+Aa-
    Zalo

    Còn hai đợt xâm nhập mặn tăng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long

    (ĐS&PL) - Theo dự báo, sẽ còn hai đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ ngày 22 đến 28/4 và ngày 7 đến 12/5) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

    Báo Lao Động dẫn thông tin từ Viện Khoa học Miền Nam cho biết, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 1 đến đầu tháng 3/2024, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50km-65km, có nơi đến 70km.

    Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

    Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

    Riêng tại Bến Tre có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016 - năm hạn mặn kỷ lục đã xảy ra ở ĐBSCL. Từ giữa tháng 3, độ mặn 4‰ đã xâm nhập đến ấp An Mỹ, xã An Khánh (huyện Châu Thành), cách cửa sông Cửa Đại 53km.

    Tại tỉnh Kiên Giang, các van cống Cái Lớn đã vận hành để ngăn xâm nhập mặn khi độ mặn xâm nhập sâu trên sông Cái Lớn, Cái Bé. Trong khi đó, các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau có thời tiết nắng hạn gay gắt dẫn đến bốc hơi nước diễn ra nhanh, việc bơm tát nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết các tuyến kênh, rạch đều khô cạn.

    Thống kê toàn tỉnh Sóc Trăng còn hơn 54.000 hộ dân chưa có nước sạch sử dụng và khoảng 21.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn 36 xã/phường có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay.

    Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ gia đình đang phải dùng các biện pháp khẩn cấp để có nước sạch.

    Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Hoàng Đức Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết:

    “Biến đổi khí hậu kết hợp với El Nino đã khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt hơn. Chúng ta có thể khẳng định hiện trạng khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt ở ĐBSCL nguyên nhân chính là do tác động của biến đổi khí hậu và El Nino.

    Theo dự báo, sẽ còn hai đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ ngày 22 đến 28/4 và ngày 7 đến 12/5). Hai đợt này dự báo sẽ vẫn còn tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Các dòng sông, nhất là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, dự báo xâm nhập mặn vào sâu 80 - 100km. Còn hệ thống sông Tiền, sông Hậu vào sâu khoảng 45 - 55km”.

    Khô hạn kéo dài, kênh cạn nước nên đường giao thông nông thôn ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) bị sụp lún nghiêm trọng. Ảnh: Tuổi trẻ

    Khô hạn kéo dài, kênh cạn nước nên đường giao thông nông thôn ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) bị sụp lún nghiêm trọng. Ảnh: Tuổi trẻ

    Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn Khoa học, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ - vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với hạn, mặn là phải thích ứng và sống chung.

    Ông Tuấn cho rằng, ngành chức năng, địa phương cần tăng cường công tác quan trắc, diễn biến hạn mặn; truyền thông để bà con nắm được thông tin cũng như khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Cần xây dựng các công trình trữ nước ngọt có thể dựa vào kinh nghiệm của người dân hay đặc điểm từng địa phương. Điều quan trọng là nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, trong đó ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt.

    “Về sản xuất thích ứng với hạn, mặn, cần điều chỉnh thời vụ cũng dần giảm diện tích trồng lúa ở vùng không chủ động được nước ngọt, bởi lúa là cây cần rất nhiều nước. Thay vào đó chuyển qua một số cây trồng khác cần ít nước hơn. Những khu vực nào nuôi tôm được thì chuyển dần sang nuôi tôm nước lợ, nước mặn hoặc mô hình tôm - lúa, mô hình trồng năn tượng - nuôi tôm. Còn những vùng hạn mặn gay gắt, không thể cung cấp nước thì chấp nhận không canh tác gì cũng là một biện pháp để tránh thiệt hại”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, theo báo Lao Động.

    Không chỉ riêng gì ĐBSCL, tại tỉnh Hải Dương (thuộc Đồng bằng sông Hồng) thời điểm hiện tại đã xảy ra xâm nhập mặn. Theo ông Hoàng Đức Cường, xâm nhập mặn không quá căng thẳng như ĐBSCL vì mức độ không sâu, không ảnh hưởng nhiều đến cánh đồng lúa, nuôi trồng thủy sản.

    Tuy nhiên, năm 2023 nguồn nước về hạ lưu của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cũng giảm từ 10 - 20%. Ba đợt triều cường từ đầu năm 2024 đến nay tương đối mạnh đã khiến nước biển lấn sâu vào trong dòng sông, nội đồng. Triều cường mạnh, thiếu hụt dòng chảy đã khiến nhiễm mặn sâu hơn so với các năm.

    Tại huyện Thanh Hà (Hải Dương), độ mặn cũng cao hơn so với mọi năm. Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã chủ động các phương án ứng phó nên thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không đáng kể.

    M.M(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/con-hai-ot-xam-nhap-man-tang-cao-tai-ong-bang-song-cuu-long-a415454.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan