+Aa-
    Zalo

    Thanh Hóa: "Tiện tay cầm nhầm" 279 m2 đất vàng (Kì 5): Xử lý sai phạm kiểu "nương tay"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cùng một hành vi vi phạm, nhưng chính quyền tỉnh Thanh Hóa lại có những cách xử lý khác nhau, một kiểu xử lý “nương tay”.

    Cùng một hành vi vi phạm, nhưng chính quyền tỉnh Thanh Hóa lại có những cách xử lý khác nhau, một kiểu xử lý “nương tay”.

    Thời gian qua, báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải loạt bài viết về sai phạm tại Trung tâm thương mại Bờ Hồ, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa.

    Chính những sai phạm này cũng đã được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xác minh, làm rõ.

    Cụ thể những sai phạm đó là: lấn chiếm 279,7m2 đất vàng; xây vượt tầng; xây sai vị trí tầng kỹ thuật; xây vượt chiều cao gần 20m; chưa nghiệm thu công trình đã cho các đơn vị khác vào thuê để kinh doanh, buôn bán…

    Mặc dù đã trực tiếp kiểm tra, phát hiện sai phạm, nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn không có biện pháp xử lý triệt để, ngoài việc xử phạt hành chính chủ đầu tư của dự án này.

    Không những thế, các cơ quan chức năng còn nỗ lực tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh dự án phù hợp với sai phạm. Việc làm này khiến dư luận bất ngờ, liệu chính quyền có "nương tay" cho sai phạm của doanh nghiệp?

    Công trình TTTM Bờ Hồ dính nhiều sai phạm nghiêm trọng

    Dự án này triển khai từ khi nào? Đơn vị nào làm chủ đầu tư? Sai phạm từ khi nào? Sai phạm ở mức độ nào? Tất cả người dân thành phố ai cũng biết, đương nhiên chính quyền càng phải biết. Nhưng tại sao biết mà vẫn không xử lý? Nguyên nhân có thể là sợ đụng chạm hoặc nể nang nhau chăng? Nhà nước pháp quyền, nhưng có những mối quan hệ ngầm nó còn cao hơn cả pháp luật.

    Gần đây, với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã có những động thái tích cực, ban hành văn bản đề nghị các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị nội dung mà báo chí phản ánh và thông tin tại họp cuộc họp báo thường kỳ. Đáng buồn thay, tại cuộc họp báo, UBND thành phố Thanh Hóa không có bất kỳ thông tin nào. Thậm chí, cũng không kịp gửi văn bản về Sở Thông tin và Truyền thông để sở này cung cấp cho cơ quan báo chí.

    Khó khăn lắm, phóng viên mới tiếp cận được văn bản trả lời của UBND TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, nội dung văn trả lời khắc hẳn với sự mong đợi. Tại văn bản này, UBND TP Thanh Hóa cho hay, “Hiện nay Công ty CP Đầu tư Trung tâm thương mại Bờ Hồ đang thực hiện việc lập, trình duyệt và thẩm định hồ sơ dự án theo quy định tại nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015, Nghị định 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ”.

    Nghĩ cũng lạ, tinh thần thượng tôn pháp luật theo kiểu “cứ làm đi, sai thì hợp thức hóa, lo gì” nó đang ăn sâu, bám dễ trong từng suy nghĩ và tư tưởng của một bộ phận cán bộ và doanh nghiệp. Việc hợp thức hóa cho sai phạm đã và đang cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật.

    Cách đây không lâu Công ty TNHH thương mại XNK Hồng Cường tại Cảng Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn đã có hành vi cắm cọc bê tông, đổ cát, lấn chiếm dòng chảy sông Mã cả nghìn mét vuông đất. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này. Đồng thời yêu cầu công ty chấm dứt ngay hành vi vi phạm, khôi phục lại tình trạng dự án trước vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn chiếm.

    Vì vi phạm trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa không đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho Công ty TNHH thương mại XNK Hồng Cường. Trong việc này, các cơ quan tham mưu (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Sầm Sơn…) đã làm rất quyết liệt, triệt để, kịp thời, khiến nhân dân hết sức tin tưởng, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.

    So sánh vụ việc trên chúng ta thấy rằng, cũng một hành vi vi phạm (lấn chiếm đất) nhưng một bên buộc phải tháo dỡ khôi phục hiện trạng ban đầu, không đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư. Một bên (không chỉ lấn chiếm đất mà còn dính nhiều sai phạm nghiêm trọng khác) thì các cơ quan chức năng lại đồng ý chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án. Vì sao vậy? Có phải đang “nhất bên trọng, nhất bên khinh?” Đều là doanh nghiệp, đều làm kinh tế, đều đóng thuế cho nhà nước tại sao các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa lại “ưu ái” cho TTTM Bờ Hồ đến vậy?

    Cận cảnh sai phạm công trình TTTM Bờ Hồ: 

    Đời sống và Pháp luật online tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-hoa-tien-tay-cam-nham-279-m2-dat-vang-ki-5-xu-ly-sai-pham-kieu-nuong-tay-a248011.html
    Sự kiện: Bạn Đọc
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan