+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng KH&ĐT: Sẽ không để xảy ra những vụ việc tương tự

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Chúng ta phải tỉnh táo, bình tĩnh. Chúng ta phải bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả Trung Quốc, và những người lao động. Họ không có tội tình gì cả".

    "Chúng ta phải tỉnh táo, bình tĩnh. Chúng ta phải bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả Trung Quốc, và những người lao động. Họ không có tội tình gì cả".
    Đó là trao đổi của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với Thời báo Kinh tế Sài Gòn trưa nay (15/5), trước những thông tin liên quan đến hành vi của những người quá khích, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
    Qua đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư muốn đưa thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài, các công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp.
    Thưa ông, tình hình đang nghiêm trọng. Thông điệp chính của Bộ trưởng đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là gì?
    Tôi vừa ký công văn gửi các sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, trong đó khẳng định:
    Thứ nhất, việc xảy ra vừa qua là tự phát, và có yếu tố kích động. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và chính quyền các địa phương rất lấy làm tiếc về điều này.
    Thứ hai, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn ngay lập tức các hành động này; và đảm bảo không cho tái diễn, trong đó sẽ xử ký nghiêm các đối tượng cầm đầu, để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, và các hoạt động sản xuất của họ tại Việt Nam.
    Thứ ba, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các địa phương mong muốn rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ủng hộ và hơp tác với Việt Nam để giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có thông tin trung thực, đúng đắn về tình hình ở Việt Nam, đặc biệt là thông tin về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, của chính quyền các địa phương trong giải quyết vụ việc này để lập lại trật tự, an toàn.
    Tôi khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không để xảy ra các vụ việc tương tự.
    Còn thông điệp gửi đến các công nhân, người dân như thế nào?
    Tôi muốn chính quyền địa phương, báo chí cần tuyên truyền cho người dân và công nhân hiểu rằng, chúng ta phải bảo vệ các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.
    Chính quyền Trung Quốc đặt giàn khoan là trái phép, nhưng Việt Nam vẫn coi trọng, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị với người dân Trung Quốc, và doanh nghiệp Trung Quốc. Những người lao động Trung Quốc đến làm việc tại Việt Nam hợp pháp là những người đã đóng góp vào công cuộc phát triển của Việt Nam. Họ được luật pháp Việt Nam bảo vệ.
    Mỗi người dân, mỗi người lao động chúng ta dù ở đâu cũng phải bảo vệ họ. Đó là trách nhiệm của chúng ta. Nếu gây hại cho họ, là phá vỡ hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam, môi trường đầu tư của Việt Nam. Và chúng ta đang hủy hoại tương lai của chính mình.
    Việt Nam là một môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn mới kêu gọi được nhà đầu tư, và các khách du lịch. Nếu không còn an toàn, thì không ai đến. Như vậy, những hành động như vừa qua đã tự hại mình. Đây chính là hoạt động của những kẻ kích động, không vì lợi ích của đất nước.
    Chúng ta phải tỉnh táo, bình tĩnh. Chúng ta phải bảo vệ các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả Trung Quốc, và những người lao động. Họ không có tội tình gì cả.
    Xin ông cập nhật lại tình hình ở các địa phương khi nhân dân, công nhân phản ứng lại việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép?
    Phản ứng lại Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã xảy ra các cuộc biểu tình của các tầng lớp nhân dân, của công nhân và các doanh nghiệp.
    Giai đoạn đầu, các cuộc biểu tình này là trật tự, nhưng trong 2-3 ngày gần đây, bắt đầu ở tỉnh Bình Dương có những lực lượng trà trộn trong công nhân, xúi bẩy, kích động công nhân trong khu công nghiệp, và sau đó là nhân dân địa phương... Họ bị kích động, và tiến hành đập phá các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài.
    Hiện nay, điều này không chỉ dừng ở Bình Dương, mà lan ra các khu công nghiệp ở các địa phương khác. Tính chất của nó là nghiêm trọng. Việc này khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy bất an, lo lắng về môi trường đâu tư của Việt Nam. Đấy là việc hết sức đáng tiếc.
    Hiện nay, việc này đã được Chính phủ, các cơ quan chức năng của nhà nước ở các địa phương xử lý rất quyết liệt. Chúng ta đã bắt được những kẻ cầm đầu kích động các cuộc biểu tình này, và những kẻ gây rối để xử lý theo pháp luật của Việt Nam.
    Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
    Ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tình hình đã bắt đầu yên trở lại, và chính phủ đã có thể kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình hình vẫn đang phức tạp. Nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ một cách quyết liệt, thì sẽ làm cho tình hình xấu. Các hoạt động này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng về hình ảnh của Việt Nam và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam mà chúng ta dầy công xây dựng trong nhiều năm qua.
    Trong bối cảnh này, Chính phủ có giải pháp gì để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài?
    Ngay khi sự việc xảy ra, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng của trung ương và địa phương đã lập tức có mặt để can thiệp, quyết liệt bảo vệ các nhà đầu tư, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp.
    Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã ngăn chặn, giải tán, chấm dứt các hoạt động quá khích này. Cơ quan chức năng đã bắt hàng loạt các đối tượng cầm đầu, kích động để điều tra, xử lý theo luật Việt Nam.
    Ngoài ra, các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có các văn bản hướng dẫn yêu cầu các Uỷ ban trực thuộc trung ương trong cả nước, các sở kế hoạch và đầu tư, các ban quản lý khu công nghiệp khu chế xuất, khu kinh tế phải khẩn trương có những biện pháp cần thiết để bảo vệ, giải quyết các vụ việc có thể xảy ra trong địa bàn của mình nhằm bảo vệ các nhà đầu tư, bảo vệ doanh nghiệp, ngăn chặn các hành động quá khích để sớm ổn định tình hình, bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
    Chúng tôi yêu cầu mỗi tỉnh, thành phó phải có một đầu mối công bố công khai một đường dây nóng 24/24 để nghe phản ánh tình hình từ doanh nghiệp, công nhân, và người dân. Họ yêu cầu giúp đỡ thì phải được chính quyền đáp ứng ngay.
    Ở các địa phương đã xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng phải phối hợp với các tổ chức công đoàn, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm giải thích, trấn an họ, lắng nghe những ý kiến đề xuất của họ, đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền để công nhân và nhân dân ở khu vực đó hiểu rằng, chúng ta bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ chính mình.
    Xin chân thành cảm ơn ông!
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-khdt-se-khong-de-xay-ra-nhung-vu-viec-tuong-tu-a33127.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan