+Aa-
    Zalo

    Xuống cấp văn hóa ứng xử công cộng: "Mầm bệnh" dễ lây lan và "bản án" để đời

    • DSPL
    ĐS&PL TS. xã hội học Phạm Thị Thúy nhận định: “Nguyên nhân quan trọng nhất khiến con người dễ bạo lực với nhau, ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng là do thiếu tình yêu thương..

    TS. xã hội học Phạm Thị Thúy nhận định: “Nguyên nhân quan trọng nhất khiến con người dễ bạo lực với nhau, ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng là do thiếu tình yêu thương với chính mình. Tình trạng này đang giống như một căn bệnh nguy hiểm, nên loại bỏ càng sớm càng tốt”.

    Sự việc của bà Lê Thị Hiền, ông Nguyễn Xô Việt gây bức xúc trong dư luận.

    Vấn đề văn hóa ứng xử cộng đồng đang được quan tâm vì trong thời gian qua nổi lên những sự việc, hành vi thiếu văn hóa khó chấp nhận. Như vụ việc một đại úy công an chửi bới nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Một thượng úy đánh nhân viên trạm dừng nghỉ vì bị yêu cầu nhắc trả tiền đồ ăn con trai đã lấy, rồi cụ ông 80 tuổi ở Hà Nội bị xe ôm đánh, bắn súng cao su vào mặt...

    Xoay quanh vấn đề này, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM).

    - Hiện nay, một bộ phận người Việt đang đứng trước ngưỡng báo động về cách ứng xử văn hóa cộng đồng. Vậy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này thưa TS.?

    Có rất nhiều nguyên nhân mà chúng ta đã nói trước đó, nhưng dường như nó chưa đầy đủ và trọn vẹn. Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất khiến con người bạo lực hơn là do có quá nhiều áp lực về việc học hành, công việc khiến họ không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn dẫn đến căng thẳng. Ngoài ra, thời gian họ “đắm chìm” vào rượu bia và mạng xã hội quá nhiều.

    Nguyên nhân nữa là do con người càng ngày càng thiếu tình yêu thương từ gia đình. Khi thiếu tình yêu thương, người ta nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy lỗi của người khác vì vậy không thể cư xử tử tế với nhau. Tình yêu thương là điều quan trọng nhất nên khi thiếu tình cảm con người ta sẽ trở nên bạo lực hơn. Hiện nay, con giết bố mẹ, chồng giết vợ, ông bà giết cháu,... còn có thể xảy ra huống chi là người dưng.

    Nguyên nhân quan trọng nhất khiến con người dễ bạo lực với nhau chính là do thiếu tình yêu thương với chính mình. Từ bé, họ đã không được dạy cách yêu thương và trân trọng bản thân vì thế khi lớn lên cảm xúc ngày càng “khô kiệt”. Họ không biết quý trọng bản thân mình và người khác, vì thế, đôi khi vì nóng giận con người ta có thể bất chấp tất cả làm những việc có hại cho người khác.

    - Nhiều người cho rằng, khi xảy ra những hành vi lệch chuẩn văn hóa nơi cộng đồng nhưng người này thường đang có tâm lý không ổn định hoặc kỹ năng sống còn yếu và kém?

    Kỹ năng kiềm chế cảm xúc chỉ là “bề mặt” của vấn đề. Còn việc thiếu kỹ năng là hoàn toàn đúng. Kỹ năng quan trọng nhất là học cách yêu thương chính mình và xử lý cảm xúc của bản thân. Mặc dù ai cũng có cảm xúc tiêu cực, nhưng người có bản lĩnh và có kỹ năng điều hoà chúng thì có thể kiềm chế tối đa cảm xúc tức giận với người khác.

    - Văn hoá ứng xử cộng đồng ngày càng xuống cấp, có nên coi nó như một “căn bệnh” cần phải loại bỏ ngay thưa TS?

    Hiện nay thực trạng văn hoá ứng xử cộng đồng đang báo động ở mức nguy hiểm. Nếu con người ta không tìm lại chính mình, không biết cách yêu thương trân trọng chính bản thân và những người xung quanh thì xã hội này sẽ loạn. Vì vậy đây là một “căn bệnh” nguy hiểm, cần loại bỏ càng sớm càng tốt.

    - Có ý kiến cho rằng: “Gia đình là cái nôi, là nền móng cho sự phát triển của ứng xử văn hoá cộng đồng”. Theo TS. điều này có thực sự đúng?

