+Aa-
    Zalo

    3 "vũ khí" của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những nỗ lực nhằm ngăn chặn tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh của Trung Quốc từ phía Mỹ có thể trở nên vô ích.

    Những nỗ lực nhằm ngăn chặn tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh của Trung Quốc từ phía Mỹ có thể trở nên vô ích.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phản ứng rất nhanh trước các đòn trừng phạt nhắm tới hai tập đoàn công nghệ hàng đầu của nước này là Huawei và ZTE. Bằng cách dốc mọi nguồn lực vào nghiên cứu và phát triển thị trường trong nước, Chủ tịch Tập kêu gọi người Trung Quốc “gạt bỏ ảo tưởng về sự hợp tác với phương Tây”.

    Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump - Ảnh: National.

    Trước chương trình thảo luận về thương mại Trung – Mỹ diễn ra tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Mnuchin từng tiết lộ về việc khiếu nại các chiến lược công nghiệp và thặng dư thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía chủ nhà cho biết mục tiêu tiến bộ công nghệ của họ sẽ không nằm trên bàn đàm phán.

    Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực ngăn cản kế hoạch phát triển “Made in China” đến năm 2025 nhằm thống trị các ngành công nghiệp từ vận tải đến người máy, nhà kinh tế cấp cao Xu Jianwei nói: “Áp lực của Mỹ chỉ khiến Trung Quốc thêm quyết tâm củng cố năng lực thực sự của họ thay vì sao chép như trước đây”.

    Kế hoạch cạnh tranh mạnh mẽ

    Ngoài thặng dư thương mại và các vấn đề về xuất nhập khẩu, cuộc đua trong lĩnh vực công nghệ đang trở thành ưu tiên hàng đầu của hai siêu cường kinh tế. Hiện nay, Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược.

    Một trong những kế hoạch khiến Mỹ lo ngại là mục tiêu trở thành siêu cường toàn cầu, dẫn đầu 10 ngành công nghiệp chiến lược vào năm 2025 của Trung Quốc. Đại diện Bộ thương mại Mỹ Robert Lighthizer gần đây đã gửi nhiều báo cáo tới Thượng viện Mỹ về vấn đề này.

    Chuyên gia Mỹ - Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Scott Kennedy tại Washington nói: “Nó liên quan đến một danh sách dài các chính sách phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nội địa và nước ngoài của Trung Quốc. Kế hoạch Made in China 2025 đang đe dọa không chỉ các tập đoàn quốc tế tại Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới thị trường thế giới và các nền kinh tế phụ thuộc trong khu vực”.

    Kế hoạch Made in China 2025 được công bố vào năm 2015, nhấn mạnh 10 lĩnh vực quan trọng sẽ đưa Trung Quốc trở thành siêu cường về khoa học và công nghệ. Truyền thông và chính phủ nước này coi đây là "cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư” sẽ thay đổi bộ mặt quốc gia toàn diện và nhanh chóng.

    Đường sắt và hàng không

    Trong số 10 ngành công nghiệp trọng tâm, Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh mạnh nhất trong thiết bị truyền thông, giao thông đường sắt, hàng không vũ trụ, xe sử dụng năng lượng mới và đóng tàu biển.

    Tàu siêu tốc là một trong những lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc - Ảnh: ChinaDaily

    Ngoài sự phát triển nhanh chóng trong công nghệ chế tạo robot, sinh học, vật liệu mới, thiết bị nông nghiệp và công nghệ thông tin thế hệ mới, Trung Quốc cũng đang cố gắng xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn trong nước sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Với đặc điểm dân số đang già hóa nhanh chóng, chính quyền Bắc Kinh hiểu rằng công nghệ khoa học tiên tiến là cách duy nhất đảm bảo năng suất lao động và khả năng cạnh tranh với các siêu cường khác trên thế giới.

    Đội ngũ nghiên cứu hàng đầu thế giới

    Tháng 7/2017, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết đặt mục tiêu hoàn thiện công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) vào năm 2020 và sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu AI của thế giới vào năm 2030. Dù đây vẫn là một lĩnh vực mới mẻ, đội ngũ các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã trở thành một lực lượng tinh hoa và dẫn đầu thế giới. Công ty LinkedIn Co. đánh giá đây là nơi có triển vọng cho ngành khoa học này.

    Giám đốc điều hành của công cụ tìm kiếm Baidu Qi Lu trong một hội thảo về trí thông minh nhân tạo vào tháng 11/2017 - Ảnh: Youtube

    Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh cho biết: “Hai nước dường như đang bắt đầu cạnh tranh về công nghệ vì họ đều coi đây là chìa khóa cho an ninh quốc gia. Tất nhiên, không ai muốn làm người thua cuộc hay bị bỏ lại phía sau”.

    Hiện nay, những xung đột thương mại Trung – Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu tích cực sau khi chương trình thảo luận kéo dài hai ngày kết thúc. Tuy nhiên, cuộc chiến công nghệ mới thực sự đang bắt đầu nhen nhóm và sẽ khó đoán trước được kết quả cuối cùng.

    Thu Phương(Theo Bloomberg)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/3-vu-khi-cua-trung-quoc-trong-cuoc-chien-cong-nghe-voi-my-a228559.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan