+Aa-
    Zalo

    Bộ quy tắc về quấy rối tình dục: Khó phân định chủ thể và nạn nhân?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chiếu theo bộ quy tắc, hành vi được coi là quấy rối tình dục nơi làm việc gồm cả cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ ngón tay… thì đúng là kỳ lạ!

    (ĐSPL) - Chiếu theo bộ quy tắc, hành vi được coi là quấy rối tình dục nơi làm việc gồm cả cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… thì đúng là kỳ lạ, kỳ cục và kỳ khôi!

    Lần đầu tiên, một “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc” được công bố tại Việt Nam và gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận. Đây là “sản phẩm” do bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu, xây dựng dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

    Đáng lưu ý, bộ quy tắc này đề cập rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm cả cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay và lời nói...

    Hành vi quấy rối tình dục bao gồm cả các hành vi mang tính thể chất và những hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói. (Ảnh minh họa).

    Cụ thể như: những ngụ ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hay hướng tới họ khi vắng mặt, ngoài ra còn có những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

    Trả lời câu hỏi vì sao cả ba cơ quan bộ, ngang bộ cùng “góp sức” xây dựng một bộ quy tắc với những quy định tỉ mỉ, xét nét như vậy mà chế tài xử lý những hành vi quấy rối lại không được đề cập, ông Hà Đình Bốn (Vụ trưởng Pháp chế, bộ LĐ-TB&XH) – người trực tiếp tham gia soạn thảo - cho rằng: “Qua tình hình thực tiễn diễn ra tại các doanh nghiệp, nơi sử dụng lao động cho thấy, hành vi QRTD diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến người lao động.

    Tuy nhiên, những biểu hiện đó chưa đến mức nghiêm trọng để xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính. Vì vậy, chúng tôi soạn thảo bộ quy tắc này để các cơ quan, doanh nghiệp xác định rõ như thế nào là hành vi QRTD, từ đó nghiêm cấm và đưa vào nội bộ cơ quan”.

    Nói về phạm vi áp dụng bộ quy tắc trên, ông Bốn cho biết: “Vì đây chưa phải là một văn bản quy phạm pháp luật, do đó chưa thể quy định đầy đủ phạm vi áp dụng theo hướng bắt buộc”.

    Liên quan đến bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc mới được công bố, phía doanh nghiệp và người lao động đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều.

    Chị Nguyễn Thu Hương, nhân viên của một công ty kinh doanh trên địa bàn Hà Nội góp ý: “Đọc qua bộ quy tắc này, tôi cảm thấy ngày nào mình cũng bị quấy rối tình dục và có lẽ, tôi cũng vô tình quấy rối rất nhiều người nữa. Nếu các sếp mà áp dụng bộ quy tắc này vào nội quy của doanh nghiệp thì chắc chắn mọi người trong công ty vi phạm hết. Nếu mà bị xử phạt thì đồng nghiệp nói chuyện với nhau sẽ phải dè chừng, không thoải mái”.

    “Mới đầu, nghe thông tin công bố “bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”, chị em chúng tôi phấn khởi lắm. Nhưng đến khi tìm hiểu, được biết đây chỉ là văn bản mang tính chất tham khảo dành cho các doanh nghiệp, khiến ai cũng ngán ngẩm”, chị Đỗ Thị Duyên, một công chức Nhà nước chia sẻ.

    Trái ngược hai ý kiến trên, chị Nguyễn Hồng Nhung, nhân viên của một công ty PG cho biết: “Khi làm việc, tôi cũng từng bị khách hàng trêu đùa quá trớn nhưng vẫn âm thầm chịu đựng vì sợ ảnh huởng đến công việc chung của công ty. Nếu công ty tôi áp dụng bộ quy tắc này vào hoạt động thì bản thân chúng tôi sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều trong công việc…”.

    Bộ quy tắc “cưỡi ngựa xem hoa”…

    Trao đổi với PV, ông Hoàng Tiến Triển (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển) thẳng thắn cho rằng, không thể áp dụng bộ quy tắc trên, nhất là trong môi trường làm việc ở Việt Nam. “Đây là sản phẩm mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”, gây hoang mang dư luận và tốn kém ngân sách của Nhà nước”, ông Triển nói.

    Phân tích về nhận định “không thể áp dụng vào thực tế”, ông Triển cho hay: “Việc xác định, phân loại hành vi quấy rối tình dục là rất khó. Mỗi môi trường làm việc lại có văn hóa ứng xử khác nhau, mỗi tầng lớp lại có cách giao tiếp khác nhau. Nếu dựa vào cảm nhận cá nhân, lời nói đôi khi không thể đánh giá chính xác được bản chất, hành vi của một con người.

    Quấy rối hay không quấy rối, tùy cảm nhận của từng cá nhân. Ví dụ: Anh A có hành vi đó nhưng chị B không cho là quấy rối, còn nếu anh C làm y chang anh A nhưng chị B không thích sẽ nghĩ ngay anh C có ý đồ xấu. Vậy trong trường hợp trên, áp dụng bộ quy tắc ứng xử này liệu có khả thi?”.

    “Những công ty lớn có hàng ngàn công nhân viên với đủ tầng lớp, vùng miền văn hóa khác nhau nên việc áp dụng quy định này vào là vô cùng khó khăn, phức tạp. Doanh nghiệp tôi thấy bộ quy tắc này không phù hợp và sẽ không áp dụng”, ông Triển nhấn mạnh.

    Bộ quy tắc khiến không khí làm việc căng thẳng

    Ông Nguyễn Đức Thiện (Giám đốc công ty Cổ phần Vinaconex 12) cho rằng: “Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đã có những nội quy, quy tắc riêng để đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh, phát triển cho công ty. Bộ quy tắc không đưa ra được những điểm mới hay ban hành quy định cụ thể từng mức vi phạm QRTD nơi làm việc sẽ bị xử lý ra sao.

    Phía doanh nghiệp chúng tôi thấy khó có thể áp dụng bộ quy tắc này, bởi vô tình nó sẽ làm không khí làm việc căng thẳng, mọi người phải cảnh giác nhau đến từng lời nói, cách nhìn… Tóm lại, theo tôi đây là một bộ quy tắc “trên trời” không hiệu quả”.

    Lãng phí và vô bổ

    Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Chủ tịch Hội đồng khen thưởng – kỷ luật, đoàn Luật sư TP.Hà Nội), người từng tham gia tư vấn pháp lý cho nhiều nạn nhân của hành vi QRTD nơi làm việc chia sẻ:

    Thứ nhất, về tính pháp lý cần phải nói rõ bộ quy tắc ứng xử về QRTD nơi làm việc chỉ có tính chất tham khảo hoặc để áp dụng cho nội bộ cơ quan chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, các cơ quan, nơi sử dụng lao động không thực hiện thì cũng không ảnh hưởng gì, không bị chế tài. Vì thế, tính thực thi chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả cao.

    Thứ hai, theo ý kiến của cơ quan soạn thảo rằng các quy định của pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, tuy nhiên với những hình thức mà cơ quan soạn thảo đưa ra về xác định QRTD nơi làm việc thì cũng chẳng khá khẩm hơn. Thậm chí những việc như nháy mắt, nhìn gợi cảm cũng được coi là QRTD thì không ổn. Không ổn bởi ba cơ quan lớn như bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam lại đầu tư nhiều tiền bạc, chất xám và công sức để xây dựng nên một bộ quy tắc như nói trên thì quá lãng phí.

    Thứ ba, với những nạn nhân bị QRTD cái họ quan tâm nhất là việc họ tố cáo sẽ được bảo vệ như thế nào và hình thức xử lý đối với “dê xồm” ra sao. Bởi thực tế, để kiện ra tòa hoặc yêu cầu xử lý người QRTD, thì người tố cáo phải có nhân chứng, có camera ghi lại... Nếu như bộ quy tắc hướng dẫn các điều luật xử lý QRTD, tạo hành lang pháp lý đưa vào luật hiệu quả hơn, thiết thực hơn thì có lẽ dư luận sẽ đồng tình.

    CAO TUÂN - KIM THƯỢC

    [mecloud]yTaxk1X65k[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-quy-tac-ve-quay-roi-tinh-duc-kho-phan-dinh-chu-the-va-nan-nhan-a96383.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.