    Nguồn gốc trong giáo dục là gia đình. Nếu một đứa trẻ không biết trân trọng bản thân mình thì nguyên nhân chính là do cách giáo dục của gia đình chưa tốt. Đối với nhiều gia đình, bố mẹ chỉ bắt con “chạy đua” với những thành tích mà không hề dạy con cách bảo vệ, tôn trọng và tự tin vào chính bản thân mình. Từ đó khi lớn lên dần dần hình thành tính cách bất mãn, không tự tin, không hài lòng với chính mình và những người xung quanh.

    Vì vậy, cha mẹ phải là những người trân trọng con người thật, cá tính riêng và năng lực riêng của con. Cha mẹ cần động viên khích lệ khi con làm đúng và sửa lỗi khi con làm sai. Sửa lỗi dựa trên việc thay đổi hành vi chứ không phải lăng mạ hay đánh đập con. Đặc biệt các ông bố bà mẹ cần hiểu con như một cây non đang cần được vun trồng, chăm sóc không nên áp đặt, vùi dập theo suy nghĩ riêng của mình.

    Có những đứa trẻ chỉ không có năng khiếu nhưng bố mẹ vẫn ép tham gia những hoạt động đoàn đội, lớp năng khiếu... mà hoàn toàn không phù hợp với nó. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang phủ nhận tính cách riêng có của đứa trẻ khiến chúng khi lớn lên có rất nhiều bức xúc. Những đứa trẻ đó sẽ tự ti vào bản thân và dễ có sự bạo lực với người khác.

    Còn đối với người trưởng thành thì bản thân cần tự mình thay đổi để có thái độ tích cực, yêu thương và bao dung với bản thân để có cuộc sống thoải mái hơn.

    - Từ những câu chuyện buồn trong thời gian qua, chúng ta cần ứng xử nơi công cộng như thế nào cho đúng chuẩn và có văn hoá?

    Có rất nhiều cách để ứng xử một cách đúng mực ở nơi công cộng. Điều đầu tiên chúng ta cần làm là cư xử tử tế, tôn trọng và nhường nhịn người khác. Kỹ năng quan trọng nhất khi giao tiếp nơi công cộng là biết cách tôn trọng lẫn nhau, đặt quyền lợi của mình trong quyền lợi của mọi người.

    - Cảm ơn TS về cuộc trò chuyện!

    Bản án của dư luận và bài học để đời

    Đối chiếu với nội dung của hai Quy tắc ứng xử đã được Hà Nội ban hành: Quy tắc ứng xử trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội thì những hình ảnh, hành vi hết sức phản cảm của bà Hiền đã khiến cho Thủ đô ngàn năm văn hiến phải đối diện với những tổn thương ghê gớm.

    Theo lãnh đạo sở VHTT Hà Nội, trong khi cả thành phố đang nỗ lực triển khai những bộ Quy tắc ứng xử nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, từng bước góp phần hình thành chuẩn mực văn hóa của người dân Thủ đô thì những “con sâu” như trường hợp đại úy Hiền, hay trước đó là các vụ việc vi phạm các quy định về quy tắc ứng xử văn hóa như vụ tiểu bậy trong thang máy chung cư Gelexia Riverside Hoàng Mai; “cưỡng hôn” trong thang máy chung cư Golden Palm Thanh Xuân; hành vi phản cảm của một số hành khách trên xe buýt; và mới nhất là vụ người đàn ông đi xe biển xanh say xỉn, lăng mạ, tát cảnh sát giao thông... đã tạo thành những vết đen, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

    Sở VHTT Hà Nội mới đây có công văn tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi ứng xử không phù hợp nơi công cộng. Nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Văn hóa công vụ.

    Theo đó, các trường hợp vi phạm quy định về Văn hóa công vụ, tương tự như bà Lê Thị Hiền, sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định. Ngành Công an cũng đã quy định rất rõ về những quy tắc ứng xử chung, theo đó, cán bộ, chiến sĩ công an phải nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sáu điều Bác Hồ dạy CAND, năm lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật và điều lệnh CAND.

    Thông tư của Bộ Công an cũng có quy định riêng về quy tắc ứng xử tại nơi công cộng, không được có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng. Các biện pháp và hình thức xử lý đã và đang được tiến hành, nó sẽ là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người và là bài học để đời cho chính người trong cuộc.

    Mai Thu

    Bài đăng ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số185

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xuong-cap-van-hoa-ung-xu-cong-cong-mam-benh-de-lay-lan-va-ban-an-de-doi-a301762.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan