+Aa-
    Zalo

    Cấp phép bài hát: Hết bới lông tìm vết đến chữa cháy tư duy lỗi thời

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù, cục NTBD đã hủy bỏ lệnh tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 và tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng dư luận vẫn bất bình với cách làm việc máy móc...

    Mặc dù, cục NTBD đã hủy bỏ lệnh tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 và tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nhưng dư luận vẫn bất bình với cách làm việc máy móc, bị động theo kiểu “xin - cho”.

    Như vậy, những ồn ào xung quanh 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị cấm hát đã có hồi kết. Sau nhiều tranh cãi, cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã chính thức ra văn bản thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 gồm: Con đường xưa em đi, Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú theo chỉ đạo của bộ VH,TT&DL.

    Đồng thời, Cục đã có động thái xoa dịu căng thẳng bằng công văn “xin nhận trách nhiệm về sự việc trên và tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm đối với bộ phận tham mưu việc tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép phổ biến nêu trên”.

    Cố nhạc sĩ Châu Kỳ - tác giả ca khúc Con đường xưa em đi.

    Mặc dù, cục NTBD đã nhận lỗi và sửa sai, nhưng dư luận vẫn rất bất bình với cách làm việc máy móc, bị động theo kiểu “xin – cho” của đơn vị này. Công chúng bức xúc không hiểu vì sao, Cục bỗng dưng “bới lông tìm vết” những ca khúc nổi tiếng đã thuộc nằm lòng bao thế hệ khán giả để tạm dừng lưu hành. Việc giải thích vòng vo, luẩn quẩn về nguyên nhân tạm dừng lưu hành các ca khúc này của cục NTBD đã bị dư luận phản ứng gay gắt vì thiếu tính thuyết phục. Thực tế, tranh cãi cấp phép cho ca khúc Con đường xưa em đi hay Nối vòng tay lớn chỉ là giọt nước tràn ly, bộc lộ tư duy làm việc máy móc, cảm tính, thiếu thiện ý của cơ quan quản lý.

    Lẽ ra, khi nhận thấy sự bất cập, cục NTBD cần có những tham mưu, đề xuất để sửa đổi, nhưng ngược lại, họ lại thực hiện một cách máy móc. Thiết nghĩ, tại sao Cục lại không phối hợp với hội Nhạc sĩ Việt Nam và trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để có một cuộc thẩm định bài bản? Để rồi năm lần bảy lượt quyết định sai rành rành... và sau đó, lại tự phủ nhận tính pháp lý của các văn bản, giấy phép đã cấp, phải chăng cục NTBD đang “gậy ông đập lưng ông”?

    Đành rằng, việc bộ VH,TT&DL chỉ đạo cục NTBD thu hồi quyết định tạm dừng 5 bài hát vừa rồi được người dân ủng hộ, nhưng xem xét thấy, đây cũng chỉ là giải pháp tình huống, “chữa cháy” cho cách quản lý máy móc, nhiều lỗ hổng của bộ VH,TT&DL với cấp dưới. Đúng ra, khi vừa xảy ra vụ việc, Bộ phải kiểm tra và xử lý ngay. Sự việc ồn ào này không chỉ làm mất uy tín cục NTBD mà là uy tín của ngành văn hóa.

    Có thể nói, để xảy ra những ồn ào trong việc quản lý các tác phẩm âm nhạc vừa qua cho thấy, lối tư duy lỗi thời, lạc hậu, cơ chế “xin - cho” vẫn còn rất nặng nề. Ngay cả việc hưởng thụ nghệ thuật cũng đầy rẫy những rắc rối và ngặt nghèo như thế, thì thử hỏi những nhu cầu khác của người dân sẽ còn khó khăn đến đâu.

    Nếu vẫn còn cơ chế “xin – cho” và áp dụng sự cấm đoán tuỳ tiện đối với các tác phẩm âm nhạc, chắc chắn sẽ gây bất bình và phát sinh nhiều hệ luỵ.

    Hà Linh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cap-phep-bai-hat-het-boi-long-tim-vet-den-chua-chay-tu-duy-loi-thoi-a188063.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan