổ nhiệm trước đó, họ nghiễm nhiên ngồi vào vị trí mà lẽ ra thuộc về người khác có năng lực hơn", ông Tiến chia sẻ. Cũng theo ông Tiến, để làm rõ quy trình bổ nhiệm đúng sai và có chính xác về số lượng trong các vụ việc gần đây, bộ Nội vụ nên vào cuộc kiểm tra. Phát hiện các lãnh đạo ký quyết định  bổ nhiệm sai quy trình thì sẽ kiến nghị miễn nhiệm các trường hợp vừa được bổ nhiệm.

    Cùng quan điểm, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - ông Lê Văn Cuông cho rằng, việc lãnh đạo vì nể nang, giúp đỡ nhau mà "nhắm mắt" bổ nhiệm cho qua, bổ nhiệm vì tiền, chính là lạm dụng quyền hạn của Nhà nước giao. Họ thừa biết, thế là gây họa cho chính mình và cho cơ quan. Bởi, việc bổ nhiệm một người năng lực kém sẽ làm cho hoạt động của cơ quan đó ngày càng đi xuống và gây ra sự bất công đối với những người có tài thực sự nhưng vẫn ký thì phải xử lý. "Cũng phải thừa nhận là trước khi về hưu, nhiều lãnh đạo thường không bổ nhiệm cán bộ nữa. Bởi người ta sẽ nhường quyền cho người kế nhiệm của mình", ông Cương chia sẻ.

    Phải xem xét mục đích của việc lãnh đạo bổ nhiệm vô tội vạ

    Trong những ngày qua, đường dây nóng của báo Đời sống và Pháp luật liên tục nhận được ý kiến của người dân về các vụ việc bổ nhiệm vô tội vạ của các lãnh đạo làm việc ở các cơ quan Nhà nước trước khi về hưu. Không ít người đặt nghi vấn  có "mùi" kim tiền, lợi ích nhóm, phe cánh trong các trường hợp này. Trả lời về vấn đề nêu trên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cơ quan chức năng nên vào cuộc để điều tra thực hư mục đích bổ nhiệm ồ ạt của các quan chức là gì.

    Theo Luật Cán bộ công chức, viên chức, cũng như các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ, trước khi bổ nhiệm, phải có nguồn cán bộ và phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo quy hoạch. Hơn nữa, kế hoạch về công tác cán bộ phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác cán bộ cũng cần đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng thẩm quyền, quy trình, quy định.

    Cán bộ được bổ nhiệm phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải được tổ chức giới thiệu, nằm trong diện quy hoạch, kế hoạch bổ nhiệm. Ngược lại, nếu cán bộ được bổ nhiệm lại chưa đủ điều kiện hoặc là không được tổ chức giới thiệu, không nằm trong diện quy hoạch, kế hoạch... mà người có quyền bổ nhiệm vẫn tiến hành bổ nhiệm thì là sai quy trình.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Huy An (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: "Những trường hợp được bổ nhiệm nhưng không đúng quy trình, không đúng quy định của Luật Cán bộ công chức, viên chức thì các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại. Thậm chí, có thể hủy quyết định bổ nhiệm trước đó". Theo luật sư An, sẽ có hai trường hợp xảy ra trong việc "tận thu" bổ nhiệm gấp của quan chức trước khi về hưu. Thứ nhất là do lỗi thiếu quy trình kiểm tra, giám sát, không thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu thì có thể người đó sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách, cách chức... Thứ hai, nếu cơ quan chức năng làm rõ được việc bổ nhiệm sai là do "giao dịch ngầm", người ký quyết định đã nhận tiền để cất nhắc thì có dấu hiệu của hành vi nhận hối lộ theo Điều 279 Bộ luật Hình sự. "Điều 279 Bộ luật Hình sự có quy định rõ, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng (nhưng gây hậu quả nghiêm trọng) để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Bên cạnh đó, người đưa tiền cho lãnh đạo để được bổ nhiệm là thực hiện hành vi đưa hối lộ, cần bị xử lý", luật sư An dẫn luật.

    Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Túy (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, nếu lãnh đạo không nhận tiền nhưng vì nể nang, thiếu xem xét gây ra hậu quả nghiêm trọng từ việc mình ký quyết định bổ nhiệm sai quy định có thể bị xử lý về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc tìm hiểu cho được mục đích của việc quan chức bổ nhiệm sai trước khi về hưu.

    Văn Chương - Vương Chân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xung-quanh-viec-lanh-dao-bo-nhiem-can-bo-o-at-truoc-khi-nghi-huu-a25936.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan